Khô hạn ở Cà Mau, nhiều công trình sụp lún, hư hỏng

Đăng ngày: 18-02-2020 | Lượt xem: 2004
Cà Mau đang bước vào cao điểm mùa khô hạn mới. Khô hạn gay gắt đã khiến hàng loạt kênh, rạch vùng ngọt hóa của này kiệt quệ nước. Trên nhiều tuyến lộ nằm dọc các kênh, rạch khô cạn như vậy, hiện có quá nhiều vị trí sụp lún làm hư hỏng công trình giao thông, thủy lợi…

Một đoạn trên tuyến lộ Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc bị sụp lún, hư hỏng.

Hơn 900 vị trí sụp, lún

Điển hình nhất của tình trạng sụp lún xảy ra trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (giai đoạn 1), đoạn qua Nông trường 402 (thuộc ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Trao đổi với phòng viên, ông Lý Minh Trí, có nhà nằm đối diện vị trí sụp lún, cho biết, rạng sáng 30-1 (mùng 6 Tết), người dân địa phương phát hiện đoạn lộ dài khoảng 20m của tuyến đường nêu trên bị sụp lún, bề rộng gần hơn 2m, chiều sâu từ 1,5-1,8m. Cạnh đoạn sụt lún có nhiều vết nứt kéo dài gần tới tim lộ.

Cơ quan chức năng cần có giải pháp can thiệp kịp thời, nếu không phạm vi sụp lún sẽ nhiều hơn bởi kênh xáng Minh Hà cặp tuyến lộ nêu trên đang khô cạn, ông Trí bày tỏ lo lắng và tiết lộ, vào mùa mưa dầm hằng năm, mực nước dưới kênh xáng Minh Hà cao khoảng 4m nhưng hiện còn chừng 0,5m. Với đà nắng gắt, gió mạnh như hiện nay, ông Trí phỏng đoán, đến cuối tháng hai này, kênh sẽ trơ đáy vì cạn nước.

Kênh xáng Minh Hà là tuyến kênh cấp một, cung cấp nước tưới tiêu cho nhiều ấp của vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, thuộc Tiểu vùng III Bắc Cà Mau. Dọc tuyến kênh khô kiệt nêu trên là tuyến lộ Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, nhà đầu tư đã đưa vào vận hành giai đoạn một vào đầu năm 2019 và còn trong thời gian bảo hành. Qua nhiều lần khảo sát thực tế, cơ quan chức năng Cà Mau xác định, dọc tuyến lộ nêu trên hiện có đến bốn vị trí sụp lún, tổng chiều dài 95m. Chỉ tính riêng tại vị trí sụp lún ban đầu, đoạn qua Nông trường 402 (lý trình Km22+055), phạm vi sụp lún hiện đã mở rộng với tổng chiều dài khoảng 30m, lấn sâu tới 5m vào mặt đường, khiến chiều rộng mặt đường hiện chỉ còn chừng 2m.

Để bảo đảm an toàn giao thông, cơ quan chức năng Cà Mau tiến hành rào chắn, cấm biển cảnh báo người đi đường, đồng thời tạm cấm xe lớn lưu thông qua đoạn đường sụp lún, từ cầu Cơi 6 đến Nông trường 402, thuộc giai đoạn 1 tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc kể từ 20 giờ, ngày 6-2, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau, Hồ Hoàn Tất cho biết.

Cũng theo ông Tất, qua nhiều lần khảo sát thực tế, cơ quan chức năng tỉnh nhận định, do kênh xáng Minh Hà, nơi tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc đi qua đã khô cạn, mực nước ngầm dưới nền đường bị hạ thấp. Trong khi đó, khu vực tuyến đường đi qua nền đất yếu, độ rỗng lớn. Tình trạng khô hạn trên đã làm nền đất bị co ngót, kết hợp điều kiện bất lợi là đáy kênh sâu, độ dốc mái kênh lớn dẫn đến mất ổn định, làm sạt lở bờ kênh, kéo theo sụp lún mặt đường.

Ngoài tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, rà soát mới đây từ cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, kể từ đầu tháng hai đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện thêm 13 vị trí sụp lún mới, phương hại kết cấu, làm hư hỏng lộ giao thông nông thôn. Cộng gộp từ đầu mùa khô 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra tổng số 910 vụ sụp lún đất làm hư hỏng đường xá. Trong đó, có bốn điểm sụp lún đường do cấp tỉnh quản lý, còn lại 906 vị trí sụp lún đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 21.499m, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.

Hỏng công trình vì khô hạn

Hạn hán gay gắt kéo dài khiến hệ thống kênh, rạch vùng ngọt của tỉnh Cà Mau lâm vào tình cảnh kiệt quệ, khô cạn nước. Cập nhật của ngành chức năng Cà Mau, đến giữa tháng hai vừa qua, hệ thống các kênh trục vùng ngọt của tỉnh chỉ còn từ 1-1,5m; các tuyến kênh cấp 1 còn từ 0,5-0,8m. Trong khi đó, các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng thì khô cạn, trong khi mùa khô hai năm liền kề trước đó, mực nước trung bình còn từ 1-1,3m.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng Cà Mau, ngoài gây thiếu nước phục vụ sản xuất, gây nên tình trạng sụp lún, phá vỡ kết cấu giao thông…, tình trạng kênh, rạch khô cạn còn tác động xấu hệ thống công trình thủy lợi tại vùng ngọt của Cà Mau.

Vụ rò rỉ mặn qua cống Trùm Thuật Nam vào khuya ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (ngày 14-1) là một thí dụ. Khuya đó, chênh lệch nước quá lớn bên ngoài sông Ông Đốc làm nước mặn chảy lòn qua đáy cống Trùm Thuật Nam (ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời). Rạng sáng hôm sau, khi phát hiện sự việc, nước mặn đã tiến sâu vào con kênh trục trữ nước ngọt của xã Khánh Hải. Cá đồng gặp nước mặn nổi đầu lờ đờ, còn lục bình (loại cây vùng nước ngọt) gặp nước mặn héo úa chết dần chết mòn, chiều dài theo kênh xáng Trùm Thuật ước hơn 4km.

Sự cố trên, đến nay tuy cơ bản đã được khắc phục nhưng cơ quan chức năng Cà Mau vẫn không khỏi lo lắng, phập phồng... Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Cà Mau, chia sẻ, không riêng cống Trùm Thuật Nam mà phần lớn hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt dọc tuyến đê Sông Đốc trên địa bàn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, đa phần được thiết kế theo công nghệ cống vùng thủy triều thấp, khoảng 1,2m. “Do nắng hạn gay gắt, kênh rút nước nhanh chỉ còn khoảng 0,3m, trong khi nước mặn bên ngoài lên cao, chênh lệch mực nước có lúc từ 2-3m, gây áp lực làm nước chảy xoáy, xói lở phần dưới đáy cống. Vị trí xói lở ngày càng khoét rộng hơn phía dưới bản đáy cống gây nên tình trạng mặn xâm nhập vào vùng ngọt”, ông Hoai phân tích.

Trong quá khứ, tình trạng sụp lún từng xảy ra đại trà ở vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau vào mùa khô hạn năm 2016. Năm đó, hạn hán khốc liệt kéo dài khiến phần lớn kênh, rạch vùng ngọt tỉnh Cà Mau khô cạn, giao thông và vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy gần như bị bế tắc. Hệ lụy của việc kênh, rạch không còn nước đã khiến hàng loạt tuyến đường bị sụp lún, hư hỏng nặng. Chỉ từ tháng ba đến giữa tháng 5-2016, trên địa bàn các xã vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời xảy ra hơn 220 vụ sụp lún đất làm hư đường giao thông, cụm tuyến dân cư và công trình thủy lợi. Trong đó, mức độ sụp, lún đất làm hư hại nặng nề về công trình giao thông với tổng chiều dài hơn 40km, tiêu tốn kinh phí khắc phục hàng chục tỷ đồng.

Đề cập vấn nạn hư hỏng lộ vào mùa khô hạn, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, phân tích, điểm chung của những đoạn lộ hư hỏng trong mùa khô đều nằm dọc những kênh, mương, rạch… đã kiệt nước hoặc không còn nước.

“Khi không còn nước sẽ tạo thành vùng rỗng khiến kết cấu các tầng đất phía dưới con lộ dọc kênh khô nước bị yếu. Vì vậy, nền đất sẽ không chịu được sức tải của phương tiện giao thông lớn, cũng như các công trình xây dựng kiên cố trên bề mặt, gây sụp lún làm hư hỏng lộ làng, đường xá”, ông Hùng chia sẻ.

Dự báo tình trạng khô hạn sẽ còn kéo dài và khốc liệt, nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch và sụp lún các tuyến đường giao thông bộ trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát, xem xét đánh giá tình hình sạt lở, sụp lún, có ý kiến tham mưu, chỉ đạo trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian chờ khắc phục, số vụ sụp lún báo về cơ quan chuyên trách tỉnh vẫn tăng lên…

Qua sự cố cống Trùm Thuật Nam, cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành khảo sát toàn bộ hệ thống cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh để tiến hành xử lý, gia cố. Bởi nếu không gia cố kịp thời, tình trạng mực nước chênh lệch quá lớn có thể gây áp lực làm hư hỏng cống ngăn mặn, khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, phá vỡ hệ sinh thái ngọt, đặc biệt là hơn 42 nghìn ha rừng tràm U Minh hạ đang vào cao điểm khô hạn gay gắt, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nhận định.

 

Con kênh dọc tuyến lộ Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, cao điểm hơn 3m nước giờ còn chừng 0,5m.

Chính quyền Cà Mau khảo sát hiện tượng sụp lún làm hư hỏng đường xá ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: