Tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Đăng ngày: 26-09-2024 | Lượt xem: 494
Việt Nam đang nỗ lực nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất mặc dù vẫn còn nhiều thách thức cần phải đối mặt và vượt qua.

Hậu quả của lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc sau cơn bão số 3 vẫn còn chưa khắc phục hết được. Hiện nay, mưa lớn kéo theo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất lại đang tiếp tục đe dọa các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Bộ và cả vùng Tây Nguyên. Nhiều khu vực ở vùng núi Thanh Hóa và Nghệ An xuất hiện những vết nứt núi hoặc sạt lở khiến người dân phải di dời.

Bà Đặng Thanh Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn chia sẻ tại chương trình Vấn đề hôm nay

Bà Đặng Thanh Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, năm nay, nguy cơ gia tăng xảy ra sạt lở đất, lũ quét ngày càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân gây ra sạt lở đất, lũ quét thường là do mưa lớn kết hợp với quá trình phong hóa không ổn định của đất đá, độ dốc lớn của sông, suối, địa hình chia cắt và sự tác động của con người như cắt, xẻ, xây dựng các hồ chứa nước, khai thác thảm phủ và làm mất độ kết dính của đất đá.

Trong quá trình mưa lớn, đất đá, thân cây có thể bị cuốn vào chỗ hẹp, tắc nghẽn để tạo ra các đập chứa nhân tạo. Khi có mưa lớn, các đập này bị vỡ, cuốn theo lượng lũ lớn kéo dài kèm theo lượng đất, bùn đá lớn và những trận lũ quét nghẽn dòng.

Với điều kiện của Việt Nam khác biệt so với các nước. Đầu tiên là Việt Nam là khu vực khó dự báo trên thế giới do đối lưu phức tạp; trình độ khoa học công nghệ mới đang ở tầm khu vực ĐNA; và tài chính không đủ mạnh.

Tại một số nước trên thế giới như Thuỵ Điển chỉ dự báo sạt lở ở những vùng quan trọng bằng hệ thống tự động. Hệ thống này trị giá khoảng 200-300 triệu đô la Mỹ nhằm thông báo về độ ẩm, nguy cơ sạt – trượt, tốc độ ô tô hợp lý khi đường ướt…

Còn Nhật Bản có sử dụng hệ thống quan trắc từ máy bay và vệ tinh, giúp thống kê các điểm cảnh báo, kết nối với vệ tinh và gửi về trung tâm. Nhật Bản là một nước phát triển, có trình độ khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, có hệ thống quan trắc tự động mật độ rất cao (2 - 5 km2/trạm), có hệ thống vệ tinh và ra đa dày đặc, bao trùm lãnh thổ, có hệ thống mô hình hiện đại dự báo mưa chi tiết với độ phân giải 1 x 1 km, cũng thường xuyên bị thiệt hại do lũ quét, sạt lở. Ví dụ như: Đợt mưa kỷ lục ở miền Tây và miền Trung Nhật Bản đầu tháng 7/2018 đã nhấn chìm phần lớn diện tích khu vực, gây lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng khiến 200 người chết và mất tích. Tiếp đó là trận lở đất nghiêm trọng xảy ra ở thành phố Atami, phía tây nam thủ đô Tokyo ngày 3/7/2021 sau nhiều ngày mưa lớn.

Tuy nhiên việc đầu tư hệ thống quan trắc cảnh báo lũ, bùn, đá (hệ thống độ mưa, camera, độ sóng âm, đo độ ẩm, trạm quan trắc lũ, bùn đá, cảm biến dây, đo mực nước …) rất tốn kém.

Liên Hợp quốc đã đặt mục tiêu là đảm bảo rằng cuối năm 2027, mọi người trên thế giới đều có thể nhận được cảnh báo sớm trước các thiên nhiên thảm khốc. Ở Việt Nam, việc mỗi người được thông báo kịp thời và trực tiếp về nguy cơ thiên tai sẽ giúp tăng tính chủ động trong ứng phó với các thảm họa được dự báo sớm và từ đó sẽ phối hợp tốt hơn với các cơ quan chức năng. Đó chính là một biện pháp hữu hiệu trước những diễn biến ngày càng khó lường của thời tiết.

Lũ quét và sạt lở đất là hai loại hình thiên tai nguy hiểm, có tính bất ngờ và thường để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cảnh báo sớm thiên tai và khoanh vùng nguy cơ cho các địa phương. Tuy nhiên, dự báo thiên tai vẫn là một bài toán khó chinh phục.

Hiện nay, chúng ta đang sử dụng bộ bản đồ với tỉ lệ 1:50.000 để cung cấp thông tin về nội dung quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội, di dời dân cư. Bên cạnh đó, bản đồ chỉ cho biết chúng ta nằm trong vùng có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất hay không. Việc xảy ra lũ quét, sạt lở đất sẽ phụ thuộc vào lượng mưa. Để cảnh báo, phải có các thông tin quan trắc, mưa tại chỗ, số liệu ra đa kết quả dự báo mưa 3 tiếng, 6 tiếng, 24 tiếng từ các mô hình cảnh báo, kết hợp với việc xác định vị trí xảy ra lũ quét, sạt lở đất mới có thể đưa ra thông tin dự báo, cảnh báo về lũ quét và sạt lở đất.

Việt Nam hiện có 3.000 trạm quan trắc đo lượng mưa, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia và nhiều địa phương cũng có các kế hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng. Dự kiến từ nay đến năm 2030, các trạm đo lượng mưa có thể tăng lên đến 30%, phát huy hiệu quả hơn trong công tác dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất.

Hiện nay quan trắc mưa đã cơ bản tự động hóa và chúng ta có thể theo dõi thông qua nhiều ứng dụng khác nhau. Điều quan trọng là hầu hết các dữ liệu quan trắc hiện nay đã được tích hợp vào hệ thống thông tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực. Quan trọng hơn nữa là thông tin dự báo 3-6 giờ trời mưa như thế nào cũng được tích hợp trong hệ thống nên người dân cần đặc biệt quan tâm đến thông tin cảnh báo từ hệ thống này. Thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.

Đối với một số vùng mật độ quan trắc, giám sát chưa đủ dày, hạn chế thông tin quan trắc cũng có thể được bù đắp dữ liệu bằng các phương pháp có tính khoa học như sử dụng dữ liệu ra đa, vệ tinh nên chúng ta có thể khắc phục bằng việc gửi tin nhắn của chính quyền địa phương và người dân cần chủ động tiếp nhận thông tin để phòng ngừa.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: