Lũ tháng 9 ở Đồng bằng sông Cửu Long thấp, cần đề phòng triều cường

Đăng ngày: 09-09-2021 | Lượt xem: 3632
Lũ tháng 9 ở ĐBSCL dự báo ở mức thấp, hầu như không ảnh hưởng tới sản xuất lúa. Nhưng cần đề phòng triều cường ở vùng Giữa và Ven biển

Lũ tháng 9 ở Đồng bằng sông Cửu Long dự báo ở mức thấp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, số liệu của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế cho thấy, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Công tại trạm Kratie trong tháng 8 ở mức thấp hơn khá nhiều trung bình nhiều năm (TBNN).

Mực nước lớn nhất tháng đạt 16,25 m, thấp hơn cùng kỳ TBNN là 2,63 m; thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 0,07 m. Đến ngày 31/8 mực nước sông Mê Công đạt 14,07 m, thấp hơn cùng kỳ TBNN là 4,78 m; thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 2,13 m.

Diễn biến mực nước Biển Hồ trong tháng 8 ở mức thấp. Đến ngày 31/8 mực nước đạt 3,82 m, thấp hơn cùng kỳ TBNN là 3,11 m; cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 0,55 m. Cũng đến ngày 31/8 dung tích Biển Hồ đạt 11,08 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ TBNN là 23,8 tỷ m3; cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 2,89 tỷ m3.

Tại các trạm Tân Châu và Châu Đốc của Việt Nam, diễn biến mực nước chịu tác động mạnh bởi chế độ thủy triều. Trong tháng 8 mực nước lớn nhất ngày đã đạt 2 đỉnh. Trong đó, đỉnh 1 vào ngày 11/8 (Tân Châu 1,81 m, Châu Đốc 1,85 m), đỉnh 2 là mực nước lớn nhất tháng đạt vào ngày 24/8 (Tân Châu 1,89 m, Châu Đốc 1,96 m).

Đến ngày 30/8: mực nước lớn nhất ngày tại Tân Châu đạt 1,58 m, thấp hơn cùng kỳ TBNN là 1,64 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 0,29 m; mực nước lớn nhất ngày tại Châu Đốc đạt 1,58 m, thấp hơn cùng kỳ TBNN là 1,23 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 0,21 m.

Theo kết quả dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), chuẩn sai mưa dự báo trên lưu vực hạ lưu sông Mê Công trong tháng 9 hầu hết cao hơn TBNN, với chuẩn sai dương phổ biến từ 0,5 - 2 mm/ngày. Chỉ riêng một số nơi trên khu vực Thượng Lào và Tây Nam Campuchia lượng mưa xấp xỉ TBNN.

Về đặc trưng thủy triều trong tháng 9, dự báo đỉnh triều chủ yếu đạt vào các ngày cuối tuần 3 của tháng. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Trần Đề đạt 2,05 m, thấp nhất tại trạm Hà Tiên đạt 0,35 m. Chân triều thấp nhất đạt vào các ngày trong tuần cuối tháng, thấp nhất tại trạm Vũng Tàu đạt -2,36 m, cao nhất tại trạm Rạch Giá đạt -0,00 m.

Đỉnh triều dự báo tháng 9 năm 2021 cao hơn TBNN, nhưng thấp hơn đỉnh triều các năm 2019, 2020 cùng kỳ. Đỉnh triều cao nhất tại Gành Hào đạt 2,00 m, cao hơn cùng kỳ TBNN là 0,54 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 0,08 m.

Vùng Giữa và Ven biển ĐBSCL cần đề phòng triều cường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam dự báo lũ tháng 9 trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn ở mức thấp và biến đổi mạnh theo xu thế của triều cường. Về lũ đầu nguồn sông Cửu Long, dự báo mực nước cao nhất tháng 9 đạt vào khoảng cuối tuần thứ 3, tại Tân Châu dao động ở mức 2,50 - 2,80 m, Châu Đốc dao động ở mức 2,10 – 2,40 m.

Về lũ nội đồng ở ĐBSCL, tại vùng Thượng, mực nước cao nhất dự báo biến đổi từ 0,55 - 2,95 m. Trong đó, mực nước cao từ 2,00 - 2,95 m tập trung ở các huyện đầu nguồn phía trên như: huyện An Phú, Thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân của tỉnh An Giang; huyện Hồng Ngự, Thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp, các khu vực ở phía dưới, xa sông chính mực nước ở mức thấp dưới 2,00 m.

Ở vùng Giữa ĐBSCL, mực nước cao nhất dự báo biến đổi từ 0,54 - 2,05 m. Trong đó, mực nước cao từ 1,40 - 2,05 m tập trung ở khu vực ven sông chính và giáp vùng Thượng. Các khu vực phía dưới, xa sông chính và sâu bên trong nội đồng, mức nước phổ biến dưới mức 1,40 m.

Tại vùng Ven biển ĐBSCL, mực nước cao nhất dự báo biến đổi từ 0,52 - 1,73 m. Trong đó, mực nước cao từ 0,85 - 1,73 m tập trung ở khu vực cửa sông chính, và ven biển Đông. Các khu vực ven biển Tây, xa sông chính và sâu bên trong nội đồng mực nước thấp dưới 0,85 m.

Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định, do lũ tháng 9 ở mức thấp, nên hầu như không ảnh hưởng đến việc thu hoạch phần diện tích còn lại của vụ Hè Thu, và diện tích sản xuất vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do triều dự báo ở mức cao hơn khá nhiều TBNN, nên cần đề phòng những khu vực sản xuất chịu tác động mạnh của thủy triều, cụ thể là vùng Giữa và vùng Ven biển ĐBSCL, đặc biệt là những khu sản xuất có cao trình ô bao thấp, hoặc bị xuống cấp.

Theo Báo Nông nghiệp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: