Tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng dự báo Khí tượng Thủy văn qua các hoạt động hợp tác quốc tế

Đăng ngày: 14-07-2021 | Lượt xem: 2896
Trong thời gian gần đây, những hiện tượng thời tiết bất thường và khắc nghiệt ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, theo đánh giá của thế giới, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, các thiên tai liên quan tới nước không chỉ xuất hiện ở các khu vực đầu nguồn, vùng núi mà còn xuất hiện cả trong các khu đô thị, các thành phố lớn. Với tình hình hiện nay, nhiệm vụ mà Ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) phải gánh vác sẽ càng trở nên nặng nề.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, thiên tai mưa lớn, lũ, ngập lụt, đặc biệt là ngập lụt đô thị có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn trong những năm gần đây đã gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của xã hội, cộng đồng, người dân, tác động trực tiếp tới sự phát triển bền vững và đối với quốc phòng, an ninh của đất nước. Ngành KTTV Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, vừa dự báo, cảnh báo thiên tai giảm nhẹ thiệt hại đồng thời nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tăng cường năng lực trong công tác dự báo, cảnh báo.

Bênh cạnh những cải tổ về hệ thống dự báo, cảnh báo, hệ thống mạng lưới trạm quan trắc, truyền tin, công tác hợp tác quốc tế của Ngành KTTV đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hợp tác quốc tế tập trung tăng cường trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, huy động nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài và tiếp thu, chuyển giao công nghệ, đảm bảo việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển Ngành KTTV. Có thể nói trong hơn 100 năm qua, nhất là trong những năm gần đây, hợp tác quốc tế của Ngành KTTV đã phát triển sâu rộng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của Ngành nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung. Các mối quan hệ song phương và đa phương với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã liên tục được Ngành KTTV quan tâm và tăng cường tiếp tục mở rộng hợp tác.

Việt Nam là Thành viên chính thức của Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 1975; thành viên của Ủy ban Bão năm 1979. Cùng với việc Việt Nam gia nhập Khối ASEAN, KTTV Việt nam cũng trở thành thành viên chính thức của Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN (SCMG) vào năm 1995. Đồng thời, Việt Nam có những quan hệ song phương chính thức với Liên Xô trước đây (nay là Nga), Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương Quốc Cam pu chia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và một số nước khác. Các chương trình, dự án hợp tác quốc tế với các đối tác như Italia, Pháp, Phần Lan, Thụy Sỹ, Na uy, Quỹ Phát triển Bắc Âu, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, gần đây nhất là Vương quốc Bỉ và nhiều đối tác khác đã hoàn thành và phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tăng cường năng lực dự báo, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và từng bước hiện đại hóa Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam.

Để có thể từng bước nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo thiên tai về lũ quét, sạt lở đất Ngành KTTV đã và đang nhiều giải pháp và đề xuât nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo. Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế và trao đổi công nghệ là một trong những giải pháp hiệu quả, rút ngắn thời gian để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV, nổi bật gần đây nhất là hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác với Vương quốc Bỉ.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (NCHMF) trực thuộc Tổng cục KTTV (VNMHA) và Công ty HydroScan (Vương quốc Bỉ)

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (NCHMF) trực thuộc Tổng cục KTTV (VNMHA) và Công ty HydroScan (Vương quốc Bỉ) đã được thực hiện ngày 12/7, tại Hà Nội. Bản thỏa thuận hợp tác là cơ sở để hai bên hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ KTTV, cụ thể là chuyển giao công nghệ cảnh báo ngập lụt thông qua Dự án “Chuyển giao công nghệ Flood4Cast® ứng dụng cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội”. Dự án do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ không hoàn lại với tổng số vốn 700.000 Euro, thực hiện trong 3 năm, được kỳ vọng tạo ra một công cụ giám sát, cảnh báo, dự báo ngập úng đô thị Hà Nội kịp thời, chính xác có độ tin cậy. Công ty HydroScan (Bỉ) là đơn vị được Chính phủ Bỉ giao nhiệm vụ thực hiện dự án. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thuộc Tổng cục KTTV, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị tiếp nhận và sử dụng kết quả dự án.

Dự án này được thực hiện phù hợp với chủ trương của chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực đối phó với những rủi ro liên quan đến thiên tai do thời tiết cũng như khí hậu, nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực quản lý nước thông minh, đẩy mạnh hiện đại hóa công tác dự báo KTTV nhằm tăng cường cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho cộng đồng vì lợi ích của xã hội Việt Nam. Thông qua thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ, thời gian tới Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và Công ty HydroScan sẽ cùng phối hợp để tạo ra các sản phẩm dự báo KTTV phục vụ cảnh báo sớm ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Với những thành quả ban đầu của việc hợp tác giữa hai cơ quan, kế hoạch phát triển và hiện đại hóa và nâng cao năng lực dự báo KTTV, đặc biệt nâng cao năng lực quản lý nước thông minh sẽ được kỳ vọng mở ra trong những năm tiếp theo

Mục tiêu của dự án là thực hiện một trong những yêu cầu cấp bách và ưu tiên hàng đầu của chính quyền thành phố Hà Nội từ nhiều năm nay, đó là giảm thiểu tác động của ngập úng đô thị với nguyên nhân do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa nhanh. Cụ thể là thiết lập công nghệ dự báo thời gian thực về ngập lụt do mưa với việc triển khai hoạt động của Công nghệ Flood4Cast® cho khu vực nội thành Hà Nội dựa trên các dữ liệu quan trắc trong thời gian thực 24/7; và nâng cao năng lực dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để cảnh báo sớm, cảnh báo thời gian thực các thiên tai do mưa lũ gây ra.

Công nghệ Flood4Cast® trong Dự án được vận hành theo thời gian thực cho phép đưa ra các thông tin, các kịch bản, bản đồ cảnh báo trước ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội dựa trên các thông tin về lượng mưa dự báo. Khu vực thực hiện dự án gồm 12 quận của thành phố có tổng diện tích 306,64 km2, trong đó 8 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, là khu vực chịu ảnh hưởng ngập úng nặng nề nhất của thành phố Hà Nội. Đây là khu vực có diện tích ~120 km2, tổng dân số gần 2 triệu người có nhiều khu phố cổ, hệ thống tiêu thoát nước được xây dựng từ lâu, tuy đã được cải tạo nhưng thực trạng ngập lụt khi xuất hiện mưa lớn vẫn xảy ra thường xuyên, đặc biệt ở nhiều tuyến phố thuộc các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Thanh Xuân.

Dự báo về nguy cơ lũ lụt cho phép đội cứu hộ và nhà chức trách đưa ra quyết định tối ưu hơn và chủ động hành động hơn trong việc triển khai các hoạt động ứng cứu can thiệp tới những nơi cần nhất cũng như thông báo kịp thời tới người dân ở các khu vực có nguy cơ cao.

Có thể nói, hoạt động ký kết tiếp nhận chuyển giao công nghệ thông qua Dự án với nguồn tài trợ không hoàn lại vô cùng có ý nghĩa trong việc tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng dự báo KTTV, đặc biệt dự báo, cảnh báo ngập lụt thời gian thực tại khu vực Hà Nội.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: