Tin vui cho người dân miền Tây khi đỉnh lũ sắp xuất hiện

Đăng ngày: 16-09-2019 | Lượt xem: 1142
Lũ năm nay ở khu vực đầu nguồn và nội đồng thấp hơn so với năm ngoái và trung bình nhiều năm khoảng từ 0,2-0,4 m.

Ngày 16-9, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, đỉnh lũ cao nhất tại khu vực đầu nguồn sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, mực nước đo được trên các sông như: Tân Châu, là 354 cm, thấp hơn 48 cm so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn 21 cm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; tại Cao Lãnh là 211 cm, thấp hơn 7 cm so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn 48cm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; tại Trường Xuân là 147 cm, thấp hơn 83 cm so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 26 cm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Cũng theo dự báo, đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực nội đồng Tháp Mười sẽ xuất hiện vào giữa tháng 10 và ở mức báo động cấp I đến cấp II. Mực nước khu vực phía Nam lên mức cao nhất vào đầu tháng 10 và ở mức báo động cấp III.

Lũ năm nay ở khu vực đầu nguồn và nội đồng thấp hơn so với năm ngoái và trung bình nhiều năm khoảng từ 0,2-0,4 m. Riêng khu vực phía Nam ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,1 đến 0,2 m.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) tỉnh Đồng Tháp cũng vừa ban hành kế hoạch xả lũ năm 2019. Dự kiến tổng diện tích xã lũ năm 2019 hơn 90.000 ha. Thời gian bắt đầu xả lũ từ tháng 8 đến khoảng giữa tháng 10. Thời gian bơm, rút nước xuống giống vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 12 (tùy theo lịch xuống giống của từng địa phương). Chiều sâu mực nước xả lũ từ 40-80 cm.

Để việc xả lũ phải đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, hoa màu của một số hộ dân tự phát trong đê bao, Sở NN-PTNN tỉnh yêu cầu các ngành có liên quan theo dõi tổng hợp tình hình xả lũ cũng như các đê bao không có kế hoạch xả lũ để khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm hạn chế sâu bệnh đầu vụ. Đồng thời theo dõi, thông báo tình hình khí tượng, thủy văn, mưa, bão, lũ, hạn hán, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đánh giá hiện trạng đê bao, khả năng bảo vệ, khả năng xả lũ, để tham mưu kịp thời cho Sở NN-PTNT về công tác chỉ đạo sản xuất. Qua đó, nhằm đầu tư, triển khai thực hiện các công trình tưới tiêu, phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho sản xuất...

Theo nld.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: