Người dân vùng “rốn lũ” Hương Khê mong ngóng tuyến kè giữ đất

Đăng ngày: 01-06-2020 | Lượt xem: 4638
Sau nhiều lần bị trì hoãn do thiếu nguồn lực đầu tư, đầu năm 2020, UBND huyện Hương Khê đã hoàn tất thủ tục, chuẩn bị triển khai Dự án xây dựng công trình kè chống sạt, lở bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua xã Gia Phố (Hương Khê). Thế nhưng một lần nữa dự án lại bị đình trệ bởi những đòi hỏi thiếu chính đáng và không phù hợp với nguyện vọng của phần lớn người dân vùng dự án.

Sông Ngàn Sâu có đặc điểm địa hình dốc, cường độ nước lũ chảy mạnh khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị cuốn trôi.

Đình trệ trước ngày khởi công

Sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn 10 xã, thị trấn của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Dưới tác động của thiên tai, lũ lụt, với đặc điểm địa hình dốc, cường độ nước lũ chảy mạnh, hiện tượng sạt lở bờ sông xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của bà con nhân dân. Nhằm bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, thời gian qua, huyện Hương Khê đã đầu tư xây dựng được một số tuyến kè dọc bờ Ngàn Sâu. Tuy vậy, so với mức độ sạt lở hằng năm, số lượng các tuyến kè đã xây dựng còn khiêm tốn và chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân địa phương. Trước và sau mỗi mùa mưa bão, hàng nghìn hộ dân sống dọc hai bờ sông vẫn luôn sống trong nỗi bất an.

Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phố Đặng Viết Long cho biết, cứ mỗi mùa lụt đi qua, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hai bên bờ sông của bà con lại hẹp dần. Chỉ tính riêng đoạn bờ sông từ Cầu Gia Phố đến thôn Đông Thịnh, mỗi năm có hàng nghìn m2 đất bị trôi xuống sông. Để hạn chế sự tàn phá của thiên tai, người dân đã trồng tre và cây lâu năm để giữ đất. Tuy nhiên, do đất hai bên bờ sông chủ yếu là cát, đất pha cát nền yếu, trong khi đó bờ sông dốc đứng cộng với cường độ chảy xiết của nước thì sức chịu đựng của cây tre chẳng thấm thía gì. Và trên thực tế, rất nhiều khóm tre, hàng tre dọc bờ sông đã bị lũ cuốn trôi để lại những hàm ếch chơi vơi sát nhà dân.

Dẫn chúng tôi “mục sở thị” cầu Gia Phố, trưởng thôn Thượng Hải (Gia Phố), Lê Văn Đại chỉ tay vào chân cầu phía đông lo lắng, sạt lở khiến mái bờ sông bị ăn sâu 50m cuốn trôi gần 1 ha đất sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng Đội Họ. Nguy hiểm hơn, khu vực bị mất đất trở thành dòng chảy đi qua chân cầu Gia Phố, hiện hữu nguy cơ mất an toàn. Cùng chung nỗi lo lắng, ông Phạm Ái, Trưởng thôn Đông Thịnh (Gia Phố) cho biết, dọc theo khúc sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn xã Gia Phố, có những đoạn, sông đã ăn sâu vào đất liền hơn 50m, làm mất hàng héc-ta đất sản xuất, đe dọa công trình dân sinh. Riêng đoạn sông chảy qua nhà thờ giáo xứ Thịnh Lạc lòng sông uốn cong, dòng chảy đào sâu vào bờ tạo thành vách đứng, hàm ếch. Lo lắng về sự an toàn của bà con, Hội đồng Mục vụ xứ Thịnh Lạc và Linh mục quản xứ đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương sớm triển khai xây dựng tuyến kè.

Năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Gia Phố, với tổng mức đầu tư hơn 48 tỷ đồng. Theo Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư Hương Khê Lê Đức Khang, ngay sau khi có quyết định đầu tư, do khó khăn về tài chính nên năm 2019 dự án mới được bố trí nguồn vốn. Để khẩn trương triển khai dự án, UBND huyện Hương Khê đã hoàn tất thủ tục đầu tư và tiến hành công tác giải phóng mặt bằng sẵn sàng khởi công dự án.

Tưởng chừng dự án sẽ được khởi công sau nhiều năm chờ đợi thì đầu năm 2020, một lần nữa dự án lại bị đình trệ bởi những nguyên do thiếu thuyết phục. “Từ ngày 21 đến 23-2-2020, Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện đã tiến hành kiểm kê khối lượng tài sản, đất đai của các hộ bị ảnh hưởng. Kết quả đã có 65/71 hộ dân đồng tình với chính sách hỗ trợ và nhất trí ký vào biên bản kiểm kê khối lượng. Trong quá trình thực hiện công tác GPMB đã xuất hiện một số thành phần cố tình chống đối, kích động bà con phản đối các đơn vị triển khai dự án. Vì vậy, đơn vị thi công vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để triển khai dự án” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết.

Cần thái độ dứt khoát

Trong khi phần lớn người dân vùng dự án đang ngày đêm mong ngóng tuyến kè sớm được xây dựng thì một vài hộ gia đình, trong đó có những hộ dân mặc dù không phải là người địa phương lại phản đối và cố tình lôi kéo các hộ khác cùng chống đối chủ trương xây dựng tuyến kè.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phố Đặng Viết Long, ban đầu một số hộ dân chưa hiểu rõ chính sách hỗ trợ, GPBM của dự án nên thiếu sự đồng tình, tuy nhiên qua công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, mục tiêu cũng như chính sách hỗ trợ, các hộ dân đã đồng tình và đề nghị sớm triển khai dự án, tính đến ngày 27-5, chỉ còn 2/71 hộ dân chưa thống nhất quan điểm triển khai dự án và thực hiện công tác GPBM.

Cũng theo đại diện Ban công tác mặt trận và nhân dân các thôn Thượng Hải, Đông Hải, Đông Thịnh và Hội đồng Mục vụ xứ Thịnh Lạc: Quan điểm, kiến nghị của hai hộ dân này đi ngược với lợi ích của nhân dân Gia Phố, thậm chí nguyên nhân dẫn đến việc khiếu nại, phản đối của các hộ dân không xuất phát từ thực tế triển khai dự án này.

“Ban đầu có người vận động chúng tôi ký vào đơn để đòi hỏi thêm chính sách bồi thường, GPMB. Sau này chúng tôi mới được biết đây chỉ là cái cớ được họ dùng để phản đối dự án, gây áp lực với chính quyền địa phương” - ông Hán Duy Thắng ở thôn Thượng Hải chia sẻ.

Đoạn sông chảy qua nhà thờ giáo xứ Thịnh Lạc lòng sông uốn cong, dòng chảy đào sâu vào bờ gây sạt lở nghiêm trọng.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Hồng Tư, một trong những hộ dân có nhiều diện tích đất vườn phải nhường cho dự án khẳng định, nếu chúng ta không xây kè thì một vài năm tới sông sẽ nuốt đất, làng mạc không còn dân. Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà quan trọng hơn, sự thiếu quyết liệt của chính quyền sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

“Về cơ bản các hộ dân đồng tình, mong muốn có tuyến kè bảo vệ, giữ gìn cuộc sống bình yên, duy chỉ còn một vài hộ lấy cớ này nọ phản đối, khiếu kiện mà chính quyền cứ dùng giằng, thiếu cương quyết khiến dự án bị trì trệ và tạo tiền lệ xấu trong quá trình triển khai các chủ trương, chính sách khác” - ông Lê Hồng Tư sốt sắng.

Qua tìm hiểu được biết, lý do hai hộ dân phản đối đưa ra đó là: Khi dự án triển khai những hàng tre, cây lâu năm được trồng bên bờ sông sẽ bị chặt bỏ, quá trình thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày, một số đoạn bờ sông nằm trong khu vực thực hiện dự án trước đến nay không sạt lở… do đó các hộ dân này đã có đơn đề nghị dừng dự án. Bên cạnh đó, quá trình tiếp nhận xử lý đơn thư của người dân, các cơ quan chức năng ở Hương Khê đã phát hiện ra hiện tượng lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện, thậm chí có đối tượng còn giả mạo chữ ký, mạo danh người khiếu kiện.

Để có nguồn thông tin đa chiều, chúng tôi đã tìm đến các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu rõ về tính cấp bách, quy trình triển khai dự án, đánh giá tác động môi trường... đại diện các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hà Tĩnh như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Nguyên và Môi trường đều cho rằng: Qua nghiên cứu thực tế hiện trường và soát xét hồ sơ một cách kỹ lưỡng, khoa học và nghiêm túc, việc triển khai Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Gia Phố là cần thiết, nhằm bảo đảm ổn định lâu dài đời sống của người dân trong vùng, chống sạt lở đất, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân và cơ sở hạ tầng khu vực thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống lụt bão. Do đó, huyện Hương Khê thực hiện theo bản vẽ thi công đã được phê duyệt, không cắt giảm, điều chỉnh, bổ sung về quy mô, giải pháp thiết kế.

Rõ ràng, với tính chất kỹ thuật đặc thù công trình kè bảo vệ bờ sông, việc đầu tư dự án ngoài việc phải bảo đảm tính đồng bộ, khép kín về tuyến, bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn kỹ thuật, các đơn vị thi công cần tranh thủ thời thiết thuận lợi để triển khai dự án nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Vì vậy, cùng với tục tuyền truyền, vận động nhân dân trong vùng hưởng lợi biết về chủ trương của Nhà nước, mục tiêu, hiệu quả đầu tư của dự án nhằm tạo sự đồng thuận, huyện Hương Khê cần có thái độ cương quyết đối với những kiến nghị thiếu chính đáng, trường hợp cố tình chống đối để kịp thời giáo dục, răn đe.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: