Nước lũ về thấp, hạn mặn sẽ khốc liệt

Đăng ngày: 27-09-2020 | Lượt xem: 2016
Theo Bộ NN&PTNT, mùa khô năm 2020-2021, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Năm nay nước lũ về thấp, dự báo mùa khô sẽ rất khắc nghiệt.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa năm 2020 trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Tổng lượng mưa trên toàn lưu vực ở mức thấp so với TBNN. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa lũ đến nay ở mức rất thấp và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 và 2019. Tổng lượng mưa khu vực thượng nguồn thấp hơn so với TBNN khoảng 25%.

Mực nước trong nội đồng xuống thấp.

Nguồn nước ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 10-40%. Lượng dòng chảy qua trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc (An Giang), thấp hơn TBNN từ 31- 49%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 từ 6-20% và năm 2019 từ 10-36%. Mực nước đầu mùa lũ cũng ở mức thấp hơn TBNN từ 0,2- 1,6m và thấp hơn mức lũ cấp 1 tới 1,7m.

Tổng lượng dòng chảy vào ĐBSCL tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc từ tháng 6 đến nay chỉ bằng 55% giá trị TBNN, thiếu tới 65 tỷ m3. 

Theo thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, điều kiện xảy ra mùa khô khốc liệt vào năm 2021 đã xuất hiện là lũ thấp và mưa ít. “Nước qua 2 trạm Stung Treng và Kratie (Campuchia) sẽ cho biết mùa lũ về ĐBSCL có lớn hay không.

Từ đầu tháng 8 đến nay, nước qua 2 trạm nói trên dù có lúc lên xuống nhưng cũng chỉ tương đương với năm 2019 và vẫn ở ngưỡng thấp nhất lịch sử. Không thể xác định được 100%, nhưng 80% khẳng định là sang năm mùa khô khá gay gắt”, ông Vinh nhận định. Trước tình hình trên, nông dân nên xoay chuyển vụ lúa đông xuân 2020-2021 sớm hơn một chút và tích cực trữ nước càng nhiều càng tốt.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ) cũng khuyến cáo người dân vùng ven biển cần trữ nước mưa để dành cho mùa khô tới và hạn chế trồng lúa để tránh thiệt hại. “Bà con nên trữ nước mưa bằng mọi vật chứa có thể như: lu, bể xi măng, lót bạt nilon, kênh mương, ao, đìa,... càng nhiều càng tốt. Giảm trồng lúa vụ đông xuân trong mùa khô tới để tiết kiệm nước”, PGS-TS Lê Anh Tuấn nói. Phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính”.

Mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ tin cậy, thông tin kịp thời về nguồn nước để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược lâu dài cho ĐBSCL, cần kèm theo dự phòng tình huống cực đoan, trong đó chú ý đặc biệt đến nhu cầu nước sinh hoạt vùng ven biển. Chìa khóa trung tâm của vấn đề ĐBSCL là chuyển hóa nền nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120, từ thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang tập trung vào chất lượng.

Số lượng ít hơn nhưng sạch hơn, giá trị cao hơn, đa dạng hơn. Xác định xoay trục chiến lược sang ưu tiên thủy sản, hoa màu cây trồng khác, rồi mới tới lúa. Không cần thâm canh ba vụ, ĐBSCL vẫn dư sức đảm bảo lượng lúa gạo cho an ninh lương thực quốc gia, nhưng ưu tiên số một bây giờ không phải là làm ra thật nhiều lúa giá rẻ, mà tập trung vào chất lượng, thu nhập.

Theo cand.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: