Nông dân xứ Thanh gồng mình chống hạn

Đăng ngày: 08-07-2020 | Lượt xem: 1814
Thời tiết nắng nóng kéo dài, khoảng 9 nghìn ha lúa ở Thanh Hóa đang thiếu nước trầm trọng. Người dân đang “gồng mình” chống hạn cho cây trồng.

Ông Lê Xuân Quế - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chính, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) bên mảnh ruộng khô, nứt nẻ.

"Chưa bao giờ nắng nóng kéo dài như thế"

Chỉ tay về phía mảnh ruộng không có nước, mặt đất nứt toác, ông Lê Sỹ Trường (60 tuổi) thôn 8, xã Trung Chính, (Nông Cống), cho biết, diện tích lúa của gia đình ông gieo cấy được khoảng 10 ngày, thì xảy ra đợt nắng nóng kéo dài. Khi cây lúa cấy được chừng chục ngày là thời điểm rất cần nước để bón phân và chăm sóc. Thế nhưng, nắng nóng kéo dài đã làm cho nước ở hệ thống kênh mương nội đồng cạn kiệt. Nếu tình trạng này kéo dài khoảng 10 ngày nữa, thì cây lúa chắc chết khô.

Còn ông Nguyễn Bá Trung, thôn Thanh Sơn, xã Trung Chính, cho hay: "Đã hơn 1 tuần nay, tôi vất vả bám ruộng, bám đồng không kể ngày đêm, để nỗ lực chống hạn, cứu lúa. Tuy nhiên, năm nay do nắng nóng gay gắt kéo dài nên mực nước ở các sông, kênh, mương xuống thấp, gây khó khăn cho việc dẫn nước vào ruộng.

Tôi làm nông nghiệp đã mấy chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy nắng nóng gay gắt và kéo dài như năm nay. Đã hơn 1 tháng qua, tại địa phương không có mưa. Nếu tình trạng này kéo dài thêm từ 5 đến 7 ngày nữa, thì nguy cơ mất mùa rất cao. Mặc dù hệ thống kênh mương nội đồng của xã cũng đã được xây dựng khá tốt, nhưng các hồ đập nhỏ lại cạn khô, nên không thể có nước đưa về chân ruộng được".

Cũng theo ông Trung, năm nay, gia đình ông gieo cấy 7,5 ha lúa. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại có khoảng 5 ha lúa đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Ông Trung cũng đã đầu tư máy bơm dầu dã chiến để cứu lúa, nhưng hiện không có nước để bơm.

"Nguồn nước tưới của địa phương phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống kênh Nam sông Chu và nguồn nước từ dòng sông Nhơm chảy qua. Tuy nhiên, hiện tại lượng nước tại các sông và kênh mương đều xuống dưới mực nước chết, nên công tác điều tiết nước rất khó khăn. Địa phương chúng tôi đã phải cử cán bộ trực không kể ngày đêm để giúp nông dân dẫn nước vào ruộng", ông Quế nói.

Ông Lê Xuân Quế - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chính, huyện Nông Cống, cho biết, toàn xã gieo cấy 400 ha lúa vụ mùa. Nhưng do hơn 1 tháng nay không có mưa, nắng nóng gay gắt kéo dài, nên 50% diện tích lúa gieo cấy đang trong tình trạng khô nẻ, thiếu nước. Nếu tình trạng hạn hán kéo dài thêm từ 5 đến 7 ngày nữa, thì hàng trăm ha lúa sẽ bị khô cháy hoàn toàn.

Cũng theo ông Quế, hiện nay chính quyền xã chỉ đạo các thôn hướng dẫn việc ngăn chặn bị rò rỉ khi có nguồn nước vào đồng ruộng. Khơi thông, nạo vét mương máng, phối hợp với đơn vị thủy nông điều tiết nước hợp lý với phương châm "cao xa trước, thấp gần sau" để phân bổ nguồn nước. Tuy nhiên, giải pháp mang tính tạm thời này cũng không duy trì được lâu, vì nguồn nước để bơm truyền ở các mương nội đồng đang cạn kiệt, nếu thời tiết khô hạn còn kéo dài.

Hàng nghìn ha lúa đang thiếu nước

Nắng nóng kéo dài gây hạn hán nghiêm trọng, khiến mặt ruộng nứt nẻ.

Thống kê của ngành nông nghiệp Thanh Hóa, vụ mùa năm nay tỉnh này gieo cấy khoảng 116 nghìn ha lúa. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, nên có khoảng hơn 9 nghìn ha lúa thiếu nước. Để bảo đảm nguồn nước tưới cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các công ty thủy nông tăng cường điều tiết nguồn nước hợp lý.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 610 hồ đập chứa nước. Trong đó, có 214 hồ đập nhỏ mực nước xuống dưới mực nước chết. Có 131 hồ chứa nước ở các huyện miền núi, như Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh... đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, 15 hồ chứa không được tích nước, 116 hồ chỉ tích một phần nước. Đáng chú ý, đến thời điểm này, hồ chứa nước lớn là hồ Cửa Đạt thấp hơn mực nước dâng bình thường 35,53m, hồ sông Mực thấp hơn 5,76m, hồ Yên Mỹ thấp hơn 5,12m, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Tuân - Trưởng phòng Quản lý công trình và nước sạch nông thôn, Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT Thanh Hóa, cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 2 đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài. Trong khi đó, hiện đang là thời kỳ cao điểm cấp nước gieo cấy và tưới dưỡng cho lúa vụ mùa năm 2020.

Theo ông Tuân, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, thiếu nước xảy ra trên diện rộng. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang tổng kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn không thể gieo cấy, để có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Yêu cầu các địa phương trong tỉnh phối hợp với các nhà máy thủy điện theo dõi chặt chẽ mực nước sông Mã, chủ động bơm tưới, dự trữ nước tối đa phục vụ chống hạn.

Theo giaoducthoidai.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: