Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục thực hiện đổi mới công tác dự báo, cảnh báo thủy văn

Đăng ngày: 17-01-2024 | Lượt xem: 1311
Trong năm 2023, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia đã tập trung phát triển công tác dự báo, cảnh báo thủy văn, xây dựng các nhóm dự báo theo lưu vực sông, phân công trách nhiệm thực hiện dự báo, cảnh báo cho từng vị trí.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết diễn biến KTTV trong năm 2023 khá phức tạp, lũ ở khu vực Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp, các đợt lũ ở khu vực Trung Bộ tập trung vào thời kỳ từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11. Trong đó, đợt lũ từ ngày 13 - 18/11 là đợt lũ lớn nhất trong năm, đỉnh lũ tại các sông ở Thừa Thiên - Huế đã vượt báo động 3; riêng đỉnh lũ tại trạm Kim Long (Thừa Thiên - Huế) vượt trên báo động 3, đây là mực nước lớn nhất trong 10 năm gần đây và lớn thứ 5 trong khoảng 30 năm gần đây, các hồ chứa thượng nguồn đã liên tục điều tiết để giảm lũ và ngập lụt hạ du. Đỉnh lũ trên các sông từ Nam Quảng Bình đến Phú Yên ở mức báo động 2 đến báo động 3; ngập lụt xảy ra trên diện rộng từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.

Năm 2023, lũ quét và sạt lở đất đã xảy ra nhiều nơi ở khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Bộ, từ Nghệ An đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các phòng Dự báo của Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh đã ban hành kịp thời, đầy đủ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai thủy văn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, qua đó góp phần giảm thiếu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cũng trong năm 2023, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh đã từng bước triển khai các nhiệm vụ được phân công trong Quyết định 427 của Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV về việc thực hiện Kế hoạch phát triển công tác dự báo, cảnh báo thủy văn, trong đó đã xây dựng được các nhóm dự báo theo lưu vực sông, phân công trách nhiệm thực hiện dự báo, cảnh báo cho từng vị trí theo Quyết định 221, 241 về phân cấp trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo KTTV trong điều kiện nguy hiểm và bình thường, từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung, các mô hình dự báo cảnh báo.

Trung tâm đã thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thủy văn cho 24 lưu vực sông với 25 vị trí dự báo. Hiện nay, Trung tâm tổ chức phân công các dự báo viên thực hiện dự báo, cảnh báo theo lưu vực sông hoặc nhóm lưu vực sông, cụ thể: tổ hồ chứa lưu vực sông Đà, sông Lô, sông Thao; nhóm lưu vực sông Hồng và sông Hoàng Long; nhóm sông Thái Bình; nhóm sông Bắc Trung Bộ; nhóm sông Trung Trung Bộ, nhóm sông Nam Trung Bộ, nhóm sông Tây Nguyên và nhóm sông Nam Bộ.

Đối với mỗi lưu vực sông hoặc nhóm lưu vực sông sẽ bố trí từ 2-4 dự báo viên thực hiện công tác dự báo, cảnh báo tùy theo mức độ phức tạp của từng lưu vực sông. Trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, hoặc có thiên tai, các nhóm dự báo viên không nằm trong khu vực có thiên tai sẽ được giao nhiệm vụ tăng cường cho các lưu vực có thiên tai.

Thời gian tới, để nhiệm vụ dự báo, cảnh báo thiên tai thủy văn đạt hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng, ông Mai Văn Khiêm đề nghị Tổng cục KTTV tiếp tục chỉ đạo các đơn vị dự báo hoàn thiện các nội dung của kế hoạch phát triển công tác dự báo, cảnh báo thủy văn và hoàn thành các yêu cầu đặt ra của Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, thực hiện phân cấp công tác dự báo, cảnh báo thủy văn đảm bảo không bị chồng chéo, phù hợp với yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ phòng chống thiên tai các cấp. Trong đó, các Đài KTTV tỉnh chủ trì thực hiện công tác dự báo, cảnh báo đối với các lưu vực sông nội tỉnh; Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các Đài KTTV khu vực chủ trì thực hiện công tác dự báo, cảnh báo đối với các lưu vực sông liên tỉnh, xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và công nghệ số trong dự báo, cảnh báo thủy văn; hướng đến xây dựng mô hình tính toán dự báo, cảnh báo cho toàn lưu vực, chia sẻ cơ sở dữ liệu, mô hình, kết quả dự báo dùng chung cho các cấp, có tích hợp các mô hình điều tiết liên hồ chứa và thông tin kinh tế - xã hội.

Các dự báo viên phải làm chủ được mô hình, công nghệ dự báo, cảnh báo, đặc biệt là các mô hình, công nghệ mã nguồn mở; có sự luân chuyển dự báo viên giữa các lưu vực sông nhằm nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp trong các tình huống thiên tai khẩn cấp.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: