Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển ở Sóc Trăng chết khô do thiếu nước

Đăng ngày: 10-05-2020 | Lượt xem: 1406
Nhiều diện tích rừng, chủ yếu là cây đước, cây mắm hơn 10 năm tuổi thuộc rừng phòng hộ ven biển ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã và đang dần chết khô do thiếu nước.

Kết quả phối hợp kiểm tra, khảo sát mới đây giữa Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Hải và Tổ Bảo vệ rừng ấp Huỳnh Kỳ (xã Vĩnh Hải) đã cho thấy: Hiện nay, khoảng 1,5 ha diện tích rừng do Ủy ban Nhân dân thị xã Vĩnh Châu quản lý đang dần chết khô. Còn khu vực 175 ha rừng do Kiểm lâm quản lý thì chưa kiểm đếm được.
 
Theo đánh giá của Tổ Bảo vệ rừng ấp Huỳnh Kỳ và Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu, rừng bị chết khô là do thiếu nước. Cả nước sông và nước biển đều không lên đến rừng, làm cho đất dưới gốc rừng bị khô. Từ năm 2017 trở về trước, hai khu vực rừng này phát triển tốt, có cây con tái sinh do có nước biển dẫn lên thông qua rạch Hồ Bể-Giồng Chùa và cống Năm Đoàn.
 
Nhưng từ khi thi công công trình nâng cấp đê biển, đắp đập ngang rạch Hồ Bể-Giồng Chùa và xây dựng lại cống Năm Đoàn vào năm 2017, nước biển không vào được. Trong khi, nguồn nước dẫn lên từ phía sông Mỹ Thanh, thông qua kênh Giồng Chùa không đủ để nuôi cây ở  2 khu vực rừng này...
 
Trước thực trạng rừng bị chết khô và có chưa có dấu hiện dừng lại trong khi mùa khô, hạn hán ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn ra gay gắt, giải pháp trước mắt là đơn vị chủ đầu tư dự án đê biển cho vận hành thường xuyên cống ngầm tại vị trí cống Năm Đoàn quản lý trước đây (hiện tại cống này đã thi công xong nhưng không hoạt động; chỉ thiết kế cho nước ra, không cấp nước). Về lâu dài phải khai thông đập ngang rạch Hồ Bể-Giồng Chùa.
 
Những giải pháp trước mắt và lâu dài sẽ sớm được các đơn vị quản lý, ngành chức năng đưa ra để cứu diện tích rừng còn lại đang đứng trước nguy cơ chết khô, nhưng cũng không thể phủ nhận sự lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm từ phía chính quyền, đơn vị quản lý rừng trong thực hiện quyết liệt các biện pháp "cứu" rừng. Việc rừng phòng hộ ven biển chết khô khiến sinh kế của người dân trong khu vực, vốn sống nhờ vào rừng, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  
 
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Sóc Trăng sẽ tiếp tục thông tin chi tiết hơn về sự việc này với ý kiến của ngành chức năng, đơn vị quản lý và người dân.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: