Lũ lớn giảm nhiều, hạn mặn thường xuyên hơn

Đăng ngày: 31-08-2020 | Lượt xem: 1653
Khu vực ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, các báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết khu vực này đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thay đổi triều cường, thay đổi hướng gió, cùng những ảnh hưởng từ thượng nguồn sông Mê Kông.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trong 60 năm (trước thời điểm năm 2000), bình quân cứ 2 năm thì ĐBSCL có 1 năm lũ vượt báo động cấp III (mức nước quy định ở Tân Châu vượt 4,2 m). Trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2000 - 2002, ở ĐBSCL đều bị lũ lớn (đỉnh lũ năm lớn hơn 4,5 m), mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu vượt qua 4,75 m. Tuy nhiên, quy luật nêu trên dần bị phá vỡ do nhiều nguyên nhân như nạn phá rừng; xây dựng các dự án, công trình thủy nông, thủy điện ở thượng, trung nguồn sông Mê Kông càng gia tăng; quy hoạch kiểm soát lũ, xây dựng các công trình kiểm soát lũ mang tính cục bộ ở từng địa phương làm cho dòng chảy lũ, phân lũ trong vùng thêm phức tạp, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu - nước biển dâng.

Hạn hán, xâm nhập mặn tác động tiêu cực đến sản xuất và sinh kế của người dân ĐBSCL Ảnh: LAN ANH

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận từ năm 2012, khi các hồ chứa lớn phía Trung Quốc trên sông Lan Thương và các thủy điện dòng nhánh hoạt động, đã tác động rất lớn đến dòng chảy về ĐBSCL. Theo ông Cường, nguồn nước về lãnh thổ Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài, là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia. Chính hoạt động phát triển tại thượng nguồn đã gây bất lợi vô cùng lớn đến vùng ĐBSCL và "không thể đảo ngược".

Trong khi đó, Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NN-PTNT nhận định ĐBSCL đang đối diện với những thách thức về tình hình lũ lụt, xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển. Từ năm 2010 đến nay, số trận lũ lớn giảm so với trước kia, chủ yếu xuất hiện các lũ vừa và lũ nhỏ (chiếm đến khoảng 90%), lũ đầu vụ (tháng 8) cũng suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu như trước đây, tổng lượng lũ vào ĐBSCL từ 380 - 420 tỉ m3 và kéo dài 5 - 6 tháng, thì nay chỉ còn khoảng 330 - 350 tỉ m3 (lũ năm 2015 khoảng 220 tỉ m3) và kéo dài trong 3 - 4 tháng. Cùng với đó, gần 50% vùng ngập trung bình và 30% vùng ngập sâu đã được các tỉnh kiểm soát lũ để sản xuất vụ hè thu và thu đông (khoảng 700.000 ha), khiến khả năng trữ lũ của toàn ĐBSCL giảm chỉ còn hơn một nửa so với trước đây (từ 5 - 7 tỉ m3 xuống 3 - 4 tỉ m3).

Với tình hình trên, TS Hoàng Văn Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam - cảnh báo ĐBSCL đang đứng trước nhiều tác động bất lợi, đang được định hình lại với nhiều đặc điểm tự nhiên khác hẳn so với trước đây. Chẳng hạn, tần suất lũ lớn giảm nhiều, mặn hạn xảy ra thường xuyên hơn, xói lở bờ biển nghiêm trọng.

"Để chủ động ứng phó, về lâu dài, cần chuyển dịch sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình mới như nước biển dâng, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, hạn tăng lên, xâm nhập mặn tiến sâu vào các tỉnh ven biển" - TS Hoàng Văn Thắng nhìn nhận.

Theo nld.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: