Điêu đứng vì triều cường

Đăng ngày: 24-11-2020 | Lượt xem: 1477
Những ngày qua triều cường dâng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm đảo lộn đời sống người dân từ nông thôn đến thành thị.

Triều cường gây ngập nhiều tuyến đường thành phố Cần Thơ.

Thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, đợt triều cường vừa qua làm ngập 5.200 nền nhà, tràn 64 tuyến bờ bao, bờ vùng với chiều dài hơn 56 km, sạt lở 18 đoạn bờ bao dài 428 m, làm ngập úng 330 ha diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái.

Thiệt hại nặng nề

Khoảng vài năm gần đây, triều cường dâng cao bất ngờ, huyện Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nông nghiệp rất lớn. Đợt triều cường ngày  13 đến ngày 16/11 vừa qua đã gây ngập 120 ha mía, trên 33 ha hoa màu và cây ăn trái cũng bị ngập, nhiều đoạn đê bao, tuyến lộ bị vỡ, ngập.

Tại Bạc Liêu, theo đánh giá của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, mực nước tại các tuyến kênh nội đồng dâng cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Nước dâng cao, mưa dầm đã làm thiệt hại trà lúa hè thu sắp đến ngày thu hoạch và trà lúa thu đông mới gieo sạ dưới 20 ngày tuổi của bà con nông dân.

Các địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại khá lớn như: Huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình và Phước Long. Thống kê sơ bộ, toàn huyện Vĩnh Lợi có hơn 4.300 ha lúa hè thu sắp đến ngày thu hoạch bị sập và ngập úng. Trong đó hơn 3.000 ha bị thiệt hại hơn 70%, nhiều diện tích lúa mất trắng không thu hoạch được. Tại huyện Hòa Bình, trong đợt ảnh hưởng do mưa bão, triều cường vừa qua cũng đã làm gần 4.000 ha lúa thu đông vừa gieo sạ dưới 1 tháng tuổi của 2.900 hộ dân thiệt hại, trong đó có hơn 3.500 ha thiệt hại hơn 70%, không thể khôi phục.

Ông Nguyễn Văn Khánh, ngụ ấp 21 xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình có hơn 5 ha lúa thu đông vừa gieo sạ vào trung tuần tháng 10. Triều cường làm toàn bộ diện tích lúa của ông Khánh đã bị chết sạch. Hiện tại, ông mới xuống giống lại vụ thu đông được hơn 3 ha.

“Tôi sạ xong gặp mưa dầm liên tiếp, gia đình cũng cố gắng chạy máy bơm nước để cứu lúa. Nhưng mà dưới kênh nước dâng cao nên việc bơm tát nước rất khó khăn. Lúa bị ngập sâu trong nước nhiều ngày nên gia đình chịu thua” - ông Nguyễn Văn Khánh, ấp 21 xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình buồn bã nói.

Còn tại tỉnh Cà Mau, ước tính hạn hán và ngập úng do mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường làm thiệt hại hơn 970 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của thiên tai đã xuất hiện 1.418 vị trí trên nhiều tuyến đường giao thông bị sụp lún, sạt lở với tổng chiều dài gần 46 km; sạt lở nghiêm trọng bờ biển Tây với tổng chiều dài hơn 9 km. Mưa lớn kéo dài, kết hợp với triều cường dâng cao đã làm ngập gần 21.000 ha lúa, hơn 260 ha rau màu và khoảng 3.800 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Riêng huyện Trần Văn Thời có hơn 16.000 ha diện tích lúa hè thu bị ngập và đổ ngã kể từ đầu năm đến nay.

Triều cường dâng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông đường bộ nhiều địa phương trong vùng. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Long, tuyến quốc lộ(1A, 57) đi qua địa bàn bị ngập, tràn với tổng chiều dài là 6,7 km; đường tỉnh lộ, đường huyện, đường xã bị ngập tràn với chiều dài là 125,46 km, hư hỏng 3 đoạn đường dài110m…

Tìm cách “sống chung” với triều cường

Theo Sở GTVT Cần Thơ, Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho thành phố này do Bộ NNPTNT lập và phê duyệt tại Quyết định số 1721 năm 2012 đã không còn phù hợp với thực tế.

Trong báo cáo mới nhất của Sở GTVT kiến nghị lên UBND thành phố Cần Thơ, cho rằng thành phố “cần sớm giao cho một đơn vị xây dựng một Đề án chống ngập chung cho thành phố. Trên cơ sở đề án này đánh giá nguyên nhân gây ngập, đánh giá sự tác động của hệ thống đê bao ngăn lũ, ngăn mặn khu vực ĐBSCL, cập nhật các dự án chống ngập đang thực hiện và đưa ra các biện pháp công trình, phi công trình, lộ trình thực hiện, nguồn vốn thực hiện”.

Cùng đó, Sở GTVT cũng đề nghị UBND TP Cần Thơ cần tổ chức hội thảo các chuyên đề về chống ngập, từ đó điều chỉnh đề án, phê duyệt và đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo để thực hiện.

Trước tình hình ngập tấn công vùng lúa của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, ông Duy Quốc Tuấn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Trần Văn Thời cho biết, huyện đang duy trì việc xổ các cống vùng ngọt và các trạm bơm hoạt động hết công suất. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự bơm nước trong ruộng có diện tích lúa bị sập ra sông để chống úng, giảm thiệt hại. Tuy nhiên, xét về mặt lâu dài cần có biện pháp hỗ trợ kinh phí thiệt hại giúp người dân tái sản xuất.

Chia sẻ việc ứng cứu do triều cường gây ra, ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho biết tỉnh đã chỉ đạo các huyện, xã bị thiên tai kịp thời thực hiện các giải pháp ứng phó với mưa kéo dài, chống ngập úng bảo vệ diện tích lúa bị đổ ngã, nhằm giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng khắc phục hậu quả do triều cường gây ra. Đặc biệt là điều chỉnh lịch thời vụ linh hoạt, bố trí sản xuất cho từng vùng, tiểu vùng; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với để ứng phó với thời tiết, trong đó có nạn triều cường đang ngày một nặng nề hơn.

Theo daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: