Dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm “liều thuốc” giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế xã hội
Đăng ngày: 28-02-2021 | Lượt xem: 3285
Biến đổi khí hậu đang là là thách thức lớn cho quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới. Dưới biểu hiện của Biến đổi khí hậu các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều trái quy luật và khó dự đoán. Bằng chứng là những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến nhiều những trận lũ lụt, nắng nóng, siêu bão xảy ra trên toàn thế giới, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội.
Gần đây nhất là năm 2020 với nhiều thiên tai diễn ra khốc liệt, dị thường và không theo quy luật, ngay những tháng đầu năm đã xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan là dông, lốc, mưa đá, … tiếp đó là tình trạng khô hạn, thiếu nước tại các tỉnh miền trung và xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Bộ, cụ thể từ tháng 4 - 5, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục xuống và ở mức thấp, trên một số sông suối có xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ từ 15 - 70%, một số sông thiếu hụt trên 70%, ngoài ra do ảnh hưởng nắng nóng lâu ngày diễn ra diện rộng nên nền nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn rất nhiều so với TBNN. Đặc biệt, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, trong gần hai tháng, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6 - 7giờ; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.
Bài toán đặt ra cho toàn ngành khí tượng thủy văn là phải làm sao dự báo, cảnh báo sớm đưa ra những nhận định trong tương lai gần một cách chính xác các hiện tượng thời tiết nguy hiểm để giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản cho người dân, bởi những hiện tượng thời tiết này có quy mô rất rộng lớn về không gian và có sự tương tác lẫn nhau cũng như diễn biến xảy ra nhanh đôi khi chỉ là vài giờ từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc (dông, tố, lốc,…).
Để đưa ra được những bản tin dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) không hề đơn giản dựa trên các trường hay phân tích mô hình toàn cầu, mà đòi hỏi ngành KTTV phải thực hiện bài bản, nghiêm túc theo quy tắc của ngành cũng như Tổ chức Khí tượng thế giới. Trong đó, yêu cầu khi làm dự báo phải tuân thủ, tôn trọng khoa học, phải dựa trên những cơ sở khoa học chắc chắn, từ quan trắc, tính toán mô hình, phân tích đến khả năng tác động để đưa ra thông tin phù hợp giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cấp chính quyền địa phương có hướng dẫn, ra phương án ứng phó phù hợp.
Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy phạm trong công tác dự báo từ phân tích xử lý số liệu, so sánh đánh giá các phương án dự báo khác nhau, sau đó thảo luận các nhóm đưa ra kết quả, nhận định cuối cùng, chốt bản tin gửi các cơ quan, ban ngành liên quan phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam với chức năng nhiệm vụ là điều tra cơ bản và dự báo, cảnh báo thiên tai. Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, những năm gần đây Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ đã được đầu tư mạng lưới trạm KTTV tự động, ra đa thời tiết thế hệ mới, định vị sét, đầu camera quan sát trực tiếp hình ảnh trạng thái thời tiết thủy văn nguy hiểm tăng cường tần suất kiểm soát thiên tai KTTV phục vụ nâng cao chất lượng bản tin dự báo.Đặc biệt hiện nay trong quá trình nghiệp vụ dự báo, được sự hợp tác, tài trợ và chuyển giao công nghệ dự báo của Phần Lan, hệ thống Smatmet được đưa vào trong công tác dự báo đã giúp nâng cao chất lượng trong công tác dự báo.
Dự báo viên phòng dự báo tác nghiệp dự báo trên hệ thống Smatmet
(Nguồn ảnh: Đài phát thanh truyền hình tỉnh Khánh Hòa)
Nhìn chung trong công tác phòng chống thiên tai, thì việc cảnh báo sớm thiên tai là một điều hết sức quan trọng, nó giúp cho các ban ngành có những kế hoạch cụ thể để toàn hệ thống chính trị vào cuộc nhằm giảm tối thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đài KTTV Nam Trung Bộ- Tạp chí KTTV