Khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa bão

Đăng ngày: 05-10-2022 | Lượt xem: 2802
Do ảnh hưởng của bão số 4 (bão Noru) kết hợp với rìa Tây nam áp cao lạnh lục địa, rìa Bắc của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung bộ, trên cao áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây nên từ ngày 27-9 đến ngày 2-10-2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và có nơi mưa rất to, đã làm cho một số diện cây trồng vụ thu mùa và vụ đông bị ngập úng.

Nông dân huyện Triệu Sơn gieo giống ngô vụ đông

Nông dân huyện Triệu Sơn gieo giống ngô vụ đông

Để khắc phục thiệt hại, khôi phục và ổn định sản xuất sau ảnh hưởng của mưa bão, trên cơ sở kiểm tra thực tế tại các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 4120//SNN&PTNT-TT&BVTV về việc khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của mưa bão. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

Đối với thu hoạch lúa và cây trồng vụ thu mùa 2022: Tranh thủ thời tiết tạnh ráo giữa các đợt mưa, huy động mọi lực lượng, máy móc tranh thủ thu hoạch, hướng dẫn nông dân dàn mỏng, quạt khô, tổ chức sấy tập trung ở những nơi có lò sấy (tại các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn) nhằm bảo vệ sản lượng và chất lượng nông sản. Với diện tích lúa chưa đến thời điểm thu hoạch bị đổ ngã, cần khẩn trương dựng lúa, cột thành bó để tránh hạt lúa bị ngâm nước, chỉ đạo tiêu nhanh nước trên ruộng bằng các giải pháp cả công trình và thủ công.

Nông dân xã Định Tân (Yên Định) chăm sóc cây trồng vụ đông.
Nông dân xã Định Tân (Yên Định) chăm sóc cây trồng vụ đông.

Đối với sản xuất vụ đông: Diện tích thiệt hại trên 50%, tùy theo trường hợp có thể phá bỏ trồng lại, chắm dặm hoặc chuyển sang trồng cây trồng khác phù hợp với đất đai, thời vụ sản xuất; tổ chức tốt việc cung ứng giống, vất tư cho Nhân dân khôi phục sản xuất sau mưa, lũ. Những diện tích cây trồng thiệt hại dưới 50% cần khẩn trương tiêu kiệt nước mặt ruộng, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm sinh học,... cho cây trồng phục hồi nhanh đồng thời tiến hành chắm dặm đảm bảo mật độ; khi đất khô ráo thực hiện xới xáo, phá váng, vun gốc kịp thời tránh bị nghẹt rễ,...; quan tâm phòng trừ các đối tượng sâu bệnh, nhất là bệnh huyết dụ trên ngô, bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ trên bí, ớt, dưa chuột, hành tỏi, cà chua,...

Đối với cây, con trong vườn ươm, thực hiện các biện pháp chăm sóc kết hợp bổ sung bùn loãng tưới lên mặt bầu, bánh như (ngô bầu, ngô bánh, cây ớt, cà chua...), sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón qua lá để cây con sinh trưởng tốt đảm bảo tiêu chuẩn trước khi đưa ra trồng ngoài đồng ruộng khi điều kiện thuận lợi.

Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm: Tập trung thu hoạch nhanh, gọn đối với loại quả đã đến thời kỳ thu hoạch; đồng thời chỉ đạo người dân tiến hành tỉa tán, dọn vệ sinh. Sau mưa, lũ, ngập úng cần khẩn trương đào mương ở các mặt luống để thoát nước; xới xáo, phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây. Đồng thời, chủ động nguồn giống, vật tư để tiến hành trồng dặm hoặc trồng tái canh các diện tích bị thiệt hại.

Riêng đối với cây mía nguyên liệu, hiện nay đang trong thời kỳ vươn lóng và chuẩn bị sang giai đoạn mía chín, để nâng cao năng suất và chữ đường, cần tập trung khơi thông dòng chảy, không để ruộng mía bị ứ đọng nước; khi cây mía phục hồi, tiến hành chăm sóc bổ sung dinh dưỡng nhất là phân kali, và phòng trừ sâu bệnh đảm bảo cây mía sinh trưởng, phát triển tốt.

Cùng với đó, các địa phương cần phân công cán bộ kỹ thuật bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc, khôi phục sản xuất.

Lê Thanh

http://baothanhhoa.vn/kinh-te/khac-phuc-thiet-hai-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-mua-bao/169798.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: