Năm 2021, thế giới trải qua 10 sự kiện khí hậu nổi bật

Đăng ngày: 05-01-2022 | Lượt xem: 29726
Trong năm 2021, nhiều nơi trên thế giới đã chứng kiến các kiểu thời tiết khác nhau do biến đổi khí hậu, gây thiệt hại lớn. Trang CNN (Mỹ) vừa liệt kê 10 sự kiện khí hậu nổi bật nhất trong năm qua.

Vào tháng 7/2021, lũ lụt nghiêm trọng tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của 300 người

 

1. Hạn hán, cháy rừng và thiếu nước

Một đợt hạn hán kéo dài lịch sử đã xảy ra ở phía Tây nước Mỹ. Các nhà khoa học cho rằng đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng không chỉ đến thời tiết mà còn tác động đến việc cung cấp nước, sản xuất lương thực và điện năng.

Tại California (Mỹ), hạn hán vào mùa hè năm ngoái là đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong kỷ lục 126 năm của bang, với tháng 7/2021 là tháng khô hạn nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1895.

Hồ Mead và Hồ Powell - 2 trong số những hồ chứa lớn nhất của Mỹ - đã khô cạn ở mức báo động, buộc Chính phủ liên bang phải lần đầu tiên tuyên bố tình trạng thiếu nước trên sông Colorado hồi tháng 8/2021, dẫn đến việc bắt buộc cắt giảm tiêu thụ nước đối với các bang ở Tây Nam bắt đầu từ năm 2022.

Đợt siêu hạn hán cũng là nguyên nhân cho những trận cháy rừng nguy hiểm. Ba đám cháy lớn nhất năm 2021 - Bootleg, Dixie và Caldor Fires - đã thiêu rụi khoảng 1,6 triệu mẫu Anh.

2. Nắng nóng ở Tây Bắc Thái Bình Dương

Cuối tháng 6/2021, một đợt nắng nóng chưa từng có đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở Tây Bắc Thái Bình Dương và British Columbia (Canada). Nhiệt độ kỷ lục mọi thời đại được thiết lập trên toàn khu vực và theo giới khoa học, đợt nắng nóng sẽ gần như không thể xảy ra nếu không xuất hiện biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Các chuyên gia nhận định, khu vực ôn đới thường không được chuẩn bị cho các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt, nhiều người dân không sở hữu máy điều hòa không khí, dẫn đến hàng trăm người đã chết vì nhiệt. Các nhà chức trách sau đó gọi đợt nắng nóng này là một sự kiện “gây thương vong hàng loạt”.

Tại British Columbia, đợt nắng nóng tương tự đã “châm ngòi” cho một đám cháy rừng, thiêu rụi thị trấn Lytton chỉ một ngày sau khi nhiệt độ tăng vọt lên 121 độ F và phá vỡ kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại của Canada.

3. Lốc xoáy tại Mỹ

Hơn 30 trận lốc xoáy đã càn quét miền Trung Tây và Đông Nam nước Mỹ trong hai ngày 12-13/12/2021, gây thiệt hại lớn về người và nhà cửa, với khoảng 100 người thiệt mạng. Tháng 12 thường rất ít xảy ra lốc xoáy, nhưng nhiệt độ nóng dần lên đã mang lại thảm họa này.

Ở Kentucky, lốc xoáy làm bật gốc cây cối, san bằng nhà cửa và khiến hàng chục người thiệt mạng. Theo Thống đốc bang Andy Beshear, loạt lốc xoáy này đã đạt đến mức độ tàn phá không giống bất cứ cơn lốc xoáy nào từng thấy trước đây.

4. Siêu bão Ida

Siêu bão Ida đã phá hủy nhà cửa, làm bật gốc cây và mất điện cho hơn 1 triệu người dân ở Mississippi và Louisiana, Mỹ vào cuối tháng 8 năm ngoái.

Giới khoa học cho rằng, cơn bão mạnh cấp 4 này là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão trở nên nguy hiểm hơn đến mức nào. Chúng tạo ra nhiều mưa hơn, di chuyển chậm hơn khi đổ bộ vào đất liền và tạo ra các đợt bão lớn hơn.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ ước tính, siêu bão Ida đã gây thiệt hại ít nhất 60 tỷ USD, cao hơn cả tổng chi phí của 7 cơn bão nhiệt đới gây thiệt hại nặng nề nhất trong năm 2020.

5. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26)

Tháng 11/2021, các nhà lãnh đạo thế giới đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26).

Sau gần 2 tuần đàm phán về các biện pháp hạn chế sự nóng lên toàn cầu, gần 200 quốc gia đã ký Hiệp ước Khí hậu Glasgow, trong đó lần đầu tiên thừa nhận vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong khủng hoảng khí hậu và kêu gọi giảm dần sử dụng than và giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.

6. Cảnh báo “Mã đỏ đối với nhân loại” của Liên Hợp Quốc

Báo cáo mới nhất về tình hình nghiên cứu khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) được công bố hồi tháng 8/2021 nhấn mạnh, con người đã gây ra khủng hoảng khí hậu, với những biến đổi trên diện rộng và nhanh chóng đã xảy ra, trong đó có những thứ không thể đảo ngược. Tổng Thư ký LHQ António Guterres đánh giá, báo cáo về sự nóng lên toàn cầu này là một “mã đỏ đối với nhân loại”.

7. Mỹ tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris

Chỉ trong vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp để tái gia nhập Hiệp ước Khí hậu toàn cầu được gọi là Thỏa thuận Paris, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này trong thời kỳ đương nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump.

Đến tháng 4/2021, Tổng thống Biden cam kết cắt giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ vào năm 2030 nhằm đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận.

8. Lũ lụt lớn tại ba lục địa

Trong vòng vài tuần, lũ lụt đã tàn phá và gây tử vong ở nhiều khu vực của Tây Âu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) và bang Tennessee (Mỹ).

Giữa tháng 7/2021, lũ lụt nghiêm trọng đã làm thiệt mạng hơn 200 người ở Đức và Bỉ. Tại Trung Quốc, lũ lụt ở tỉnh Hà Nam cũng cướp đi mạng sống của 300 người. Lũ quét cũng xảy ra ở Tennessee, Mỹ, phá hủy hơn 270 ngôi nhà và làm chết hơn 20 người.

Một nhóm các nhà khoa học đã thiết lập mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và thời tiết, cho rằng lượng mưa kỷ lục có khả năng cao gấp 9 lần vì biến đổi khí hậu do con người gây ra.

9. Texas tê liệt vì băng tuyết

Vào tháng 2 năm ngoái, một cơn bão mùa đông đã càn quét miền Trung nước Mỹ và đổ bộ Texas - 1 bang vốn được biết tới với những sa mạc và nắng nóng khắc nghiệt, không được trang bị đủ để đối phó với tình trạng đóng băng kéo dài nhiều ngày. Khoảng 4 triệu người tại bang này đã bị mất điện luân phiên trong thời tiết lạnh giá.

Cơ quan Y tế bang Texas thông báo, thời tiết mùa đông khắc nghiệt đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Tuy nhiên, một phân tích độc lập của Buzzfeed đưa ra con số tử vong từ 500 đến 1.000 người.

Cơn bão trên cũng gây tác động kinh tế thảm khốc, với thiệt hại vào khoảng 130 tỷ USD.

10. Trận mưa lịch sử trên đỉnh Greenland

Đỉnh Greenland vốn có tuyết phủ quanh năm đã đón mưa rơi lần đầu tiên vào tháng 8/2021. Nhiệt độ tại đỉnh Greenland - cao khoảng 2 dặm so với mực nước biển - đã tăng lên trên mức đóng băng lần thứ 3 trong vòng chưa đầy một thập kỷ vào khoảng giữa tháng đó, với lượng mưa đổ xuống 7 tỷ tấn nước.

Theo Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC), đây là lượng mưa lớn nhất ở đây kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận từ năm 1950. Các nhà khoa học cho rằng, hiện tượng này sẽ xảy ra thường xuyên hơn, với dự báo khu vực Bắc Cực sẽ hứng chịu nhiều mưa hơn tuyết trong khoảng thời gian từ năm 2060-2070, đánh dấu một sự chuyển đổi lớn trong mô hình lượng mưa khi hành tinh nóng lên.

Nguồn: Báo TNMT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: