Kết quả thực hiện cải cách thể chế trong công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Đăng ngày: 16-06-2022 | Lượt xem: 1848
Kết quả thực hiện cải cách thể chế trong công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Năm 2022, Tổng cục KTTV thực hiện sửa đổi, xây dựng và trình Bộ ban hành 12 Thông tư, hiện nay các Thông tư vẫn đang được thực hiện đúng tiến độ, cụ thể:

- 04 Thông tư chuyển tiếp từ năm 2021:

+ Thông tư quy định kỹ thuật kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng tài liệu khí tượng trên cao, ra đa thời tiết, ô-dôn và bức xạ cực tím: đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Thông tư số 04/2022/TT-BTNMT ngày 03/6/2022.

+ Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng;

+ Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng trên cao;

+ Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin dữ liệu KTTV đối với trạm KTTV chuyên dùng.

- 08 Thông tư được giao mới năm 2022 theo Quyết định số 2602/QĐ-BTNMT ngày 28/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về phê duyệt chương trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL năm 2022 và Công văn số 624/BTNMT-PC ngày 28/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL:

+ Thông tư thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BTNMT ngày 13/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung quan trắc KTTV đối với trạm thuộc mạng lưới trạm KTTV quốc gia;

+ Thông tư thay thế Thông tư số 44/2017/TT-BTNMT ngày 23/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về quan trắc ra đa thời tiết và ô dôn - bức xạ cực tím;

+ Thông tư thay thế Thông tư số 06/2016/TT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định loại bản tin và thời hạn dự báo, cảnh báo KTTV;

+ Thông tư thay thế Thông tư số 36/2016/TT-BTNMT ngày 08/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định Định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động của mạng lưới trạm KTTV;

+ Thông tư thay thế Thông tư số 26/2012/TT-BTNMT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc thủy văn;

+ Thông tư thay thế Thông tư số 41/2016/TT-BTNMT ngày 21/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng KTTV nguy hiểm;

+ Thông tư thay thế Thông tư số 40/2013/TT-BTNMT ngày 10/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật công tác kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo KTTV;

+ Thông tư thay thế Thông tư số 45/2017/TT-BTNMT ngày 23/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật công tác điều tra khảo sát KTTV.

- Xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng cục đã hoàn thiện hồ sơ và đang xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.

- Xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Quyết định số 1083/QĐ-BTNMT ngày 23/5/2022.

- Tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến dự thảo văn bản QPPL do các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành khác chủ trì soạn thảo: Quy định của Ban Cán sự đảng Bộ về công tác luân chuyển cán bộ; phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; Thông tư quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức kế toán, thuế, hải quan, dự trữ; Tờ trình và dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Quy định về tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc Bộ; đề xuất dự án hạ tầng đô thị thành phố Quảng Ngãi sử dụng vốn vay WB; Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050,…

Kết quả tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi, thi hành pháp luật.

- Tham gia xây dựng, chịu trách nhiệm về nội dung thuộc lĩnh vực KTTV trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 và Luật Đê điều số 79/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 15/2008/QH12, Luật số 35/2018/QH14 và các văn bản thi hành Luật này; Nghị định số 66/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch ...

- Bên cạnh giá trị điều chỉnh trực tiếp đối với lĩnh vực KTTV, hệ thống văn bản QPPL về lĩnh vực KTTV còn có tác động đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, nông, lâm, ngư nghiệp, năng lượng, giao thông, thủy lợi, tài nguyên nước, xây dựng, an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội. Hệ thống văn bản QPPL về lĩnh vực KTTV đã tạo hành lang pháp lý cho việc quy định trách nhiệm của ngành KTTV cung cấp số liệu KTTV, các bản tin cảnh báo, dự báo KTTV cho các lĩnh vực, địa phương, tổ chức và cá nhân, đồng thời quy định trách nhiệm của các lĩnh vực khác trong việc tiếp nhận, sử dụng các thông tin KTTV và chịu sự quản lý nhà nước của ngành KTTV trong các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực KTTV.

- Về Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 của Tổng cục KTTV được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 2507/QĐ-BTNMT ngày 20/12/2021 và Văn bản số 52/BTNMT-TTr ngày 05/01/2022. Trong đó, Tổng cục KTTV được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về KTTV tại tỉnh Hà Giang và chấp thuận Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật KTTV tại 11 tỉnh (Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng), trong đó tập trung vào các đối tượng: UBND cấp tỉnh; các chủ công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin dữ liệu KTTV: hồ chứa thủy điện, thủy lợi; vườn Quốc gia; sân bay và cáp treo…; các chủ đầu tư dự án, các cơ quan thẩm định, thẩm tra dự án phát triển kinh tế - xã hội có sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV.

- Tổng cục đã xây dựng Quy trình tiến hành Đoàn thanh tra KTTV và biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Giang, xây dựng dự thảo Quyết định thành lập Đoàn Thanh tra trình Bộ trưởng phê duyệt. Thực hiện Quyết định số 05/TW-PCTT ngày 05/4/2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai về việc tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương theo nhiệm vụ được phân công, Tổng cục KTTV đã tiến hành lồng ghép kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và chấp hành các quy định của pháp luật về KTTV năm 2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Quyết định số 175/QĐ-TCKTTV ngày 17/5/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, thời gian từ ngày 24 - 26/5/2022).

Kết quả thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Song song với công tác xây dựng thể chế, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về KTTV luôn được chú trọng; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật KTTV tại địa phương góp phần đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý nhà nước cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh/thành phố. Các đơn vị trực thuộc Tổng cục đặc biệt là các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, thành phố đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh/thành phố lồng ghép tuyên truyền về KTTV với tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản dưới luật gắn liền với công tác phòng, chống thiên tai bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững.

Đài KTTV tỉnh tại một số địa phương đã phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền về pháp luật tài nguyên môi trường; triển khai tuyên truyền các chuyên đề về việc ban hành Nghị định số 48/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn trên truyền hình và Báo Tài nguyên Môi trường, Truyền hình Quốc hội, Báo Tin tức Thông tấn xã Việt Nam… qua các bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân về hoạt động KTTV.

Công tác tuyên truyền về tình hình dự báo, cảnh báo KTTV, phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được đẩy mạnh. Các hoạt động quản lý nguồn thông tin KTTV trên các phương tiện truyền thông được tăng cường, các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV đã được gửi đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Kết quả kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL(số lượng văn bản đã được kiểm tra, rà soát; tiến độ, kết quả xử lý văn bản sau kiểm tra, rà soát; kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL).

Tại Điều 53 Luật Khí tượng thủy văn đã quy định 14 nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTV của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tuy nhiên rà soát cho thấy:

- Có 08 nhiệm vụ thuộc các quy định của pháp luật chung, ví dụ như nhiệm vụ xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản QPPL về KTTV, giám sát biến đổi khí hậu (thẩm quyền này đã được quy định trong Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015); nhiệm vụ b) Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phương án phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng ngân sách… (thẩm quyền này đã được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015); nhiệm vụ k) Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về KTTV, biến đổi khí hậu; thực hiện các biện pháp phát triển hoạt động phục vụ, dịch vụ KTTV trên địa bàn (thẩm quyền này đã được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và khoản 7 Điều 17 của Luật Chính quyền địa phương năm 2015), v.v…

- Có 01 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực biến đổi khí hậu (quy định tại điểm g).

- Có 01 nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương nhưng thực tế tùy theo nhu cầu và khả năng thực tế của tỉnh để quyết định có hay không (nhiệm vụ Quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu KTTV thuộc phạm vi quản lý). Thực tế đối với nhiệm vụ này, đến nay chưa địa phương nào xây dựng được cơ sở dữ liệu KTTV của địa phương.

- Có 02 nhiệm vụ về thực chất là triển khai chuyển tiếp theo quy định của Trung ương, cụ thể là nhiệm vụ đ) Theo dõi, đánh giá việc khai thác, sử dụng tin dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai trên địa bàn và h) Tổ chức truyền, phát tin dự báo, cảnh báo KTTV thuộc phạm vi quản lý (thẩm quyền ban hành bản tin dự báo, cảnh báo thuộc trách nhiệm của Tổng cục KTTV).

- Có 02 nhiệm vụ được phân cấp thực hiện theo trách nhiệm quản lý của tỉnh là nhiệm vụ (c) Cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV đối với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; và nhiệm vụ (e) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện hoạt động thẩm định, thẩm tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Tuy nhiên thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc triển khai 2 nhiệm vụ này là rất khó khăn, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, cụ thể là:

+ Đối với nhiệm vụ (c): như trên đã phân tích, hoạt động dự báo KTTV thường không chỉ diễn ra ở trong phạm vi một tỉnh. Thực tế cho thấy đến nay chưa có tỉnh nào cấp được giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV.

+ Đối với nhiệm vụ (e): việc thẩm định, thẩm tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV trong các chiến lược, chương trình, dự án rất phức tạp, đòi hỏi phải có cán bộ có chuyên môn sâu, đồng thời địa phương phải đáp ứng được về cơ sở dữ liệu lưu trữ đủ lớn và đủ thời gian theo chuỗi số liệu, dữ liệu, bảo đảm tính liên tục. Với nguồn lực của địa phương là không đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, trong những năm qua, công tác thẩm định, thẩm tra (nếu có) của địa phương thường được giao cho Đài KTTV tỉnh thuộc Tổng cục KTTV để tư vấn, hỗ trợ toàn bộ về chuyên môn; một số nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra thậm chí còn được địa phương chuyển đề nghị Tổng cục KTTV giúp xử lý, cung cấp thông tin.

Việc tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tính chất là Quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng Quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 đang được Tổng cục KTTV - Cơ quan lập quy hoạch khẩn trương triển khai theo ủy quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảo đảm sự đồng bộ với việc xây dựng các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Quốc gia và các Quy hoạch có liên quan khác.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: