Khô hạn đe dọa hàng vạn ha cây trồng ở Lâm Đồng

Đăng ngày: 09-03-2021 | Lượt xem: 2842
Tại Lâm Đồng, mùa khô hạn kéo dài sẽ khiến 12.000ha cây trồng đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới. Tình hình khô hạn cũng làm 4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, do mùa khô kéo dài nên nguy cơ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt ở địa phương là rất cao.

 Hiện nhiều hồ thủy lợi ở các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng rơi vào tình trạng bị bồi lấp, giảm dung tích. Tính đến đầu tháng 3/2021, mực nước tại các hồ của thành phố Đà Lạt như: Cầu Cháy, Lộc Quý, Tà Nung, Đa Quý đều xuống thấp, không thể đảm bảo đủ nước tưới nếu mùa khô kéo dài.

Hồ Đan Kia (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) trơ đáy vào mùa khô năm 2020. Ảnh: Minh Hậu.

 

Hồ Đan Kia (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) trơ đáy vào mùa khô năm 2020. Ảnh: Minh Hậu.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, lượng nước ở các công trình này xuống thấp và nhiều khả năng khoảng 160ha đất nông nghiệp sẽ thiếu nước tưới, 200 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Trong khi đó, mùa khô hạn kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng sản xuất nông nghiệp tại huyện Lâm Hà. Hiện nay, huyện này có khoảng 3.000ha đất sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới.

Theo con số đánh giá cụ thể của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, các xã như: Tân Thanh, Đan Phượng, Gia Lâm, Phú Sơn (huyện Lâm Hà) có diện tích bị ảnh hưởng từ 250ha đến 1.000ha. Mùa khô kéo dài cũng khiến 1.500 hộ dân của huyện Lâm Hà thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, mùa khô hạn kéo dài cũng khiến 3.000ha đất nông nghiệp tại huyện Di Linh thiếu nước tưới và hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Mùa khô hạn kéo dài sẽ khiến 12 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp Lâm Đồng bị ảnh hưởng. Ảnh: Minh Hậu.

 

Mùa khô hạn kéo dài sẽ khiến 12 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp Lâm Đồng bị ảnh hưởng. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, dự báo, hàng nghìn ha đất nông nghiệp tại các địa phương khác như thành phố Bảo Lộc, huyện Đam Rông, huyện Lạc Dương… cũng bị ảnh hưởng, thiếu nước tưới.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, mùa khô kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất ở địa phương với khoảng 12.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng và khiến trên 4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Để ứng phó với thời tiết khô hạn kéo dài, ngành nông nghiệp đã lên nhiều phương án. Trong đó bao gồm bố trí tái cơ cấu sản xuất cây trồng, tập trung phát triển các loại cây trồng chịu hạn. Đồng thời tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tăng cường hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm.

Ngành nông nghiệp địa phương cũng lên phương án ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước phục vụ chăn nuôi gia súc và ưu tiên tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao khi khô hạn kéo dài.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng La Nina kéo dài từ cuối năm 2020 sẽ còn duy trì với xác suất khoảng 95%.

Bởi vậy, từ tháng 1 đến tháng 5/2021, dòng chảy trên các sông suối phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%.

Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng: Mùa khô năm 2021 sẽ có lượng mưa ở mức bằng và cao hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng xuất hiện mưa trái mùa kèm theo các hiện tượng nguy hiểm như dông, lốc vào các tháng 3,4 và 5.

Thời kỳ từ cuối tháng 12/2020 đến giữa tháng 6/2021, lưu lượng dòng chảy trên sông La Ngà sẽ giảm và đạt mức 95%-98% so với trung bình nhiều năm, lưu lượng trên sông Cam Ly sẽ tăng lên và đạt mức 120 đến 140% so với trung bình nhiều năm.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: