Nắng nóng khốc liệt: Hơn 1.000 ha cây ăn quả đặc sản lay lắt chờ chết

Đăng ngày: 28-06-2020 | Lượt xem: 1395
Mặc dù đã dùng mọi biện pháp để cấp nước cho cây trồng, tuy nhiên nắng hạn quá khốc liệt đã khiến hơn 1.000 ha cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch lay lắt chờ chết.

Thiếu nước thiếu cả điện

Tính đến ngày hôm nay (28/6) “chảo lửa” huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tròn 1 tháng không có giọt mưa nào. Cá biệt, một số xã như Hương Đô, Lộc Yên, Phúc Trạch... số ngày nắng chói chang đã lên đến con số 60.

Hơn 200 ha cam, bưởi đặc sản ở đồi Trạng Nẹo, xã Phúc Trạch thiếu nước trầm trọng. Ảnh: Gia Hưng.
 

Hơn 200 ha cam, bưởi đặc sản ở đồi Trạng Nẹo, xã Phúc Trạch thiếu nước trầm trọng. Ảnh: Gia Hưng.

Nắng như thiêu đốt khiến con người uể oải, mệt mỏi, còn cây trồng héo úa, chết cháy, thiếu sức sống.

Đồi Trạng Nẹo, xã Phúc Trạch là “thủ phủ” cam đặc sản Khe Mây, bưởi Phúc Trạch với hơn 100 hộ dân vào khai hoang, lập nghiệp. Những năm trước hơn 200 ha cam, bưởi nơi đây đem về hàng trăm tỷ đồng cho người sản xuất.

Tuy nhiên, năm nay nguy cơ mất mùa đã hiện diện trước mắt khi những đồi cam, bưởi héo hắt, cháy xém vì nắng nóng dài ngày.

“Bên cạnh việc 2 tháng trời không có giọt mưa nào khiến hồ đập cạn trơ đáy thì mấy chục năm nay khu vực này không có điện sinh hoạt. Chúng tôi phải sử dụng máy phát điện bơm nước tưới cứu cây trồng nhưng lực phát yếu, chi phí xăng dầu khá cao, phải bơm dài ngày quá nên cũng không thể kham nổi”, ông Nguyễn Đình Sen, xã Phúc Trạch nói.

Nhiều diện tích đã chết cháy cả cây lẫn quả hoặc lay lắt chờ chết. Ảnh: Gia Hưng.
 

Nhiều diện tích đã chết cháy cả cây lẫn quả hoặc lay lắt chờ chết. Ảnh: Gia Hưng.

Năm 1990, ông Sen cùng vợ vào khu vực đồi Trạng Nẹo khai hoang, trồng cây đặc sản bưởi Phúc Trạch và cam Khe Mây. Ngoài việc đầu tư hàng tỷ đồng cho công tác “vỡ đất” ban đầu, hàng năm gia đình ông bỏ ra khoảng 150 triệu đồng tiền nhân công, vật tư chăm sóc bưởi, cam.

Hiện trang trại của ông đã có 1.200 gốc cam cho trái non và hơn 1.000 gốc bưởi cho khoảng 5.000 quả. Tuy nhiên nắng nóng kéo dài khiến đồi cam, bưởi của gia đình đứng trước nguy cơ chết cháy.

“Những năm trước, bình quân thu nhập từ trại đạt khoảng 400 triệu đồng; trừ chi phí vẫn lãi được khoảng 250 triệu đồng. Thế nhưng năm nay khả năng mất trắng vì nắng hạn. Hiện đã có khoảng 30% diện tích cam, bưởi trong vườn héo, chết; quả cháy vàng, co rúm và rụng do nắng đốt”, ông Sen đưa tay nhặt những quả cam chưa “khai sinh” đã “khai tử” buồn bã cho biết.

Đồng thời khẳng định, 30 năm vào làm trang trại tại đồi Trạng Nẹo thì năm nay là năm có số ngày nắng nóng kéo dài nhất.

Đồng cảnh ngộ, trang trại của chị Nguyễn Thị Lĩnh cũng đang đứng trước nguy cơ thất thu vì thiếu nước tưới thiếu luôn cả điện.

“Hạn hán kéo dài nhưng chúng tôi đành bất lực vì điện không có, máy phát tải không được, bơm chuyền thì phải đào hồ đã mới bơm chuyền nước được. Ở vùng “chảo lửa” này sức người có hạn, chỉ mong sớm có trạm biến áp để bà con chúng tôi yên tâm sản xuất”, chị Lĩnh nói.

Những quả cam non của hộ ông Sen cháy xém, rụng xuống gốc vì thiếu nước. Ảnh: Gia Hưng.
 

Những quả cam non của hộ ông Sen cháy xém, rụng xuống gốc vì thiếu nước. Ảnh: Gia Hưng.

Người đàn bà tứ tuần quệt vội mồ hôi, mặt đỏ ửng vì nắng nóng nói tiếp: “Trại của tôi có gần 1.000 gốc cam, bưởi nhưng đa phần đã héo do nắng nóng, cá biệt có những cây chết khô cả cây lẫn quả”.

Bà Phạm Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho hay: “Đồi cam, bưởi Trạng Nẹo hằng năm đưa lại doanh thu hơn 60 tỷ đồng cho người dân. Tuy nhiên, hiện đang đứng trước nguy cơ chết cháy do nắng nóng. Chính quyền địa phương cũng như người dân nơi đây tha thiết mong muốn tỉnh, huyện hỗ trợ đường điện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất ổn định, lâu dài cho bà con”.

Ảnh hưởng nặng nề trọng lượng, chất lượng quả

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, cho biết, mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng qua kiểm tra, đánh giá, toàn huyện có hơn 1.000/3.200 ha cam, bưởi đã cho thu hoạch bị ảnh hưởng nặng nề trong việc tăng trọng lượng, chất lượng quả do hạn hán. Tập trung chủ yếu ở đồi Trạng Nẹo, xã Phúc Trạch (khoảng 200 ha); Khe Mây, xã Hương Đô; xã Lộc Yên; xã Hương Giang; Hương Thủy...

“Nắng hạn 2 tháng qua không chỉ khiến hơn 1.000 ha cam, bưởi vùng cao cưỡng đứng trước nguy cơ mất mùa, những diện tích còn lại thiếu nước tưới, không thể cung cấp dinh dưỡng nuôi quả cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất, tổng sản lượng vào cuối vụ”, ông Vinh lo ngại.

Những diện tích còn trụ được đến bây giờ cũng khó có thể giữ được năng suất như năm ngoái vì giai đoạn cần nước nhất lại gặp đại hạn. Ảnh: Gia Hưng.
 

Những diện tích còn trụ được đến bây giờ cũng khó có thể giữ được năng suất như năm ngoái vì giai đoạn cần nước nhất lại gặp đại hạn. Ảnh: Gia Hưng.

Hiện tại, ngành NN-PTNT Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp chống hạn cho cam, bưởi như tăng cường tận dụng nước khe suối, hồ đập bơm chống hạn; khoan giếng bổ sung nước tưới...

“Tuy nhiên các giải pháp trên cũng chỉ mang tính đối phó ngắn hạn. Giờ cần có mưa chứ bơm tưới không đẫm cây trồng cũng rất khó phục hồi. Đáng ngại hơn, kể cả có nước thì những vùng như Khe Mây, Trạng Nẹo cũng không có điện để bơm tưới”, ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh nói.

Theo nongnghiep.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: