Làm kè sinh thái chống sạt lở bờ sông

Đăng ngày: 28-07-2021 | Lượt xem: 5164
Hầu hết tỉnh, thành ở ĐBSCL đều có mạng lưới sông ngòi dày đặc. Đây được xem là điều kiện lý tưởng để các địa phương phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa... Song, chính lợi thế này đã đặt cuộc sống người dân phải đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở.

Trước tình trạng sạt lở bủa vây, bao đời nay người dân vùng sông nước miền Tây luôn canh cánh với việc làm sao để giữ đất được hiệu quả. Một số sáng kiến làm kè sinh thái đã được ứng dụng và bước đầu cho thấy mang lại hiệu quả.

Kè cây xanh là cách gọi nôm na của người dân về việc trồng mắm, đước, dừa nước… để giữ đất.

Ông Nguyễn Văn Bá (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết thay vì sử dụng một số cây tạp như: bạch đàn, trâm bầu… có sẵn trong vuông tôm để làm cừ bờ kè thì ông chọn mua gốc tre gai. Dù lựa chọn trên khiến ông phải bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua gốc tre nhưng đổi lại, gốc tre khi xuống nước sẽ bền và chắc hơn.

Sau khi chuẩn bị đủ các dụng cụ làm bờ kè, ông Bá cắm những gốc tre xuống đất khi đến độ sâu nhất định rồi dùng đinh đóng lưới mành vào thân tre (tới lớp đất bùn). Trên bờ, ông Bá đóng thêm các trụ rồi buộc dây neo vào các gốc tre để tăng khả năng chịu áp lực của bờ kè. Sau đó, lấy những trái dừa nước đã ươm sẵn trồng phía trong bờ kè.

"Bờ kè có lớp lưới mành nên sẽ hạn chế được những tác động của sóng khi xuồng máy di chuyển. Thông thường, các bờ kè dạng này có thể giữ đất được trên dưới 2 năm, khoảng thời gian trên đủ để cây trồng bên trong kè phát triển, có thể sức giữ đất khi bờ kè "thất thủ".

Tiếp lời ông Bá, lão nông Nguyễn Văn Hài cho biết Cà Mau có nhiều loại cây có khả năng giữ đất như: mắm, đước, dừa nước… Tuy nhiên, dừa nước được xem là lựa chọn tốt nhất bởi loại cây này khi trưởng thành thường có các bập bè mọc san sát nhau cùng bộ rễ ăn sâu xuống lòng đất nên hạn chế được tình trạng sóng, dòng chảy mạnh làm mất chân đất. Trong trường hợp này, cây đước, mắm được đánh giá khả năng giữ đất thấp hơn do khi sống ven sông thường bị các loài giáp xác tấn công phần rễ nên dễ đổ ngã khi gặp phải gió mạnh.

Ngoài khả năng giữ đất, trồng dừa nước còn giúp người dân tận dụng lá để làm nhà hoặc bán cho những hộ dân khác khi có nhu cầu mua lá làm nhà.

Kè bằng cây xanh là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với sạt lở

Tại Vĩnh Long cũng có một phương pháp ứng phó sạt lở với chi phí thấp nhưng đem lại hiệu quả khá cao.

Ông Nguyễn Thành Đạt (ngụ huyện Tam Bình) cho biết trong một lần xuống nhà người bạn ở Cà Mau, ông thấy người dân nơi đây làm bờ kè trồng dừa nước ở phía trong, giữ đất khá hiệu quả. "Khi trở về, nhận thấy nguồn lục bình trong tự nhiên quanh nhà rất nhiều nên tôi nảy ra ý tưởng lấy tre cặm hết diện tích đất của gia đình rồi dùng đinh, dây cố định lưới mành và cặm thêm nhánh tràm cặp lưới mành... Sau đó, ông Đạt cùng người thân vớt lục bình trên sông trước nhà cho vào rọ. Nhờ sức sống mãnh liệt nên lục bình phát triển dày đặc… Khi phương tiện đường thủy di chuyển qua lục bình với mật độ dày đã giúp giảm áp lực, hạn chế dòng chảy nên không ảnh hưởng nhiều đến phần đất phía trong.

"Với diện tích đất mặt tiền hơn 100 m2, tôi chỉ bỏ ra chi phí khoảng 700.000 đồng mua lưới mành để làm rọ giữ lục bình, cọc tre thì nhà trồng. Cách làm trên giúp tôi không còn lo chuyện sạt lở tấn công" - ông Đạt nói.

Đa phần các giải pháp ứng phó với sạt lở bằng kè cây xanh, rọ lục bình… đều có chi phí thấp cộng với dễ làm nên đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân trong việc ứng phó với sạt lở.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết để chủ động ứng phó với sạt lở, hằng năm đơn vị đã kiểm tra, cắm biển cảnh báo tại tất cả vị trí sạt lở trên địa bàn. Song song đó, công tác tuyên truyền vận động người dân làm kè, trồng và bảo vệ các cây ven sông cũng được chú trọng.

Theo Báo Người lao động

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: