Thừa Thiên Huế: Khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ

Đăng ngày: 13-12-2017 | Lượt xem: 1269
(TN&MT) - Mưa lũ dồn dập các tháng vừa qua khiến toàn tỉnh Thừa Thiên Huế thiệt hại nặng, việc cấp thiết hiện nay là chống úng và chuẩn bị đủ các loại giống lúa, hoa màu cho vụ sản xuất...

Thiệt hại nặng do mưa lũ

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, thiên tai mưa lũ trong tháng 10 và 11 năm 2017 đã gây thiệt hại nặng nề không chỉ về người mà còn còn làm thiệt hại toàn bộ các diện tích hoa màu vùng thấp trũng và hạ tầng cơ sở ở nông thôn.

Do ngập nước dài ngày, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng vùng thấp trũng bị hư hại, gần 130 trạm bơm tiêu úng bị hư hỏng. Mưa lũ đã gây ngập hơn 2.500ha diện tích nuôi trồng thủy sản và hàng trăm lồng bè nuôi cá trên sông bị trôi, phá hỏng... ước tính thiệt hại hơn 1 nghìn tấn thủy sản các loại.

Mưa lũ các đợt vừa qua khiến toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngập trên diện rộng

Do ảnh hưởng của liên tiếp các đợt bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường và sóng biển cao đã làm sạt lở nhiều tuyến để biển của tỉnh với chiều dài gần 10 km, có nhiều đoạn bị xâm thực từ 5-10m. Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 830 tỷ đồng.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời phân bổ 3 tỷ đồng từ quỹ cứu trợ để cho 9 huyện, thị xã, TP. Huế khắc phục hậu quả thiên tai và phân bổ kịp thời 500 tấn gạo từ nguồn Trung ương cấp hỗ trợ nhân dân vùng bị thiên tai.

Thông qua các tổ chức Mặt trận, đoàn thể, tỉnh cũng đã tiếp nhận gần 4 tỷ đồng nguồn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện để cứu trợ cho bà con nhân dân vùng ngập lụt, vùng bị chia cắt do sạt lở đất đá.

Cá lồng chết trắng trong đợt lũ tháng 11 vừa qua khiến người dân “khóc ròng”

UBND các huyện, thị xã, TP. Huế cũng đã huy động các lực lượng tại chỗ để hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa bị ngập, nước rút đến đâu tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân và không để phát sinh dịch bệnh...

Nhanh chóng khắc phục hậu quả

Đến thời điểm này, hầu hết người dân vùng thấp trũng bị ngập lụt trong đợt mưa lũ vừa qua đã ổn định cuốc sống và đang bắt tay vào khôi phục sản xuất. Các trường học đã được tu sửa kịp thời để cho học sinh đến trường, không bị ngắt quãng và nghỉ học dài ngày; ngành Y tế tăng cường các đoàn kiểm tra và cấp phát thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường nên không phát sinh dịch bệnh.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Tài chính Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện Sở đang triển khai kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí dự phòng năm 2017 của tỉnh (khoảng 10 tỷ đồng) về cho các địa phương để khắc phục hậu quả và chuẩn bị cho vụ sản xuất Đông xuân 2017- 2018 (kể cả hoa màu và thủy sản)...

Sạt lở nghiêm trọng ở nhiều tuyến để biển, với chiều dài gần 10 km

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương khẩn trương thống kê, rà soát và tổng hợp chính xác mức độ thiệt hại (bao gồm cơ sở vật chất, hạ tầng, dân sinh) để Tỉnh có cơ chế hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, nhất là nguồn kinh phí cho việc đấu úng vùng sản xuất thường xuyên bị ngập lụt và chuẩn bị các loại giống lúa cho sản xuất vụ Đông Xuân 2017- 2018.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi, động viên các gia đình gặp nạn do mưa lũ...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch &Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, xem xét mức độ hư hại đối với những công trình hạ tầng phục vụ sản xuất bị thiệt hại nặng để tham mưu tỉnh phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương (khoảng 150 tỷ đồng) nhằm đảm bảo hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ...

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: