Tìm cách chống hạn

Đăng ngày: 10-08-2020 | Lượt xem: 1487
Hạn hán khiến khu vực Trung Bộ có tới 21.200 ha cây trồng thiếu nước và khoảng 33.500 ha không đủ nguồn nước tưới đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Còn Bắc Trung Bộ có hơn 21.200 ha bị hạn hán, thiếu nước. Nhiều diện tích đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong khi đó Nam Trung Bộ hiện có 25.300 ha không đủ nguồn nước tưới cũng đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Con số trên được đưa ra cho thấy sự khắc nghiệt và bất thường của thời tiết đang tác động trực tiếp tới đời sống và sản xuất của người dân. Các địa phương bị ảnh hưởng hạn hán nặng từ đầu mùa khô như Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Đến nay, lịch thời vụ gieo trồng vụ Hè Thu 2020 đã kết thúc, tỉnh Khánh Hòa có 12.000 lúa không đảm bảo nguồn nước phải dừng sản xuất. Một trong những địa phương đang chịu hạn hán nặng nhất phải kể đến huyện Diên Khánh. Hàng nghìn ha lúa đã phải bỏ vụ vì không có nước tưới, nhiều thửa ruộng đã được cày xới nhưng không thể gieo sạ do nắng hạn. Đâu đâu cũng là một màu trắng bạc phếch, khô héo và cằn cỗi.

Hồ Suối Dầu có dung tích 32,8 triệu m3 nước, được biết đến là một trong số những hồ chứa lớn của tỉnh. Hiện nguồn chính bổ sung nước vào hồ Suối Dầu là suối Đá Giăng đã kiệt dòng nên lưu lượng nước đổ về hồ rất thấp, lượng nước trong hồ hiện đã chạm đáy khiến người dân nơi đây vô cùng lo ngại, nếu thời gian tới trời tiếp tục không có mưa thì nguy cơ thiếu nước tưới tiếp tục hiện hữu

Còn tại tỉnh Ninh Thuận, dự kiến cần dừng, giãn hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 10.000-11.000 ha lúa. Tuy nhiên, tới nay, do có nguồn nước bổ sung từ hồ chứa thủy điện Đơn Dương, tổng diện tích giãn vụ sang vụ Mùa do thiếu nước dự kiến đến đầu tháng 7 giảm còn khoảng 4.000 ha lúa thuộc diện tích phục vụ của 21 hồ chứa thủy lợi.

Tổng cục Thủy lợi dự báo, đến cuối tháng 7, dung tích trữ trung bình các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ còn khoảng 36% dung tích thiết kế. Lúc cao điểm, trong vụ Hè Thu-Mùa 2020 khả năng sẽ có khoảng 25.500-30.000 cây trồng bị hạn hán, thiếu nước, chiếm khoảng 6-7% diện tích gieo trồng.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, ngoài những diện tích cây trồng đang điều chỉnh giãn, dừng hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương sẽ tiếp tục được tổ chức sản xuất nếu nguồn nước thuận lợi, bảo đảm cung cấp hết vụ sản xuất. So sánh với một số năm gần đây, diện tích không đủ nguồn nước tưới năm 2020 ở mức thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2015 và 2016 - những năm bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi cây trồng để thích ứng với khô hạn, tiết kiệm được nguồn nước tưới và hạn chế tình trạng bỏ hoang đất lúa là bài toán mà các tỉnh ở khu vực này phải tính đến. Hiện mô hình này đang được Quảng Nam làm rất tốt. Ngay từ đầu vụ Hè Thu năm nay, Sở NNPTNT tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ với các giải pháp phi công trình và công trình, đối với các hồ chứa có khả năng cao thiếu nước thì thực hiện chuyển đổi sang sản xuất cây trồng cạn hoặc không sản xuất; thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tưới “Ướt khô xen kẽ”, tưới luân phiên giữa các kênh, các cống…

Có thể nêu ví dụ như một hộ dân ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên đã mạnh dạn chuyển đổi thành công từ 6 héc ta đất bị bỏ hoang sang trồng dâu ngay giữa cao điểm hạn, mặn. Cứ cách 50 mét ông lại cho đóng một giếng khoan, 15 ngày tưới cho dâu một lần. Bằng cách làm này, ông có đủ nước giữ ẩm cho dâu đến khi thu hoạch. Được biết, cây dâu có sức chống chịu hạn rất tốt, tỷ lệ sống đạt 95%, hơn nữa giá trị kinh tế cao gấp 3 lần các loại cây trồng khác. 

Theo daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: