Người “đón bão” trên đảo Cồn Cỏ

Đăng ngày: 11-08-2020 | Lượt xem: 4889
Hơn 9 giờ sáng, chúng tôi (thuộc Đoàn công tác của Đoàn thanh niên Khối các cơ quan Trung ương) tập trung ở cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị.

Trời chang chang nắng, biển ngút ngát xanh. Sau gần 1 giờ đi thuyền, chúng tôi đến Cồn Cỏ. Vừa cập bờ, khi còn đang chống chếnh vì say sóng, chiếc xe máy đã đỗ ngay trước mặt: “Em lên xe đi, anh đưa em về Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ”. Lúc ấy, tôi mới nhận ra: “À, đây là anh quan trắc viên”. Cảm giác thân tình về “người nhà mình” khiến tôi an tâm: Người khí tượng thủy văn, nơi đâu cũng tình cảm lắm!

Lặng lẽ Cồn Cỏ…

Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ nằm lặng lẽ bên đường giao thông hào của bộ đội, bên kia là đá và sóng. Ở trong trạm, vẫn nghe rõ tiếng sóng biển vỗ rì rào vào khe đá. Gió biển trườn qua đường hào, thổi vào khu trạm, mang theo vị mặn mòi của biển và cả nỗi nhớ về đất liền…

Tiếp chúng tôi là anh Cao Văn Thành - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) tỉnh Quảng Trị và 4 cán bộ của ngành KTTV Trạm Khí tượng hải văn Cồn Cỏ, gồm: Nguyễn Đình Nghị (sinh năm 1981, quê ở Bắc Ninh); Mai Đức Cảnh (sinh năm 1989, quê ở Phú Thọ), Phạm Viết Huy (sinh năm 1989, quê ở Hà Tĩnh); Nguyễn Mạnh Dũng (sinh năm 1993, quê ở Thái Nguyên).

Đồng chí Nguyễn Đình Nghị thực hiện quan trắc hải văn

Dưới tán lá bàng xanh rì, anh Nguyễn Đình Nghị - Trưởng trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ chia sẻ: Cách đây 16 năm, khi đó anh mới 23 tuổi, đã đặt chân lên Cồn Cỏ để thực hiện nhiệm vụ.

Đảo khi ấy như đảo hoang, cây cối mục um tùm, lấn cả vào nhà. Trên đảo không có điện, ánh sáng hiếm hoi của buổi tối được phát ra từ chiếc đèn ắc quy mà đến giờ làm việc mới được bật lên. Trên đảo thiếu nước ngọt, thiếu lương thực thực phẩm. Đảo còn thiếu cả bóng dáng người dân. “Ngày mới ra, mình buồn chứ! Nhưng rồi cũng quen…” - anh Nghị nói.

Anh Nghị và các quan trắc viên khác đã quen với sự hoang sơ của đảo, với những con sóng trập trùng xa tít tắp chẳng thấy đâu là đất liền, bờ bãi, quen cả với những khó khăn khi về thăm nhà phải đi nhờ tàu gỗ đánh cá của ngư dân, sóng to phủ ướt hết người mà đến lúc vào đến bờ mới an tâm về sinh mạng.

Vất vả là thế, nhưng vượt lên trên tất cả, người “chiến sĩ” khí tượng hải văn vẫn hoàn thành tốt công việc của mình. Trước đây, việc quan trắc được thực hiện hoàn toàn thủ công; thông tin quan trắc được chuyển về bằng máy ecom, với những dãy số mã hóa khí tượng hải văn.

Đến năm 2010, đảo có điện, nhưng chủ yếu chỉ được mấy tiếng ban ngày. Hiện nay, điện có 24/24h, thông tin được truyền về Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ bằng internet. Năm 2014, Trạm được đầu tư Trạm Khí tượng tự động; năm 2016, Trạm được đầu tư Trạm Hải văn tự động. Việc quan tâm đầu tư, hiện đại hóa khí tượng thủy văn của Tổng cục Khí tượng thủy văn đã giúp vơi bớt phần nào sự khó khăn ở vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Đình Nghị trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường

Vững vàng trong bão táp, phong ba

Đảo Cồn Cỏ có có diện tích tự nhiên khoảng 4 km2, độ cao trung bình từ 7 đến 10 mét so với mực nước biển, cách đất liền chừng 17 hải lý. Không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự, đảo còn giữ vị trí đặc biệt về khí tượng hải văn, khi đây được coi là “rốn bão”. “Đón bão” là nhiệm vụ thường xuyên, quen thuộc với mỗi người quan trắc viên ở đảo Cồn Cỏ.

“Những ngày bình yên, chúng tôi quan trắc 4 obs/ngày, gồm cả 2 yếu tố: khí tượng và hải văn. Khi có bão có nguy cơ ảnh hưởng, chúng tôi trực TYPH 30 phút/ lần cho đến khi bão tan” – anh Nghị cho biết.

Nhớ lại những lần bão càn quét, anh Nghị kể: “Năm 2007, khi Trạm còn ở nhà cũ, các quan trắc viên phải “giằng co” với bão. Gió bật cả cửa, nước lùa vào phòng, anh em vẫn động viên nhau: Cố lên là ổn”. Đến năm 2013, cơn bão Wutif tràn tới, mưa nhiều gây ngập úng, sức gió mạnh làm gãy cột máy gió trong vườn khí tượng, cây cối tan hoang, đổ nát trơ trụi. Rồi năm 2017, bão Doksuri về, anh em phải cố thủ trong phòng để bảo vệ tính mạng. Tiếng gió thét ào ào khủng khiếp ngoài cửa. Đến năm 2018, nhà được sửa lại để tiếp tục phục vụ công tác quan trắc, phòng chống thiên tai”.

Không thể quên sự dũng cảm, hết mình của các “chiến sỹ” khí tượng hải văn khi đương đầu với bão lớn, anh Cao Văn Thành – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị bùi ngùi: “Ngày đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh yêu cầu các quan trắc viên phải lên bờ tránh trú bão, nhưng anh em chúng tôi nhận thấy, đây là lúc bà con cần thông tin của chúng tôi nhất. Bởi vậy, anh em quyết bám trạm để thực hiện đo đạc, điện báo đầy đủ về bão, giúp bà con giảm thiểu thiệt hại”.

Trong tâm trí của anh Thành, vẫn còn nhớ như in dòng tin nhắn mà quan trắc viên Trần Hoàng gửi về cho mẹ sau khi cơn bão Wutif đã đi qua: “Mẹ ơi, con sống rồi!”. “Thế mới thấy, nghề của chúng tôi, giản dị, lặng lẽ mà thiêng liêng vô cùng” – anh Thành nghẹn ngào.

Đồng chí Nguyễn Đình Nghị làm nhiệm vụ quan trắc

Phát huy tinh thần gương mẫu của người Đảng viên

Gắn bó với Cồn Cỏ từ tháng 9/2004 - 7/2010 và từ tháng 3/2017 đến nay, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ Nguyễn Đình Nghị luôn là một người Đảng viên gương mẫu. Ngày 26/7/2011, anh được đứng trong hàng ngũ của Đảng, hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ Đài KTTV tỉnh Quảng Trị.

“Với vai trò là một người Đảng viên, tôi luôn quyết tâm nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn mà cơ quan giao phó. Ở trạm có các đoàn viên trẻ, vì vậy, chúng tôi luôn giúp đỡ, hỗ trợ, động viên các em cố gắng bám đảo, bám trạm, có trách nhiệm với công việc” - anh Nghị nói.

Do đặc thù về khoảng cách địa lý, vào mùa khô, anh Nghị sinh hoạt Đảng tập trung (sinh hoạt chuyên đề) 1 lần/Quý, sinh hoạt Đảng hàng tháng theo hình thức trực tuyến. Còn vào mùa mưa bão, sinh hoạt Đảng hoàn toàn theo hình thức trực tuyến.

Hiện nay, Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ có 2 Đảng viên. Chi bộ Đài KTTV tỉnh Quảng Trị có 13 Đảng viên. “Chúng tôi luôn quán triệt tính tiên phong, gương mẫu, đi đầu của người Đảng viên trong Chi bộ, khắc phục những khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ Đài khu vực giao” - Bí thư Chi bộ KTTV tỉnh Quảng Trị Cao Văn Thành cho biết.

Đồng chí Nguyễn Đình Nghị hướng dẫn nghiệp vụ cho các đoàn viên trẻ thuộc Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ

Không chỉ nỗ lực trong công tác chuyên môn, tập thể cán bộ Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ còn chung tay cùng quân và dân trên đảo phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Các Đảng viên, Đoàn viên của Trạm nhận dọn dẹp vệ sinh một đoạn bờ biển dài 2 km, thực hiện phong trào thả cá về biển, bảo tồn cua đá, vích để giữ gìn tài nguyên biển.

***

Thời điểm này, mùa mưa bão đã bắt đầu. Trong cái nắng gay gắt của bầu trời Quảng Trị, chúng tôi chưa thể hình dung nổi khi bão về sẽ vần vũ đến mức nào. Chỉ biết rằng, vào mùa mưa bão, các cán bộ Khí tượng Hải văn ở Cồn Cỏ không được về nhà, họ phải bám trạm, bám đảo, là những người dũng cảm “đón bão” đầu tiên.

Lý giải cho sự can trường và bền bỉ ấy, chúng tôi nhận lại nụ cười và lời nói khẽ: “Vì yêu nghề”. “Khi gặp người dân, bà con hỏi thời tiết hôm nay thế nào, sóng có lớn không, có ra khơi được không? Bà con quan tâm như thế, mình cũng thấy vui, thấy được vai trò, trách nhiệm của mình” – anh Nghị chia sẻ.

Với tinh thần gương mẫu của người Đảng viên, với tình yêu nghề thẳm sâu, với sự kiên gan như người lính, giữa muôn trùng sóng gió, khó khăn, những cán bộ, Đảng viên ở Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ vẫn ngày ngày lặng thầm “đếm gió, đo mưa, đón bão”… Sự bình yên của đất liền, nhờ những con người biết cống hiến và hy sinh như thế!

Đồng chí Nguyễn Đình Nghị - Đảng viên, Trưởng trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ:
- Năm 2010: Bằng khen của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn dành cho thanh niên tiên tiến vùng duyên hải miền Trung
- Bằng khen của UBND Tỉnh Quảng trị về công tác phòng chống lụt bão
- Năm 2017, Giấy khen của Tổng cục Khí tượng Thủy văn
- Giấy khen của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Trung Trung Bộ

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: