Khẩn cấp chỉ đạo ứng phó với bão số 8

Đăng ngày: 17-11-2018 | Lượt xem: 665
(TN&MT) - Tối 17/11, trước tình hình áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã ra công điện số 56 /CĐ-TW nhằm ứng phó với...

Công điện gửi đến Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố từ Bình Định đến  Kiên Giang;Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải.

Khẩn cấp chỉ đạo ứng phó bão số 8

Ảnh chụp vệ tinh Bão số 8 (bão Toraji)

Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, chiều tối ngày ngày 17/11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (Bão số 8). Hồi 18h00, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 240 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km. Từ đêm 17/11 đến ngày 19/11 ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông; trên các sông ở khu vực Nam Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông ở Bình Định, Phú Yên dưới BĐ1, các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận ở mức BĐ1-BĐ2. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp độ 3.

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, Ban Chỉ đạo TWPCTT - Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương và Bộ, ngành tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

Đối với khu vực trên biển và ven bờ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) được xác định từ vĩ tuyến 9,0 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông (khu vực nguy hiểm được điều chỉnh theo diễn biến của bão tại các bản tin của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia).

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến, nhất là các khu vực neo đậu quanh các đảo, các hoạt động kinh tế trên biển và ven bờ để đảm bảo an toàn về người và tài sản, đặc biệt là đối với khách du lịch trên biển và trên các đảo.

Đối với khu vực đất liền: Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với mưa lũ, ngập úng, dông lốc, sạt lở đất; chủ động triển khai phương án sẵn sàng ứng phó theo “phương châm 4 tại chỗ”.

Chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị.

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn giao thông.

Kiểm tra phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt, chia cắt và các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng triển khai thực hiện.

Kiểm tra việc vận hành các hồ chứa để đảm an toàn công trình và vùng hạ du, đồng thời chủ động tích nước theo quy trình. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ, trao đổi với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực để tạo điều kiện cho tầu thuyền của ngư dân vào tránh trú tại các đảo khi có nhu cầu.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông  tin đại  chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão, mưa lớn diện rộng đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo TWPCTT và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: