Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với hạn, mặn khốc liệt

Đăng ngày: 19-02-2020 | Lượt xem: 6174
Hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng trọng tại các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dự báo sẽ còn khốc liệt hơn mùa khô 2015-2016. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 11 đến 15-2-2020, xuất hiện xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long.

* Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại ĐBSCL

Hầu như năm nào các tỉnh ĐBSCL cũng xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn. Mùa khô năm 2015-2016, 10/13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL đã phải công bố thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn. Tổng thiệt hại lên đến 7.900 tỷ đồng. Trong mùa khô 2020 hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo sẽ khốc liệt hơn nhiều.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mùa khô năm nay, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm hơn so với năm 2015, ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục tăng cao, khả năng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong khi đó, mùa mưa 2019 trên lưu vực sông Mê Công lại xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm, tổng lượng dòng chảy năm ở mức thấp. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, hiện đang ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Do đó, cùng với xâm nhập mặn, ĐBSCL đồng thời sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ giữa tháng 12-2019, trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 4g/l đã vào sâu 50km, trên sông Tiền đã vào ba nhánh sông chính của tỉnh Bến Tre gần 60km, trên sông Hậu xâm nhập khoảng 50km. Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm nay có mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất sẽ tập trung vào tháng 1 và 2, riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3-2020. Theo đó, từ tháng 1, 2 và đến giữa tháng 3-2020, ranh mặn 4g/l sẽ xâm nhập sâu vào đất liền 55-110km, cao hơn từ 3-7km so với năm hạn mặn lịch sử.

han-han-dong-bang-song-cua-long-1-w1200-h768.jpg

Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại ĐBSCL

Xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh của ĐBSCL, bao gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang.. Dự báo, có khoảng 332.000 ha lúa bị thiếu nước, khoảng 136.000ha cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng. Riêng đối với nước sinh hoạt, dự báo trong thời gian tiếp theo của mùa khô, sẽ có khoảng 158.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre sẽ là hai địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra.

Nhận định về tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 tại Nam Bộ, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng Phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia) cho biết, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016. Độ mặn trên các sông Nam Bộ có xu thế tăng dần, bên cạnh đó thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung vào tháng 2-2020, đặc biệt vào thời kỳ từ ngày 11 đến ngày 15-2; các sông Vàm Cỏ, sông Cái vào tháng 3.

* Tích cực ứng phó

Để giảm thiểu cá thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị 04/CT-TTg về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp; điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, xem xét lùi thời vụ, chuyển đổi sản xuất nếu nguồn nước không bảo đảm; chủ động tích trữ nước để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước…

Thủ tướng Chính giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo chuyên ngành, đánh giá nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng vùng, kịp thời thông tin, cảnh báo cho các địa phương biết để chỉ đạo và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương thực hiện kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng…

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi, tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tổ chức điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa và các hoạt động khai thác, sử dụng nước nhằm phục vụ việc điều hòa, phân bổ nguồn nước theo quy định và hoàn thiện hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

han-han-dong-bang-song-cua-long-1-w1200-h768.jpg

Tích cực ứng phó triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trước diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ đã tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn liên tục từ tháng 6-2019. Bên cạnh đó, đẩy sớm khung thời vụ sản xuất lúa Đông Xuân ngay từ tháng 10-2019 để tránh thời điểm xâm nhập cao trùng với thời kỳ nhạy cảm của cây trồng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý…

Hiện các địa phương trong vùng cũng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp chống hạn, mặn. Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh sẽ có khoảng 150.000ha lúa, hoa màu và cây ăn trái sẽ bị ảnh hưởng. Hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất. Tỉnh Bến Tre đã bố trí 46 điểm đo mặn nhằm tăng cường đo kiểm tra trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý. Ngoài ra, tỉnh còn thi công nạo vét kênh mương với tổng khối lượng khoảng 557.000 m3. Tỉnh Cà Mau đã đắp các con đập tạm trữ nước ngọt, ngăn mặn rò rỉ vào bên trong. Tỉnh Sóc Trăng đã nâng cấp, mở rộng 720 km ống cấp nước, xây mới 3 trạm...

Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp của vùng, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các địa phương cần thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn và thông tin cho người dân biết để kịp thời bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại. Người dân cần kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây trồng. Khi nồng độ mặn dưới 0,5g/lít thì mới được tưới cho cây trồng, gồm cả cây lúa và cây ăn trái, dù ở bất cứ giai đoạn nào. Đồng thời, người dân cũng cần tìm cách để trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm.

Theo conglyxahoi.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: