Thời tiết từ nay đến cuối năm: Nhiều diễn biến bất thường

Đăng ngày: 29-06-2020 | Lượt xem: 9436
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7 đến hết tháng 12, do tác động của hiện tượng ENSO nghiêng về pha lạnh nên mưa bão sẽ gia tăng, nhiệt độ cao hơn.

Giông lốc làm sập nhà xưởng tại Vĩnh Phúc ngày 10/6. Ảnh: Thế Đại

Tại Nam Bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao và có thể chạm mốc kỷ lục vào ngày 18/10.

Hiện tượng thời tiết nguy hiểm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7 - 12/2020, nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn có khả năng duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh trong những tháng cuối năm 2020. Do tác động của pha lạnh nên thời tiết, khí hậu có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, mưa, bão có khả năng gia tăng hơn từ mùa thu năm nay (khoảng từ tháng 9 - 12). Đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc. Gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam vào thời kỳ tháng 7 - 8 ở vùng biển phía Nam Biển Đông.

Dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Có khả năng xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó có khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm.

Về nắng nóng, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình từ tháng 7 - 9 phổ biến ở mức cao hơn nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1,0 độ C. Tháng 10 - 12, nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 0,5 - 1,0 độ C. Riêng Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 7 ở Bắc Bộ và tháng 7 - 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Theo tin tức cập nhật về tình hình thời tiết ngoài lãnh thổ Việt Nam, thế giới đang bước vào những ngày nắng nóng của mùa hè 2020. Tuy mới đầu mùa nhưng nhiều thành phố trên khắp thế giới đã cảm nhận được cái nóng như thiêu như đốt. Nhiều cơ quan khí tượng thủy văn đã đưa ra những dự báo thời tiết mùa hè 2020. Tất cả đều có nhận định chung, mùa hè năm nay có xu hướng nóng hơn năm 2019.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn nước Australia, mùa hè 2019 - 2020 (mùa hè của Australia thường bắt đầu từ đầu tháng 12 năm này - đến hết tháng 2 năm sau) vừa kết thúc là nóng kỷ lục thứ 2 được ghi nhận (mùa hè 2018 - 2019 là nóng nhất trong lịch sử nước Australia). Tại khu vực Bắc Mỹ, Công ty Dự báo thời tiết và Công nghệ thông tin Weather Company (thuộc tập đoàn IBM, Mỹ) dự báo, mùa hè 2020 (bắt đầu khoảng nửa cuối tháng 6) tại Mỹ sẽ nóng hơn so với năm 2019.

Triều cường có thể chạm mốc kỷ lục

Thời kỳ nửa cuối tháng 6, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 2 - 4m. Đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7 - 10 phổ biến ở mức BĐ1 - BĐ2, cao hơn năm 2019, riêng trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông suối nhỏ từ BĐ2 - BĐ3. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới BĐ1. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc. Nguồn nước từ tháng 7 - 12 trên các lưu vực sông thiếu hụt từ 20 - 40%, thiếu hụt nhiều trong các tháng 7 - 8, đặc biệt thiếu hụt tại hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 30 - 70%.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích băng ở các cực liên tục giảm và nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2019 và 5 năm gần đây có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua.

Ở Việt Nam, từ đầu năm đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường đã xảy ra như mưa to kèm dông lốc. Mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc vào các thời điểm rất hiếm khi xảy ra, thậm chí chưa từng xảy ra. Hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam Bộ, Trung Bộ.

 

Nửa cuối tháng 6, trên thượng nguồn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ nhỏ và dao động. Từ tháng 7 đến tháng 8, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ vừa và nhỏ. Đỉnh lũ có khả năng ở mức báo động BĐ1 - BĐ2. Trên một số sông suối nhỏ có khả năng lên trên BĐ2. Mực nước các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm. Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt từ 25 - 60% so với trung bình nhiều năm, một số sông thiếu hụt trên 70%.

Trong thời gian này tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ ở mức tương đương mùa khô năm 2019, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có khả năng ở mức cao hơn năm 2019. 

Đỉnh lũ năm tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1 - BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2 - BĐ3, một số sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Vùng biển phía Nam cần đề phòng sóng lớn do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh từ tháng 6 - 8. Trên vùng biển phía Bắc và Trung Bộ sóng lớn chủ yếu sẽ do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao vào các ngày 18 - 21/9, 15 - 19/10, 14 - 18/11 và 13 - 17/12 với độ cao triều cường có thể chạm mốc kỷ lục vào ngày 18/10 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng sẽ gây ngập lụt cho khu vực ven biển Nam.

Theo giaoducthoidai.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: