Huy động lực lượng tưới nước chống hạn cho cây rừng

Đăng ngày: 14-03-2024 | Lượt xem: 1408
Thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hanh kéo dài đã khiến cho nhiều cây rừng trên địa bàn Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) khô lá và chết do thiếu nước. Đơn vị chủ rừng đang nỗ lực huy động lực lượng tham gia tưới nước chống hạn cho cây rừng.

Hàng loạt cây keo lai khoảng 4 năm tuổi trên địa bàn Phân trường Gia Phu (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) lần lượt khô lá và chết. Ảnh: THÀNH NHÂN

* Nhiều cây rừng chết vì nắng nóng

Khác với những năm trước, trên địa bàn huyện Xuân Lộc trong nhiều tháng qua đã không xuất hiện những cơn mưa trái mùa. Thời tiết liên tục nắng nóng, khô hanh kéo dài đã khiến cho rất nhiều cây gỗ lớn có độ tuổi từ 1-3 năm trên địa bàn Phân trường Gia Huynh (thuộc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc) lần lượt chết khô.

Phân trường trưởng Phân trường Gia Huynh Trần Đăng Quý cho biết, lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc và Phân trường Gia Huynh đã sớm tổ chức các cuộc họp bàn giải pháp khắc phục tình trạng trên để hạn chế mức thiệt hại thấp nhất có thể cho rừng.

“Chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều chi phí, công sức để trồng và chăm sóc cây rừng trong thời gian qua. Vì vậy, khi thấy cây rừng chết khô, chúng tôi không đành lòng, phải nỗ lực tìm cách cứu sống cây trong cao điểm nắng nóng” - ông Quý chia sẻ.

Hơn một tháng nay, ông Quý đã cùng với đội ngũ nhân viên thực hiện phương án lấy nước tưới chống hạn cho cây rừng. Cụ thể, hàng ngày, đơn vị đã sử dụng phương tiện máy cày (có gắn bồn chứa nước) đi lấy nước tại các ao, hồ, giếng khoan trên địa bàn rồi chở đến các khu vực rừng khô héo lá để tưới nước chống hạn cho cây. Việc làm này gặp nhiều trở ngại vì đoạn đường từ điểm lấy nước đến khu vực rừng khô hạn cách xa khoảng 3-4km. Trong rừng chủ yếu là đường đất, nhiều đoạn ngoằn ngoèo, lắm đồi nhiều dốc khiến việc đi lại rất khó khăn.

“Thời tiết nắng gắt, khô hanh khiến cho nước bốc hơi nhanh. Do đó, chúng tôi phải xoay vòng tưới nước liên tục cho cây, cứ tưới xong lô cây này rồi chuyển qua lô khác, sau đó quay lại tưới tiếp. Đồng thời, chúng tôi mua rơm của người dân đem về phủ xung quanh gốc cây nhằm tạo độ ẩm và hạn chế thoát hơi nước. Cách làm này đã giúp cho cây rừng dần phục hồi và bắt đầu mọc ra nhiều chồi xanh” - ông Quý bộc bạch.

Cũng theo ông Quý, việc tưới nước chống hạn cho cây rừng chỉ áp dụng cho một số khu vực nhất định, vì có những nơi nằm xa điểm lấy nước và địa hình hiểm trở nên xe chở nước không thể vào tận nơi... Do đó, một số khu vực rừng trên địa bàn Phân trường Gia Huynh xảy ra tình trạng cây khô lá và chết.

Tương tự, rất nhiều cây keo lai tại một số khu vực rừng trên địa bàn Phân trường Gia Phu bị khô lá và chết. Mặc dù đây đều là những cây trồng được 4 năm tuổi, đã lớn và có sức đề kháng tốt, nhưng vẫn không sống nổi do thời tiết quá khắc nghiệt.

Phó giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc Tô Thế Mạnh cho hay, đơn vị đã có báo cáo về tình trạng cây rừng khô chết với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, chính quyền địa phương…; đồng thời, tiếp tục theo dõi tình trạng cây rừng trong thời gian tới. Đối với những khu vực mà trong khả năng của đơn vị có thể ứng cứu được thì sẽ tiếp tục thực hiện phương án tưới nước nhằm hạn chế mức thiệt hại thấp nhất cho rừng.

“BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đang chịu nhiều áp lực. Hiện mới là thời điểm đầu của cao điểm mùa khô. Tình trạng nắng nóng, khô hanh còn kéo dài trong nhiều tháng tới nên các ao, hồ, giếng khoan trên địa bàn đơn vị quản lý sẽ khô cạn dần; việc lấy nước tưới cứu cây rừng sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn” - ông Mạnh chia sẻ.

BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc được giao quản lý diện tích trên 10,3 ngàn hécta; trong đó có hơn 10 ngàn hécta thuộc địa phận huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) và trên 343 hécta thuộc địa phận các huyện: Tánh Linh và Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận).

* Nỗ lực bảo vệ rừng

Toàn tỉnh nói chung, khu vực huyện Xuân Lộc nói riêng đang vào cao điểm mùa khô và nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở mức cao nhất (cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm). Do vậy, cùng với việc tưới nước cứu cây, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc còn nỗ lực thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.

Phó giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc Tô Thế Mạnh cho biết, chế độ trực, tuần tra, kiểm tra canh phòng lửa rừng được đơn vị triển khai thực hiện ngay từ đầu mùa khô kết hợp với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các phân trường đều bố trí trực chòi canh và bố trí nhân viên bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát người ra - vào rừng.

Bên cạnh đó, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân sinh sống trong lâm phận về việc chấp hành tốt các quy định phòng cháy, chữa cháy rừng, không sử dụng lửa tùy tiện làm ảnh hưởng đến rừng; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, dụng cụ thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống cháy; đôn đốc, nhắc nhở việc xử lý thực bì vì lá rừng đang khô rụng rất nhiều; chuẩn bị đầy đủ các điểm lấy nước, sẵn sàng cho công tác chữa cháy khi có sự cố xảy ra...

“Mặc dù công việc rất nhiều và rất áp lực nhưng chúng tôi đã cố gắng phân công lực lượng tăng cường làm nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm cho đảm bảo. Đến thời điểm này, công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng, chống cháy rừng vẫn đang trong tầm kiểm soát và chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn” - ông Mạnh chia sẻ.

Theo kết quả rà soát của BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, tính đến ngày 6-3-2024, trên địa bàn đơn vị phụ trách đã có hơn 4 ngàn cây gỗ lớn và 2,61 hécta cây keo lai bị chết do nắng nóng kéo dài. Đơn vị vẫn đang tiếp tục thực hiện phương án tưới nước chống hạn cho cây rừng.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/huy-dong-luc-luong-tuoi-nuoc-chong-han-cho-cay-rung-9c058a2/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: