Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong dự báo khí tượng-thủy văn

Đăng ngày: 10-02-2022 | Lượt xem: 1725
Hiện nay, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường. Vấn đề lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi; khoảng trống số liệu khí tượng-thủy văn ở khu vực Biển Đông, đặc biệt ở vùng biển và ven biển Tây Nam đang đặt ra thách thức đối với công tác khí tượng-thủy văn trong giai đoạn tới.

Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực khí tượng thủy văn”. Ảnh: Tạp chí Khí tượng thủy văn.

Chính vì vậy, đẩy nhanh triển khai các nhiệm vụ khoa học-công nghệ trong công tác dự báo thiên tai đang được ngành khí tượng thủy văn đặc biệt quan tâm, sẵn sàng cho tình hình mới.

Trong những năm vừa qua, ngành khí tượng-thủy văn đã tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng-thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện các hoạt động “Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn” theo chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tổng Cục trưởng Khí tượng-Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, năm 2021, ngành đã làm tốt công tác dự báo thời tiết, khí tượng-thủy văn chi tiết đến các huyện, thị xã trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, theo dõi và dự báo kịp thời, chính xác 9 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới; 18 đợt không khí lạnh, 11 đợt nắng nóng và 27 đợt mưa lớn trên diện rộng; 15 đợt lũ trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, trong năm 2021, ngành đã làm tốt công tác dự báo phục vụ Quy trình liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông toàn quốc; thực hiện các bản tin dự báo xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021 phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp; thực hiện đầy đủ công tác dự báo phục vụ đổ ải vụ đông xuân năm 2020-2021. Nhờ công tác dự báo sớm, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có các hành động quyết liệt, hiệu quả từ sớm nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại. Thiệt hại về người giảm 54%, thiệt hại về tài sản giảm 78% so với trung bình 10 năm vừa qua.

Để có được những dự báo, cảnh báo chính xác về khí tượng-thủy văn, theo Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ là vấn đề then chốt. Trong năm 2021, ngành đã triển khai đúng tiến độ 4 đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ về biến đổi khí hậu, triển khai đúng tiến độ 12 đề tài cấp Bộ chuyển tiếp. Việc ứng dụng khoa học-công nghệ đã mang lại những hiệu quả hết sức thiết thực.

Điển hình như thông báo và dự báo khí hậu đúng thời hạn; thực hiện dự báo thời tiết hằng ngày, dự báo xoáy thuận nhiệt đới, mưa lớn. Thông báo khí tượng nông nghiệp đúng thời hạn, nhận, dịch và đánh giá chất lượng các loại điện khí tượng-nông nghiệp của địa phương. Cung cấp các bản tin dự báo thủy văn, hải văn, cảnh báo lũ quét và xâm nhập mặn. Dự báo chất lượng không khí các thành phố lớn, thực hiện nhiệm vụ trong khuôn khổ mạng lưới giám sát lắng đọng axít vùng Đông Á...

Đặc biệt trong năm 2021, ngành khí tượng-thủy văn đề nghị công bố Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia và Kịch bản Biến đổi khí hậu cho Việt Nam phiên bản cập nhật năm 2020. Đây là lần đầu tiên, báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia được công bố, trên cơ sở thực hiện Luật Khí tượng-Thủy văn năm 2015, nhằm hỗ trợ các nhà quản lý, người dân hiểu rõ hơn đặc điểm, hiện trạng, mức độ thay đổi của khí hậu trên toàn quốc; phân tích, làm rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với thiên tai, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế-xã hội.

Từ đó có nhận định về những nỗ lực, thành quả và thiếu hụt trong ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta hiện nay. Thêm vào đó, Kịch bản Biến đổi khí hậu cho Việt Nam phiên bản năm 2020 còn làm cơ sở để các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho các hoạt động quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Đến nay, ngành đã xây dựng hệ thống họp trực tuyến đến 9 đài khí tượng-thủy văn khu vực và 54 đài khí tượng-thủy văn tỉnh, thành phố, bảo đảm công tác hội thảo trực tuyến nghiệp vụ thông suốt đến các đài khí tượng-thủy văn khu vực, nhất là khi có thiên tai xảy ra như bão, lũ. Đặc biệt trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay.

Thời gian tới, ngành khí tượng- thủy văn tiếp tục định hướng hiện đại hóa các phần mềm, mô hình dự báo lũ, lũ quét, sạt lở đất trên cả nước để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; tối ưu mô hình hồ chứa bao gồm tích hợp quy trình vận hành liên hồ; tích hợp các mô hình vào hệ thống hỗ trợ dự báo thủy văn; thí điểm dự báo lũ dựa vào tác động; cảnh báo ngập lụt và ô nhiễm cho các đô thị lớn và khu vực đông dân cư... Từ những thành quả về ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng dự báo, cảnh báo của Việt Nam đang dần tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là dự báo bão, không khí lạnh, hạn hán, xâm nhập mặn...

TIẾN ĐẠT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/science-news/day-manh-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-du-bao-khi-tuong-thuy-van-685137/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: