Tây Nguyên khô hạn trên diện rộng, dân lao đao vì thiếu nước ngọt

Đăng ngày: 10-03-2020 | Lượt xem: 3594
Nhiều tháng qua trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hầu như không có mưa khiến các hồ đập, sông suối cạn nước. Do đó, nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp của người dân khô héo, đất đai nứt nẻ. Bên cạnh đó nhiều người dân lao đao do thiếu nước sinh hoạt.

Nước ở các hồ, đập cạn kiệt, người dân dễ dàng lội qua giữa lòng hồ. Ảnh: Đức Huy

Hồ, đập trơ đáy

Gần 4 tháng trở lại đây, trên địa bàn khu vực tỉnh Kon Tum không xuất hiện một cơn mưa nào. Để có nước tưới tiêu cho hoa màu, cây công nghiệp, chính quyền địa phương phải chật vật tìm nhiều cách. Tại xã Đoàn Kết (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích hoa màu của người dân bị khô héo, đất đai nứt nẻ. Các hồ đập chỉ còn lại ít nước, người dân có thể đi qua lòng hồ để mò cua, bắt ốc mưu sinh.

Anh A Viên (thôn 8, xã Đoàn Kết, TP Kon Tum) cho biết, gia đình anh có 2,7 sào lúa nước. Những năm trước mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn lúa. Tuy nhiên, năm nay thiếu nước khiến cây lúa khô héo từng ngày. Gia đình anh lo lắng nếu ít hôm nữa không mưa, có thể số diện tích lúa của gia đình có nguy cơ mất trắng.

Ông Phan Văn Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho hay, năm nay tình hình hạn hán trên địa bàn diễn biến phức tạp. Những năm trước vào thời gian này đã có từ 1-2 cơn mưa. Tuy nhiên, nhiều tháng trở lại đây không có mưa khiến nước ở các hồ, đập, sông, suối giảm đáng kể. Do đó chính quyền địa phương đã chỉ đạo Hợp tác xã Đoàn Kết phối hợp với Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi thực hiện phương án bơm chống hạn. Bên cạnh đó, người dân có ruộng lúa gần khu vực đập Cà Tiên cũng khoan thêm giếng để phục vụ tưới tiêu.

"Khô hạn kéo dài khiến giếng của người dân khoan cũng gần cạn nước. Nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn thì chỉ trong vòng một tuần nữa 2/3 số đập nước ở địa bàn sẽ hoàn toàn lộ đáy. Chính vì vậy hàng chục ha lúa và hoa màu đứng trước nguy cơ bị thiệt hại nặng", ông Pháp lo lắng nói.

Còn ông Giả Tấn Đạt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) thông tin, qua rà soát thì trên địa bàn huyện chưa thiếu nước tưới. Tuy nhiên, dự báo đến cuối tháng 3/2020 sẽ có khoảng 80 ha cây trồng có khả năng bị thiếu nước. Trước tình hình này, Phòng NN&PTNT huyện đã tổ chức họp thông báo mọi người khai thông cống rãnh, nạo vét kênh mương. Đồng thời, điều tiết nước tưới luân phiên và vận động người dân hạn chế sử dụng nước.

Không chỉ ở Kon Tum, tại Gia Lai người dân cũng ngày đêm gồng mình chống hạn. Ông Nguyễn Hữu Kiêm (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết, gia đình ông có 1ha cà phê. Trước đây, mỗi khi tưới nước gia đình ông sử dụng nguồn nước của công ty chè hoặc dùng nước giếng nhưng giờ đây ông chỉ mới tưới được một đợt thì nước đã cạn. "Đợt 1 nhà tôi tưới tiết kiệm nhưng lượng nước giếng cũng chẳng còn là bao. Chẳng biết đợt 2 lấy nước ở đâu mà tưới cho cà phê nữa. Thời tiết cứ như vậy thì cà phê chỉ còn nước chết héo", ông Kiêm nói.

Khổ vì thiếu nước sinh hoạt

Những chiếc giếng người dân vẫn thường sử dụng, giờ “bỏ hoang” do cạn nước.

Người dân không chỉ chật vật đi tìm nước tưới cho hoa màu mà còn phải kiếm nguồn nước để sinh hoạt. Bà Y Miếu (60 tuổi, thôn 8, xã Đoàn Kết, TP Kon Tum) cho hay, gia đình bà có 3 người. Thường ngày chiếc giếng đào vẫn được nhà bà sử dụng để tắm, giặt, ăn uống. Nhưng từ 3- 4 tháng trở lại đây giếng khô nước nên bà phải đi xách nước ở điểm lấy nước cộng đồng hoặc xin hàng xóm. "Trời khô hạn quá, giếng nước của gia đình cũng cạn đáy rồi. Trời cứ không mưa thế này đến người còn không trụ được nói gì cây cối", bà Y Miếu nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, gần 3 tháng nay trên địa bàn tỉnh không có cơn mưa nào. Do đó, lượng nước ở các sông, suối trên địa bàn tỉnh thiếu hụt từ 40-70% so với trung bình hằng năm. Theo ông Huy, nguyên nhân dẫn đến khô hạn là do lượng mưa năm 2019 thiếu hụt 20-30% so với lượng mưa những năm trước. Không những vậy, mùa mưa năm 2019 kết thúc tương đối sớm so với trung bình hàng năm.

Cũng theo ông Huy, trong thời gian này tại TP Kon Tum, huyện Sa Thầy, huyện Ia H’Drai sẽ xảy ra hạn hán. "Năm nay hạn hán không khốc liệt và nặng nề như năm 2016. Tuy nhiên cũng ảnh hưởng tương đối nặng đến cây cối và hoa màu. Chính vì vậy, các đơn vị phải chủ động tìm nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời nhắc nhở người dân tiết kiệm nước", ông Huy thông tin.

Còn theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, nửa cuối tháng 2 đến nửa đầu tháng 4/2020 mực nước và lưu lượng nước ở các sông, suối nhỏ trên địa bàn tỉnh Đăk Nông tiếp tục giảm và làm gia tăng tình trạng cạn kiệt. Thời kỳ cạn kiệt nhất trong mùa khô 2019 - 2020 có khả năng xảy ra vào khoảng từ tháng 3 đến nửa đầu tháng 4/2020. Lượng dòng chảy trên các sông, suối có khả năng thiếu hụt từ 30 – 60% so với cùng kỳ hàng năm.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên dự báo,vào mùa khô năm nay tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng diễn biến phức tạp và có thể nghiêm trọng. Hiện tại, các dòng suối, hồ nhỏ đã bắt đầu có dấu hiệu cạn kiệt, khiến nguồn nước tưới cầm chừng…

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ tháng 1 đến tháng 7/2020, mực nước trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên xuống dần và ở mức thấp. Trên một số sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức thiếu hụt so với cùng kỳ từ 35-60%, một số sông thiếu hụt trên 70%. Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi khả năng xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

 Theo giadinh.net.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: