Các nhà tài trợ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách về BĐKH

Đăng ngày: 09-10-2014 | Lượt xem: 978
Chiều 8/10 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) tổ chức Hội nghị với các nhà tài trợ cho Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP - RCC) và các đối tác...
Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBQG về BĐKH Hoàng Trung Hải đã tới dự và chủ trì cuộc họp. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa, đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cùng đại diện các Bộ, ban, ngành và các nhà tài trợ quốc tế.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định trong ứng phó với BĐKH. Đây là việc lâu dài, đòi hỏi sự cam kết dài hạn không chỉ của Chính phủ, của các ban, ngành mà của toàn xã hội. Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng mong muốn nhận được những đóng góp cũng như những giải pháp để công tác ứng phó với BĐKH được hiệu quả, đồng thời phát huy được nguồn lực xã hội nhiều hơn.
 
Theo Bộ TN&MT, chương trình SP-RCC được Chính phủ thông qua vào tháng 12/2008. Cùng với Chiến lược Quốc gia về BĐKH và Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, đã giúp tạo dựng một khung hoạt động và đối thoại giữa các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam.
 
Chương trình đã thu hút được tài trợ từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB)… dành cho Việt Nam nhằm ứng phó với BĐKH. Bên cạnh hỗ trợ về mặt tài chính, từ năm 2009, các nhà tài trợ và chương trình SP-RCC đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, ban hành nhiều văn bản và chính sách về ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh.
 
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân           Ảnh minh họa
 
Tại Hội nghị, các nhà tài trợ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện các chính sách về BĐKH cũng như triển khai các dự án cụ thể. Đại diện của JICA cho rằng, SP – RCC đã khẳng định được mình với vị thế là một diễn đàn lớn nhất quy tụ 9 bộ và 6 đối tác phát triển chính trong chương trình, cùng nhiều đối tác tham gia khác, xung quanh bàn đối thoại về các hành động BĐKH. SP – RCC đã tạo cơ hội cho các nhà tài trợ tiếp cận trực tiếp đến các bộ, ngành để thảo luận và đàm phán về các dự án BĐKH mới.
 
Các nhà tài trợ cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ công cuộc ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn tài chính hỗ trợ từ các đối tác phát triển, nhà tài trợ, Chính phủ Việt Nam cần thu hút được nguồn tài chính từ khu vực tư nhân đầu tư cho chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH.
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những việc đã làm được của Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH, trong đó chương trình đã thành công trong vai trò nâng cao nhận thức của toàn xã hội với BĐKH. Các kế hoạch, chương trình phát triển của các Bộ, ngành, địa phương đều lồng ghép với các chương trình ứng phó với BĐKH, điều này cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của chương trình trong 6 năm qua.
 
10 năm gần đây, số người thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam đã giảm một nửa. Đó là một kết quả cụ thể hóa những hành động ứng phó với BĐKH. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ nhà tài trợ, Việt Nam cũng đã thu hút được khối tư nhân đầu tư vào các dự án ứng phó với BĐKH.
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Trong kế hoạch năm 2015, việc trồng rừng cần bàn đến khu vực tư nhân,  3.000 tỷ đồng dành cho trồng rừng sẽ huy động xã hội hóa. Thay vì Nhà nước đứng ra trồng rừng, đối với vùng có khả năng kinh tế thì giao cho tư nhân, hỗ trợ tư nhân làm và quản lý thì sẽ bền vững. Đây là cách sử dụng nguồn vốn rẻ nhất nhưng mang lại hiệu quả cao”.
 
 Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ban, ngành cần tiếp tục rà soát, quy hoạch và có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trong việc thực hiện Chương trình SP-RCC, đồng thời, cần có kế hoạch ứng phó với BĐKH, bổ sung vào từng ngành, từng địa phương.
 
Phạm Thu Hà  (TN&MT)
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: