Nỗi lo hạn hán, thiếu nước kỷ lục lại bao trùm từ Bắc tới Nam

Đăng ngày: 02-01-2020 | Lượt xem: 2896
Miền Bắc khả năng thiếu nước gieo trồng vụ Đông Xuân, Nam bộ hạn mặn có thể trầm trọng hơn kỷ lục 2015-2016. Trong khi đó, nước để phát điện tại các hồ thủy điện cũng sát mực nước chết.

Nước 3 hồ thủy điện thấp kỷ lục

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, vụ Đông xuân 2019- 2020 đang đứng trước bối cảnh đặc biệt, khi mực nước 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang xuống thấp chưa từng có, dự kiến chỉ đạt 61% dung tích thiết kế (tương đương khoảng 10 tỷ m3 nước, thấp hơn 6,8 tỷ m3 so với vụ Đông xuân năm 2018- 2019).

Đặc biệt, từ khi vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình, chưa năm nào nước về lại kém như năm nay, chỉ đạt 56% - mức trữ thấp nhất trong vòng 30 năm qua và dự kiến tiếp tục khó khăn trong mùa khô năm tới.

ảnh 1

Hạn, mặn vụ Đông Xuân 2019-2020 được dự báo có thể nghiêm trọng hơn năm 2015-2016

Trong khi đó, thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, năm nay, tổng diện tích gieo cấy vụ Đông xuân các tỉnh miền Bắc vào gần 530.000ha, trong đó có 430.000ha trực tiếp lấy nước từ hệ thống 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang với tổng số khoảng 4,3 tỷ m3.

Trước tình huống này, đại diện EVN Việt Nam thông tin, sau 3 đợt xả nước đổ ải như yêu cầu của Bộ NN&PTNT, chỉ còn khoảng 10% dung tích hữu ích ở trong 3 hồ thủy điện.

Theo đó, mực nước tại hồ thủy điện Hòa Bình giảm từ 101,6 m về 83,17 m, cách mực nước chết 3,17m, dung tích còn lại 342 triệu m3, tương đương 5,7% dung tích hữu ích.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong năm 2020, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo đủ điện cho hệ thống điện của cả nước.

Tốn khoảng 1.000 tỷ đồng giải hạn vụ Đông Xuân

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, hiện có khoảng 11.000 ha khó và rất khó lấy nước đổ ải, phục vụ gieo cấy vụ Đông xuân, trong đó có khoảng 7.400ha khó lấy nước và 3.700ha rất khó lấy nước. Trong số 3.700ha rất khó lấy nước, TP Hà Nội chiếm khoảng 3.600ha.

Bộ NN&PTNT cho biết, hàng năm, tổng số tiền chi cho công tác chống hạn, lấy nước đổ ải, phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ đồng.

Khoản tiền này năm nay Bộ Tài chính đang yêu cầu làm rõ nội dung các khoản mục chi. Hiện nay, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ đang bàn thảo, thống nhất và dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ đưa vào nội dung Nghị quyết trong phiên họp Chính phủ cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020.

Xâm nhập mặn Nam bộ nghiêm trọng hơn năm 2015-2016

Trong khi đó, tại khu vực Nam bộ, xâm nhập mặn cũng được dự báo khốc liệt tương đương mức lịch sử vào năm 2015-2016. Nhận định dòng chảy trên sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 1 và 2/2020 là rất hạn chế, khả năng thiếu hụt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm và năm 2016.

Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho đồng bằng sông Cửu Long không nhiều. Từ khoảng giữa tháng 3/2020, lưu lượng dòng chảy về trạm Kratie sẽ tăng do các hồ xả nước theo quy luật nhiều năm gần đây.

Tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ, sâu hơn gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm trong một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016.

Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung vào tháng 1 và 2/2020; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3/2020.

“Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016”- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho thấy, năm 2015 hạn mặn đã khiến 40.000ha lúa ở Trung bộ và Tây Nguyên dừng sản xuất, 122.000ha cây trồng thiếu nước. Ngân sách Trung ương phải chi hơn 1.200 tỷ đồng hỗ trợ.

Năm 2016 khoảng 200.000ha lúa phải dừng sản xuất và 2.000ha cây trồng thiếu nước, khoảng 260.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng phải xuất hơn 1.000 tỷ đồng cho 34 tỉnh, thành phố khắc phục hạn hán vụ Đông Xuân. Lào đã phải xả nước đập thủy điện để giúp Việt Nam giải quyết hạn hán và xâm nhập mặn. 

Đồng thời cả 2 năm 2015 và 2016 Chính phủ đã phải xuất khoảng 20.000 tấn gạo cứu đói cho các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Năm 2016 Việt Nam đã phải kêu gọi quốc tế hỗ trợ nhân đạo ứng phó hạn, mặn lịch sử. 

Theo anninhthudo.vn 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: