Đồng bằng sông Cửu Long: Mặn bắt đầu xâm nhập!

Đăng ngày: 06-02-2023 | Lượt xem: 3574
Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong mùa khô nhưng tại một số địa phương mặn đã xâm nhập vào nội đồng. Tuy mức độ chưa gay gắt nhưng chính quyền và người dân cũng đã chủ động các phương án ứng phó. Trong khi đó, theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, mặn có xu hướng tăng dần từ đầu tháng 12 năm trước và tiếp tục vào các tháng đầu năm 2023, đặc biệt cần đề phòng xâm nhập mặn bất thường do tác động của biến đổi khí hậu.

Nông dân tỉnh Vĩnh Long tích cực bơm nước cho cây mùa khô. Ảnh: Quốc Trung.

Nông dân tỉnh Vĩnh Long tích cực bơm nước cho cây mùa khô. Ảnh: Quốc Trung.

Ngày 3 và 4/2, do có mưa, độ mặn một số nơi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm nhẹ. Tuy nhiên việc sớm xuất hiện mặn vẫn khiến người dân lo lắng.

Độ mặn tăng mạnh hơn so với dự báo

Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, mùa khô năm nay xâm nhập mặn không gay gắt như những năm cực đoan 2015 - 2016 và 2019 - 2020 do một phần ảnh hưởng của hiện tượng La Nina (pha lạnh). Tuy nhiên, khả năng mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thủy điện thượng nguồn. Tháng 1, tháng 2, mặn với nồng độ 4‰ ở các vùng ven sông Tiền, sông Hậu có thể xâm nhập sâu 45 - 55km; nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50 - 60km gây ảnh hưởng đến việc vận hành của các cống lấy nước.

Ghi nhận ngày 4/2, ở tỉnh Vĩnh Long cơ quan chức năng đã đo được độ mặn đạt tới 4,4 ‰, số liệu đo sáng 3/2 tại cống Nàng Âm, xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm. Các trạm khác cũng đo được độ mặn có xu hướng tăng so với cuối tháng 1. Cụ thể trạm Tích Thiện 2,3‰, Qưới An 2‰; Trà Ôn 0,5‰; Ngã Tư 1,3‰ và giáp TP Vĩnh Long là trạm vàm Cái Muối và Đồng Phú 0,1‰…

Để ứng phó với hạn mặn kịp thời và giúp bà con nông dân phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp huyện Vũng Liêm đã gửi thông báo, đề nghị các đơn vị liên quan đóng cống ngăn mặn ngày 3/2 và ngày 5/2.

Một số địa phương ở các cù lao, ven sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Tiền của Vĩnh Long giai đoạn này đang phải chạy đua với mặn. Nhất là người dân ở cù lao Dài, Thanh Long (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành, huyện Trà Ôn), cù lao Minh (các xã thuộc huyện Long Hồ), thời gian qua người dân lo thu hoạch trái cây, rau màu chạy mặn, lo trữ nước sẵn sàng ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt.

Bà Ngô Thanh Thúy, người dân ở xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Thời điểm này năm 2020 tại xã Đồng Sơn nước mặn đã xâm nhập vào nội đồng, người dân lo tích trữ và tìm kiếm nước ngọt chăm vườn trái cây. Năm nay chưa thấy hiện tượng nước mặn xâm nhập nhiều nên bà con cũng yên tâm. Đây là vùng trồng nhiều thanh long nên rất sợ nước mặn xâm nhập, vì vậy thời gian qua người dân ở đây theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết thường xuyên để có phương án ứng phó với hạn, mặn…

Tại Bến Tre, hiện tỉnh này đã xác định cấp độ 2 về rủi ro thiên tai xâm nhập mặn. Độ mặn trên các sông đã tăng mạnh hơn so với dự báo. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, từ ngày 1 đến 7/2 độ mặn trên sông Cửa Đại có thể đạt tới 4‰ và sẽ lấn sâu vào đến xã Long Định, huyện Bình Đại, cách cửa sông 36km. Hiện độ mặn 1‰ đã xâm nhập sâu vào xã Quới Sơn của huyện Châu Thành, cách cửa sông 44km. Còn ở sông Hàm Luông cơ quan chức năng cũng dự báo từ ngày 1 đến 7/2 độ mặn 4‰ sẽ xâm nhập đến xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, xã Phước Hiệp, Định Thủy của huyện Mỏ Cày Nam cách cửa sông 38km. Ở sông Cổ Chiên độ mặn 4‰ cũng lấn sâu vào xã Cầm Sơn của huyện Mỏ Cày Nam cách cửa sông 33km.

Ông Đặng Hoàng Lam - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Bến Tre cho biết, độ mặn trên các sông đã tăng mạnh hơn so với dự báo. Người dân cần cảnh giác theo dõi diến biến độ mặn của nước trước khi tưới cho cây trồng và cây ăn trái.

Tại tỉnh Vĩnh Long, người dân chủ động bơm nước ngọt bổ sung cho ruộng trước khi mặn xâm nhập sâu.

Tại tỉnh Vĩnh Long, người dân chủ động bơm nước ngọt bổ sung cho ruộng trước khi mặn xâm nhập sâu.

Chủ động ứng phó

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành nhiều phương án chuẩn bị phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Nhằm bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô 2022-2023.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lưu Nhuận - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết, ghi nhận lúc 7 giờ sáng ngày 5/2 một số cống, cửa sông, độ mặn có giảm hơn, như cống Nàng Âm, độ mặn đo được là 2,9‰, trạm Tích Thiện giảm còn 1,6 ‰, trạm Qưới An 0,5‰, Trà Ôn 0,2‰, trạm vàm Cái Muối và Đồng Phú 0,1‰ vẫn giữ nguyên độ mặn như đã đo ngày 4/2…Tuy nhiên bà con cũng không nên chủ quan, vì hiện nay đang mùa khô, diễn biến thất thường cần chủ động ứng phó. Các địa phương cũng cần sớm có phương án ứng phó.

Nhận định về tình hình diễn biến xâm nhập mặn, PGS.TS Lê Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: Hiện nay nước sông Cửu Long ở thượng nguồn cao hơn trung bình nhiều năm do năm nay mùa mưa kết thúc rất trễ, mặc dù mùa khô nhưng lại có những trận mưa rất lớn. Bên cạnh đó ghi nhận ở các đập thượng nguồn cũng tiến hành xả đập vì vậy, hiện tại vùng ĐBSCL không thiếu nước ngọt, trong khi đó mặn cũng chưa đi sâu vào nội đồng. Điều rất lạ và hiếm thấy gần đây trong mấy ngày Tết từ mùng 2 đến mùng 4, tại nhiều tỉnh thành, nước dâng cao cộng với triều cường và mưa khiến ngập cục bộ nhiều nơi...

Mặc dù vậy, ông Tuấn vẫn khuyến cáo các địa phương nên có các phương án trữ nước chủ động với những diễn biến thời tiết bất thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chắc chắn tháng 3 và tháng 4 tới mặn sẽ tràn vào, tuy nhiên dự báo của ngành chức năng sẽ không nghiêm trọng như một số năm vừa qua (năm 2016 và 2020). Ở vùng ĐBSCL bà con đã sẵn sàng với việc mùa khô nào nước mặn cũng tràn vào, trong khi dự báo năm nay sẽ không đáng lo.

Ông Tuấn cho rằng, để sẵn sàng ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn và những diễn biến bất thường có thể xảy ra, người dân và chính quyền địa phương cần có phương án trước mắt và lâu dài. Cụ thể trước mắt cần tích trữ nước bằng nhiều cách mà lâu nay các địa phương vẫn làm như xây hồ, ngăn các tuyến kênh nội đồng, đào ao, dùng túi chứa nước. Thường xuyên theo dõi, cập nhật số liệu, diễn biến của khí tượng thủy văn.

“Về lâu dài, nên giảm diện tích trồng lúa, chọn các loại cây trồng giảm tiêu thụ nước hoặc chuyển qua nuôi trồng thủy sản” – ông Tuấn nói.

Nông dân có kinh nghiệm nhiều rồi

“Nông dân của vùng mình giờ kinh nghiệm nhiều lắm rồi bài học và những kinh nghiệm tích lũy được từ những đợt khô hạn đã qua người dân và chính quyền địa phương đã biết cách đối phó và chuẩn bị sớm các phương án. Tôi thấy giờ nông dân của vùng mình không còn quá lo về thời tiết hay thiên tai mà chủ yếu bà con lo về thị trường, đầu ra cho sản phẩm làm thế nào ổn định và người dân khá lên” - PGS Lê Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ).

Quốc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dong-bang-song-cuu-long-man-bat-dau-xam-nhap-5708984.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: