Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn: Sớm hơn, chi tiết hơn, tin cậy hơn

Đăng ngày: 02-01-2024 | Lượt xem: 1430
(TN&MT) - Ngành khí tượng thủy văn (KTTV) những năm gần đây đã ghi nhận bước phát triển mang tính quyết định, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước bối cảnh dự báo tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường, thời gian tới, đặc biệt là năm 2024, ngành KTTV sẽ tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Dự báo, cảnh báo KTTV theo hướng số hóa, trực quan hơn

Trải qua năm 2023 nhiều biến động, ngành KTTV đã gặp những thách thức về thiên tai, mô hình tổ chức, tài chính, nguồn nhân lực,... Tuy nhiên, mọi hoạt động của ngành vẫn thông suốt, công tác dự báo, cảnh báo KTTV trong năm qua hoạt động ổn định, bản tin được cung cấp nhanh chóng, kịp thời, công tác nghiên cứu triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ được giao.

Dự báo, cảnh báo KTTV có ý nghĩa quan trọng trong giảm nhẹ thiệt hại thiên tai

Tổng cục KTTV đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình KTTV trên phạm vi cả nước. Tính đến ngày 16/12/2023, Trung tâm đã theo dõi và dự báo 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, trong đó, cơn bão số 1 và áp thấp nhiệt đới tháng 9 ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; 21 đợt không khí lạnh; 20 đợt nắng nóng; 21 đợt mưa lớn trên diện rộng; 13 đợt lũ trên phạm vi cả nước.

Trung tâm cũng theo dõi, dự báo mực nước và dòng chảy các sông trên toàn quốc, đáp ứng yêu cầu phát điện và chỉ đạo điều hành liên hồ chứa phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2022 - 2023; theo dõi, dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, triều cường, gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng trên các khu vực biển ngoài khơi và ven bờ; thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ khai thác, vận hành và phòng, chống thiên tai cho các lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường, dự báo năm 2024, tình hình thiên tai sẽ phức tạp, diễn biến bất thường dưới tác động của El Nino (nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lớn, bão tuy có thể ít nhưng cường độ mạnh và trái quy luật). Bên cạnh đó, yêu cầu của xã hội đặt ra ngày càng cao về thông tin dự báo, cảnh báo KTTV theo hướng số hóa, chi tiết và trực quan. Hơn nữa, quản lý tài chính chặt chẽ, nguồn lực cho phát triển rất hạn chế. Đặc biệt, đòi hỏi cao về sự phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia cần chặt chẽ và trách nhiệm hơn.

Đối diện với những thách thức này, ngành KTTV xác định, cần chủ động đổi mới phương pháp làm việc từ công tác quản lý đến vận hành hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV, với phương châm chủ đạo: Sớm hơn, chi tiết hơn, tin cậy hơn; đặc biệt cần thêm: số hóa hơn, trực quan hơn.

Cụ thể, tuân thủ nghiêm các quy định về dự báo, cảnh báo KTTV; tăng cường theo dõi chặt chẽ các hiện tượng KTTV, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm; thường xuyên tổ chức trao đổi, phân tích chuyên sâu về các trường hợp dự báo bão, mưa, lũ… khó, phức tạp để đúc kết thành những bài học, kinh nghiệm thực tiễn, giúp những lần dự báo sau đạt kết quả tốt hơn.

Ngành tiếp tục triển khai hoàn thiện, hoàn chỉnh các quy trình dự báo thiên tai nguy hiểm, nhất là với các loại bản tin như bão/áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, trượt lở đất; tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; khai thác tối đa các nguồn thông tin như vệ tinh, radar, đo mưa tự động và các thông tin dự báo, đặc biệt là của mô hình khu vực độ phân giải cao để đưa ra các cảnh báo sớm, kịp thời và có độ tin cậy cao đối với các loại hình thiên tai.

Các đơn vị trong Tổng cục KTTV cần tăng cường phối hợp để đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu dùng chung (CDH) trong nghiệp vụ; ứng dụng khoa học, các công nghệ mới, hiện đại trong dự báo, cảnh báo KTTV, nhất là hệ thống SmartMet...

Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số ngành KTTV

Xác định chuyển đổi số là chìa khóa của thành công, trong suốt những năm qua, ngành KTTV đã luôn nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong đó phải kể đến Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á. Do vậy, ngành KTTV xác định đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đây là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công trong dự báo, cảnh báo thiên tai, phục vụ đời sống cộng đồng dân cư, vươn tầm khu vực, khẳng định vai trò, vị thế của ngành KTTV Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngành KTTV luôn nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số

Không những thế, Tổng cục KTTV đã và đang thực hiện nghiên cứu, từng bước ứng dụng các công nghệ cao và chuyển đổi số trong hoạt động quan trắc, thu thập, lưu trữ thông tin, dữ liệu và dự báo, cảnh báo KTTV. Điển hình như việc xây dựng hệ thống CDH, xây dựng hệ thống hỗ trợ dự báo SmartMet để tạo ra các bản tin dự báo điểm,...

Đặc biệt phải kể đến việc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã ứng dụng công nghệ WEB-GIS để tạo ra các bản tin cảnh báo cho Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á, hay việc thiết lập bổ sung các dự báo điểm và cho phép lựa chọn linh hoạt trên nền tảng web cho lãnh thổ nước Lào trong phạm vi của Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Lào từ năm 2021 đến nay.

Để hành trình chuyển đổi số tiếp tục được thực hiện một cách mạnh mẽ và chuyên nghiệp, Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Đức Cường cho biết, tới đây, ngành KTTV sẽ đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện KTTV theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hoàn thiện phương pháp, quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, cơ sở dữ liệu liên thông cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dữ liệu KTTV, đặc biệt là thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng KTTV nguy hiểm, bất thường với độ tin cậy, chính xác cao.

Tổng cục KTTV sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn theo Quyết định số 705/QĐ-TTg.

Ngành cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” nhằm tăng cường năng lực cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là thiên tai về lũ quét, sạt lở đất, đá.

Ngoài ra, Tổng cục sẽ xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực dự báo, đánh giá tác động và các giải pháp phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ” nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị để phát triển bền vững vùng.

Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/du-bao-canh-bao-khi-tuong-thuy-van-som-hon-chi-tiet-hon-tin-cay-hon-368637.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan:

EMC Đã kết nối EMC