Nỗi ám ảnh ở TPHCM: Mưa một buổi, ngập nhiều ngày

Đăng ngày: 11-08-2020 | Lượt xem: 2808
Cuộc sống của hàng trăm gia đình trên đường Lương Ðịnh Của (quận 2, TPHCM) vẫn chưa thể trở lại bình thường vì còn chung sống với nước ngập sâu sau cơn mưa kỷ lục 4 ngày trước…

Người dân TPHCM vật lộn trong cơn mưa kỷ lục ngày 6/8

Kẻ rời đi, người chịu trận...

Chiều 10/8, khu nhà trọ lụp xụp trên đường Lương Định Của (phường An Phú, quận 2) vẫn chìm trong biển nước dù mưa đã dứt từ 4 ngày trước. Trong căn phòng trọ chật chội của bà Phùng Thị Tuyết (65 tuổi, quê Bến Tre), nước vẫn còn ngập đến đầu gối. Đồ đạc trong phòng được kê lên cao. Căn gác xép là nơi khô ráo duy nhất được dùng để làm chỗ ngủ và nơi cả gia đình 4 người trú tạm trong thời gian chờ nước rút.

Nhiều phòng trọ khác khóa cửa. Bà Tuyết thở dài cho biết, hàng xóm đã rời đi vì không chịu đựng nổi cảnh sống chung với ngập lụt. “Cơn mưa chiều 6/8 gây ngập sâu gần 1m. Cả khu nhà bị ngập sâu nên các sinh hoạt cá nhân thiết yếu như tắm giặt, vệ sinh… đều không thực hiện được. Tui còn phải luôn để mắt đến 2 đứa cháu ngoại vì sợ tụi nó bị đuối nước. Nhiều người thuê trọ phải ôm mền, gối ra ngoài ngủ tạm hoặc lánh đi nơi khác”, bà Tuyết kể.

Tại phường An Khánh (quận 2), suốt 4 ngày qua, bà Hồ Thị Thu Xuân (55 tuổi, quê Đồng Tháp) phải nghỉ bán vé số để chăm sóc chồng bị liệt nằm một chỗ vì lo ông rơi xuống nước. Còn bà Phạm Thị Hồng (76 tuổi, một hộ dân đang khiếu nại tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm) phải kê vài tấm ván trong phòng khách cho đàn chó và con lợn. Nơi sinh hoạt duy nhất của bà Hồng là chiếc giường kê cao gần 2m trong lúc chờ nước rút. Nhiều người dân cho rằng, tuyến đường Lương Định Của và các dãy nhà ven đường bị ngập sâu là do khu vực xung quanh đã bị giải tỏa trắng; nơi đây trở thành vùng trũng, nước từ nơi khác đổ về và không thể thoát ra sông Sài Gòn.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư các công trình giao thông TPHCM, cho biết, dự án mở rộng đường Lương Định Của chậm bốn năm do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Chỉ cần có mặt bằng sạch, công trình sẽ được thi công và hoàn thành trong thời gian 9 tháng.

Phòng trọ trên đường Lương Ðịnh Của bị ngập nặng dù cơn mưa đã dứt 3 ngày trước

Cống nhỏ, mưa lớn

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM, tuyến đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) bị ngập một đoạn dài 250m, sâu 0,2m trong 6,5 giờ, do mưa vượt tần suất thiết kế 189,7mm, mặt đường bị trũng cục bộ, hệ thống cống thoát nước hiện hữu có tiết diện nhỏ (D400- D600) đầu tư đã lâu. Trong khi đó, tuyến đường Lê Văn Thọ là trục thoát nước chính cho hạ lưu, trong đó có tuyến đường này, không đảm bảo thoát nước cho khu vực.

Từ năm 2003 đến năm 2013, TPHCM triển khai 3 dự án chống ngập cùng lúc và đào đường đặt cống thoát nước cho hàng chục tuyến đường. Dự án “Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè có khoảng hơn 50km cống các loại ở quận 3, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, trong đó có nhiều cống hộp đường kính 2,5m x 2,5m. Dự án “Cải thiện môi trường nước TPHCM giai đoạn 1” lắp đặt khoảng 30km cống ở quận 1, 3, 5, 10, 11. Dự án “Nâng cấp đô thị TPHCM” lắp đặt khoảng 25km cống thoát nước ở quận 6, 11, Tân Phú, Tân Bình… Tuy nhiên, nhiều tuyến đường đã lắp đặt cống hộp thoát nước như Phan Đình Giót, Phan Thúc Duyện (Phú Nhuận, Tân Bình), Âu Cơ (Tân Bình, Tân Phú), Thoại Ngọc Hầu, Bàu Cát (Tân Bình), Phan Đình Phùng (Phú Nhuận)… đều chìm trong biển nước mỗi khi mưa lớn.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một số chuyên gia cho biết, dự án Vệ sinh môi trường TPHCM được thiết kế theo quy hoạch thoát nước của Quyết định 752/QĐ/TTg-CP của Chính phủ phê duyệt năm 2001 (quy hoạch 752). Các thông số kỹ thuật về mực nước triều cường và chỉ số về lượng mưa trong quyết định này thấp hơn so với thực tế hiện nay. Dự án được thiết kế chịu đựng của hệ thống cống cấp 2 chỉ tiếp nhận lượng mưa là 85-95 mm, trong khi trên thực tế, các cơn mưa có lượng mưa lớn hơn xuất hiện ngày càng nhiều khiến các cống thoát nước không tải nổi lượng nước quá lớn.

Tương tự, dự án Nâng cấp đô thị TPHCM được đầu tư theo quy hoạch 752 chỉ tính đỉnh triều cường cao 1,45m và lượng mưa dưới 100mm trong tần suất 50 năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, đỉnh triều cường đã trên 1,5m, có lúc hơn 1,6m; lượng mưa có lúc vượt 200mm. Dự án thực hiện theo quy hoạch cũ, lạc hậu nên không phát huy hiệu quả. Ngoài 3 dự án trên, hệ thống thoát nước của TPHCM được đầu tư xây dựng, thiết kế không còn phù hợp với diễn biến mưa, triều cường hiện nay. Các tuyến thoát nước cấp 1 (kênh, rạch), cống cấp 2, cấp 3 lần lượt được tính toán với mưa có cường độ 95,91mm, 85,36mm, 75,88mm trong 3 giờ và chỉ tương ứng với mực nước triều 1,32m.

Theo thạc sĩ Lê Ðình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo Ðài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, cơn mưa chiều tối 6/8 lớn nhất kể từ đầu năm đến nay. “Ðây là trận mưa rất to, ít xuất hiện, nhưng không bất thường vì TPHCM và các tỉnh Nam bộ hằng năm thỉnh thoảng vẫn xảy ra những trận mưa với vũ lượng trên 100mm chỉ trong vài giờ”, ông nói.

Gần 26.000 tỷ đồng chống ngập

Tại buổi họp báo về tình hình chống ngập ở TPHCM mới đây, ông Vũ Văn Ðiệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM, nói rằng, từ đầu năm đến nay, TPHCM có 3 trận mưa lớn gây ngập nặng hàng chục tuyến đường với độ sâu từ 0,1-0,3m. Ông cho biết, ngân sách thành phố đầu tư cho chống ngập thấp nhất là 796 tỷ đồng (năm 2016) và cao nhất là 2.222 tỷ đồng (năm 2020). Tổng kinh phí đầu tư cho chống ngập của TPHCM là hơn 25.998 tỷ đồng. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Ðầu tư TPHCM, đối với chương trình giảm ngập nước, nhu cầu đầu tư của thành phố là 96.327 tỷ đồng, trong đó đã triển khai trong giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí 22.948 tỷ đồng.

Theo tienphong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: