Xâm nhập mặn hoành hành ở đồng bằng sông Cửu Long

Đăng ngày: 28-02-2020 | Lượt xem: 3182
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra trầm trọng hơn so cùng kỳ năm 2016 - năm diễn ra xâm nhập mặn gay gắt, gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và dân sinh.

Ngày 14-2, độ mặn đo được trên một số sông ở ĐBSCL trên mức 10g/l, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng 78km. Ảnh: Thanh Hương

Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thông tin trong những ngày vừa qua, có 4 điểm trên các sông ở ĐBSCL đo được độ mặn trên 10g/l. Trong đó, trên sông Vàm Cỏ Đông, tại trạm Bến Lức (Long An), độ mặn đo được lên tới 11,1g/l, cao hơn so với cùng thời điểm năm 2016 (2,3g/l), khoảng cách lấn sâu từ cửa biển vào đất liền lên tới 67km. Tại vùng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Độ mặn đo được tại trạm Mỹ Hóa, trên sông Hàm Luông (Bến Tre) lên tới 14,2g/l, vào sâu trong đất liền 48km. Trên sông Hậu, tại trạm Cầu Quan, ranh mặn lên tới 14,6g/l, kéo dài 31km. Đặc biệt, trên sông Vàm Cỏ Tây, ranh mặn kéo sâu vào đất liền tới 85km.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, khô hạn diễn ra gay gắt, nhiều tuyến kênh trong vùng ngọt hóa của tỉnh đã bị khô cạn gây khó khăn cho việc sản xuất vụ lúa hè thu và vận chuyển lúa đi tiêu thụ của người dân. Khô cạn không chỉ làm cho tình trạng xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm gây thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Tình trạng khô hạn cũng khiến nhiều diện tích rừng ở Bạc Liêu được xếp vào diện cảnh báo cháy rừng cấp 5, đặc biệt là ở các huyện Phước Long, Giá Rai, Đông Hải, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, Hồng Dân. Tại các khu vực trên, cơ quan kiểm lâm đã đưa ra cảnh báo khả năng cháy rừng lan trên diện rộng, đặc biệt là rừng thông, rừng keo, rừng bạch đàn, rừng phục hồi, rừng tre nứa, trảng cỏ cây bụi...

Dự báo mùa khô năm 2020 tại Bạc Liêu sẽ có nguy cơ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn khá gay gắt. Nếu tình hình nguồn nước ngọt và thời tiết mùa khô năm 2020 diễn ra bất lợi như năm 2015-2016 thì khoảng 5.400 ha lúa sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nếu độ mặn tăng cao sẽ có khoảng 9.000ha nuôi tôm bị thiệt hại.

Tại tỉnh Cà Mau, hạn mặn cũng đã gây những hậu quả nghiêm trọng. Đến cuối tháng 1, trà lúa Đông - Xuân của tỉnh đã thiệt hại hơn 16.000ha do hạn hán, mức độ từ 30 đến hơn 70%. Trước đó, hạn hán đến sớm khiến độ mặn tăng cao làm thiệt hại hơn 16.800ha trong tổng số hơn 36.000ha vụ lúa gieo trồng trên đất nuôi tôm của tỉnh, năng suất lúa giảm từ 30-70%. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, hiện các kênh cấp 3 trong vùng ngọt của tỉnh đã khô nước, kênh cấp 1 mực nước còn từ 1-1,5m, kênh cấp 2 còn trên dưới 1m. Theo nhận định của đơn vị này, mới chớm tháng 2 đã thiếu nước, nếu kéo đến tháng 4 thì tình trạng hạn hán năm nay còn nặng nề hơn so với năm 2015-2016. Hiện, khoảng 3.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. 42 nghìn ha rừng U Minh Hạ cũng bị khô cạn hoàn toàn, trong đó có 12 nghìn ha rừng đang dự báo cấp cháy cực kỳ nguy hiểm.

Xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang dự báo sẽ diễn ra gay gắt như năm 2016. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài và mực nước trên các tuyến sông Cái Côn, Lái Hiếu, Cái Lớn, Xáng Xà No… tiếp tục xuống thấp, mặn sẽ tiến sâu vào nội đồng tỉnh Hậu giang với độ mặn tiếp tục tăng cao. Còn tại tỉnh Sóc Trăng, trong những ngày đầu tháng 2-2020, mặn đã xâm nhập sâu vào các kênh, rạch với chiều dài hơn 50km tính từ cửa biển. May mắn là một số vùng ở Sóc Trăng đã thu hoạch xong lúa nên không bị thiệt hại nhiều như năm 2015-2016. Tuy nhiên, khu vực huyện Cù Lao Dung, nước lưu trữ trong các kênh mương đang cạn dần. Trong khoảng 15 ngày nữa không có nước ngọt bổ sung thì sẽ gây thiệt hại cho nhiều diện tích cây trồng.

Gần 30.000ha canh tác nông nghiệp bị thiệt hại

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm hơn so với năm 2015 (năm hạn mặn lịch sử gây thiệt hại lớn cho vùng này), ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục tăng cao, khả năng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Đáng chú ý, mùa mưa 2019 trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm, tổng lượng dòng chảy năm ở mức thấp. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, hiện đang ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm.

0g42ywl7bc-25361_f_k6qgv6xn1_bc_liu_1
Nhiều diện tích lúa ở Thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liệu bị thiệt hại do hạn mặn. Ảnh: Hồ Phúc

Xâm nhập mặn hoành hành cùng với tình trạng thiếu nước ngọt đã và đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân ở vùng ĐBSCL. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày ngày 10-2, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại gần 29.700 ha vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020. Khoảng 332.000 ha lúa Đông Xuân, 136.000 ha cây ăn quả khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020. Hiện, có khoảng 82.000 hộ dân các tỉnh ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 20.400 hộ, Cà Mau 4.500 hộ, Tiền Giang 2.200 hộ. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020, có khoảng 158.900 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Được biết, nhằm ứng phó với hạn mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng và đưa vào vận hành các công trình chống hạn mặn. Đến nay, đã có 5 dự án công trình phòng, chống hạn mặn tại ĐBSCL sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đưa vào khai thác sử dụng kiểm soát mặn cho mùa khô 2019-2020, với diện tích trực tiếp được kiểm soát khoảng 83.000ha và tác động ảnh hưởng đến 300.000ha diện tích đất canh tác. Ngoài ra, hiện nay 11 dự án công trình khác đang được gấp rút hoàn thành để đưa vào phục vụ công tác phòng, chống hạn mặn tại khu vực ĐBSCL.

Theo bienphong.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: