Khắc phục thiệt hại do mưa lũ bất thường tại miền trung

Đăng ngày: 06-04-2022 | Lượt xem: 3180
Đợt mưa dị thường, trái mùa những ngày vừa qua đã làm nhiều tỉnh khu vực miền trung bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hiện, các địa phương đang huy động tổng lực để hỗ trợ người dân khắc phục, gia cố đê bao, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Hàng trăm cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng người dân tham gia trục vớt tàu cá bị sóng biển đánh chìm, mắc cạn tại vùng biển Tuy An. (Ảnh TRÌNH KẾ)

Diễn biến thời tiết bất thường, mưa lớn trái mùa gây ra nhiều thiệt hại trên diện rộng, nhất là diện tích sản xuất vụ đông xuân. Dưới sự chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các địa phương đã kịp thời, không bị động; triển khai các giải pháp, phương án khắc phục hậu quả.

Nguy cơ mất trắng vụ đông xuân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, đợt lũ lớn trái mùa từ ngày 31/3 đến nay, khoảng 20.800 ha diện tích lúa bị ngập úng, cùng diện tích rau, hoa màu tại nhiều địa phương có nguy cơ mất trắng. Trong đó, ước tính diện tích lúa bị ảnh hưởng hơn 70% là khoảng 17.700 ha, diện tích bị ảnh hưởng từ 30-70% là hơn 3.000 ha.

Với hoa màu, các loại cây trồng khác, diện tích ngập úng là hơn 2.300 ha. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 966 tỷ đồng; trong đó, ảnh hưởng nặng nhất là lĩnh vực nông nghiệp với hơn 935 tỷ đồng, còn lại là các lĩnh vực thủy lợi, giao thông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho rằng, đây là đợt mưa có lưu lượng và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng, gây ra đợt lũ trên diện rộng thuộc khu vực sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Nong, sông Truồi…

Hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp (từ +0,3m đến 1,0m). Nhiều đoạn đê đầu tư xây dựng từ quá lâu, xuống cấp, nên khi mực nước lên cao, dòng chảy trên sông lớn tràn qua mặt đê. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm tổ chức tiêu úng ngay sau khi nước rút để cứu lúa, hoa màu.

Tại Quảng Bình, đợt mưa lớn bất thường vừa qua gây ngập úng gần 6.200 ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng, gần 543 ha hoa màu các loại, hơn 900 ha lúa-cá. Tổng thiệt hại toàn tỉnh là gần 131 tỷ đồng. Đến xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) - nơi có diện tích lúa bị ngập úng khá lớn, Chủ tịch UBND xã Phạm Minh Huấn cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn, địa phương có hơn 720 ha lúa bị ngập sâu, trong đó có hơn 100 ha trồng lúa vừa thả cá, 59 ha hoa màu bị hư hại. Ông Phạm Nam, ở xã Hồng Thủy cho biết:

“Đông xuân là vụ chính trong năm của nông dân, vào đầu tháng 4, cây lúa đang làm đòng, chuẩn bị trổ thì gặp mưa lớn bất thường, nước ngâm dài ngày thì chết hết. Bây giờ mà gieo lại cũng không kịp thời gian vì sắp tới còn vụ hè thu, rồi mùa mưa bão từ tháng 9 hằng năm”.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, đến ngày 5/4, đợt mưa lũ bất thường gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng. Mưa lũ khiến một người chết; hơn 10.550 ha lúa đông xuân và hơn 3.150 ha cây trồng các loại như sắn, ngô, đậu, rau màu bị ngập úng, đổ ngã; ba nhà dân bị tốc mái và hơn 800 ngôi nhà bị ngập nước từ 0,1 đến 0,3 m, tập trung chủ yếu ở huyện Hải Lăng, nhất là các xã ven sông Ô Lâu.

Hiện tại, các đoạn đường bị sạt lở do mưa lũ gây ra ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đã được thông tuyến nhằm phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội cũng như cuộc sống người dân.

Tại tỉnh Phú Yên, giông lốc, mưa lớn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, UBND tỉnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân địa phương, cùng đông đảo bà con nhân dân tại chỗ hỗ trợ khắc phục.

Công việc chủ yếu là giúp ngư dân tìm kiếm, trục vớt tàu thuyền, ngư lưới cụ, lồng bè ven biển bị sóng gió đánh chìm, cuốn trôi, vùi lấp; đến nay đã hỗ trợ người dân trục vớt được 86/117 chiếc.

Chủ động ứng phó với thời tiết bất thường

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đình Đức, đến thời điểm này, cây lúa đã ngâm trong nước đến ngày thứ năm, cho nên vấn đề bảo đảm mùa vụ là rất khó khăn.

Với hơn hai phần ba diện tích lúa toàn tỉnh bị ngập, công tác tiêu úng, thoát nước nhanh nhằm cứu lúa được triển khai trong nhiều ngày nay, nhưng không dễ dàng. Hiện nay, các địa phương cần nỗ lực, tập trung cao nhất đối với những diện tích có thể tiêu úng nhanh, nhất là diện tích cây lúa bị ảnh hưởng từ 30-70%, nhằm giảm thiệt hại cho bà con nông dân.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các địa phương, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm tổ chức tiêu úng ngay sau khi nước rút để cứu lúa. Đồng thời, các địa phương đang kiểm tra, thống kê cụ thể mức độ thiệt hại và bàn biện pháp khắc phục, nhất là đối với các công trình đê bao nội đồng, các cống qua đê để lập kế hoạch sửa chữa kịp thời nhằm cấp nước phục vụ sản xuất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh:

“Chúng tôi sẽ có những giải pháp, tập trung tiêu úng, giảm thiệt hại cho người dân trong mùa vụ này. Trong thời gian tới, tỉnh kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường xây dựng các hồ chứa, nhất là vùng phía tây sông Ô Lâu để giải quyết vấn đề ngập lụt cũng như thiếu nước tưới, sản xuất ở hai huyện Phong Điền và Quảng Điền. Tỉnh cũng sẽ tính lại bài toán chuyển đổi cây trồng cho vùng lúa của các huyện vùng thấp trũng Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang…”.

Nhằm chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã yêu cầu các đơn vị, chính quyền địa phương tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa lũ bất thường, sớm ổn định sản xuất, đời sống người dân. Yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, trang, thiết bị để triển khai gia cố tôn cao bờ đê bao ngăn lũ nhằm bảo vệ diện tích cây trồng chưa bị ngập; khắc phục tạm thời các tuyến kênh mương nội đồng bị hư hỏng để phục hồi sản xuất; chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của địa phương để tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ theo đúng quy định; bảo đảm không để người dân bị thiếu đói.

Hàng nghìn héc-ta lúa tại huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) bị nước ngập sâu kéo dài trong nhiều ngày, nguy cơ mất trắng vụ đông xuân. (Ảnh CÔNG HẬU)

Các địa phương tại Quảng Bình đã huy động nhân lực, vật lực để gia cố đê bao, khai thác tối đa công suất của các trạm bơm điện, bổ sung thêm máy bơm dầu để tiêu úng thoát nước nhanh những diện tích đang bị ngập, không để ruộng lúa bị ngâm lâu ngày gây thiệt hại lớn do cây lúa đang thời kỳ làm đòng, chuẩn bị trổ và hạn chế mầm gây bệnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho biết, dù hết mưa nhưng lũ trên sông ở Lệ Thủy rút khá chậm, gây nhiều khó khăn cho công tác chống úng.

Huyện chỉ đạo các xã ưu tiên cứu các diện tích ngập nhẹ để cây lúa có điều kiện sinh trưởng nhanh trở lại; các diện tích ngập nặng thì tiếp tục tôn cao đê bao và lắp thêm hệ thống máy bơm dã chiến để bơm nước. Riêng một số diện tích ngập quá sâu và ngâm lâu, có nguy cơ mất trắng thì nghiên cứu để chuyển đổi hoặc bơm rút hết nước trong vài ba ngày tới, rồi hỗ trợ, động viên người dân gieo lại giống lúa ngắn ngày.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, UBND tỉnh sẽ làm việc với các ngân hàng, có giải pháp về nguồn vốn nhằm tạo ra khả năng phục hồi và phát triển sinh kế đối với người dân như xem xét các quy định của Nhà nước để thực hiện việc cho vay, khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân. Mặt khác ngành nông nghiệp và các địa phương cần đẩy nhanh việc quy hoạch, cơ cấu lại vùng nuôi, vật liệu nuôi trồng thủy sản cho phù hợp để bảo đảm an toàn và có khả năng chống chịu với những diễn biến thất thường của thiên tai hằng năm.

Tỉnh Phú Yên cũng chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác để hỗ trợ sửa chữa nhà ở người dân, xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà bị sập, trôi; sửa chữa, khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân như các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông trong khu dân cư, thủy lợi,... nhằm bảo đảm sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường; tổ chức tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt… Các đơn vị quân sự, công an, biên phòng đã triển khai huy động lực lượng, phương tiện và các trang, thiết bị tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái mùa gây ra tại các tỉnh miền trung, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đã đề nghị hai tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị khẩn trương chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là các diện tích lúa còn lại; tiến hành cắt điện ở những nơi còn bị ngập sâu và có cảnh báo để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ sửa chữa hư hỏng, sự cố công trình phòng, chống thiên tai, nhất là các công trình trọng điểm đê, hồ đập xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ; di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai...; chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó các loại hình thiên tai cho người dân.

NHÓM PVTT MIỀN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/khac-phuc-thiet-hai-do-mua-lu-bat-thuong-tai-mien-trung-692106/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: