ĐBSCL đối mặt hạn, mặn

Đăng ngày: 04-02-2020 | Lượt xem: 1832
Tại Bạc Liêu, thiệt hại do khô hạn trên vùng ngọt hóa đã hơn 80 tỉ đồng. Ở An Giang, hạn, mặn đe dọa gần 18.000 ha lúa

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (SIWRR), dòng chảy mùa khô năm 2019-2020 từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL có khả năng ở mức thấp kỷ lục, nên xâm nhập mặn mùa khô của khu vực là rất nghiêm trọng (đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.

Hàng ngàn ha lúa đang chết khô

Những ngày qua, hơn 5.400 ha lúa vùng Bắc Quốc lộ 1 (tỉnh Bạc Liêu) đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Tiểu vùng ngọt sản xuất rau màu cũng bị ảnh hưởng nặng. Đi đôi với khô hạn, xâm nhập mặn sớm dẫn đến nguy cơ có 5.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại.

Thiệt hại nặng nhất là vùng ngọt hóa trên địa bàn thị xã Giá Rai, nơi có hàng ngàn ha lúa đang đối mặt với nguy cơ chết khô. Ngành chức năng thị xã Giá Rai ước tính đến thời điểm này, thiệt hại do khô hạn trên vùng ngọt hóa là khoảng 80 tỉ đồng. Nếu không dẫn nước ngọt về kịp thời thì thiệt hại sẽ rất khó lường.

Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt kênh thủy lợi vùng ngọt hóa thuộc địa bàn thị xã Giá Rai đã cạn trơ đáy. Nặng nhất là kênh Chống Mỹ (ấp 19, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai) cung cấp nước ngọt cho vùng lúa hàng trăm ha của xã. Để cứu lúa trong thời gian chờ ngành chức năng điều tiết nước ngọt, nhiều hộ dân chấp nhận vét chút nước còn sót lại dưới đáy kênh vốn đã nhiễm phèn để tưới tiêu vì không còn cách nào khác.

Cũng như hàng trăm hộ nông dân vùng ngọt hóa Giá Rai, gia đình ông Nguyễn Văn Việt (ở ấp 19, xã Phong Tân) vừa xuống giống 10 ha lúa được 20 ngày, nay như đang ngồi trên lửa vì nước trong ruộng đang khô dần, trong khi nước kênh đã cạn trơ đáy. "Tình trạng này chỉ cầm cự được khoảng một tuần nữa thôi. Hy vọng ngành chức năng sớm đưa nước từ Ngã Năm (Sóc Trăng) về kịp để cứu được phần nào. Thời điểm gieo sạ chúng tôi không nghĩ nước khô nhanh đến vậy" - ông Việt lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Việt trên cánh đồng lúa đang chết khô vì thiếu nước. Ảnh: DUY NHÂN

Được dự báo từ SIWRR, trước Tết nguyên đán, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị UBND huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 đóng cửa cống Vũng Liêm nhằm bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và dân sinh.

Theo ông Huỳnh Quang Thọ, nông dân ở xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tranh thủ những ngày mặn giảm, ông đã nạo vét nhiều mương, ao trữ nước ngọt. "Thời gian độ mặn lên từ 7-10 ngày, sau đó giảm nên việc trữ nước ngọt trong mương sẽ đủ nước cho cây trồng trong thời gian mặn xâm nhập. Ở đây ai cũng có kinh nghiệm đối phó khi có mặn vô" - ông Thọ nói.

Xử lý nghiêm việc tự ý lấy nước

Vụ lúa đông xuân tại ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng lớn do thiếu nguồn nước và chi phí sản xuất cũng rất cao. Do vậy, SIWRR khuyến cáo các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh. Đầu các tháng 2 và 3-2020, khả năng nguồn nước ngọt cũng được cải thiện và cần tận dụng.

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, cho biết UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm nay. Hiện mực nước thượng lưu sông Mekong tiếp tục xuống và ở mức thấp, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20%-50%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mực nước trên các sông/kênh xuống thấp và thiếu hụt mưa trong mùa khô, hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 sẽ xảy ra sớm hơn, sâu hơn, gay gắt hơn và có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất của diện tích 9.361 ha. Trong đó, vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên khoảng 5.099 ha và vùng đồng bằng ở các huyện Phú Tân, Châu Đốc, Tân Châu khoảng 4.262 ha. Trường hợp mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập sâu nội đồng, có khả năng ảnh hưởng đến diện tích 9.328 ha sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn.

"Trước mắt, các ngành chức năng cùng các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất; thực hiện nghiêm phương án chống hạn ở các địa phương và của các đơn vị cung cấp nước. Ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới; sẵn sàng phương án vận chuyển nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân bị thiếu nước cục bộ (nếu xảy ra thiếu nước) ở vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên" - ông Khanh nói. 

“Để đối phó trường hợp mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập sâu nội đồng, tỉnh An Giang có phương án dự phòng xây dựng các đập tạm. Dự kiến có 26 vị trí có thể đắp đập tạm khi cần, với tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng” - ông Khanh cho biết. 

Theo nld.com.vn 

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: