Đà Nẵng chật vật với mưa lớn đầu mùa

Đăng ngày: 16-10-2019 | Lượt xem: 1141
Đến hẹn lại lên, TP Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung bắt đầu phải gánh chịu hậu quả từ những cơn mưa đầu mùa. Tại Đà Nẵng, sau đợt mưa lớn kéo dài từ đêm 14 và ngày 15-10, nhiều tuyến phố đã ngập sâu trong nước. Tình trạng phương tiện chết máy cũng đã diễn ra. Trong khi đó, mưa lớn kèm theo sương mù dày đặc cũng ảnh hưởng đến những chuyến bay đi và đến thành phố biển...

Sau những trận mưa lớn, nhiều tuyến phố Đà Nẵng bị ngập nước,...

Mưa lớn còn kéo dài

Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên đêm 14-10, tại khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa đo được từ chiều tối 14 đến hết ngày 15-10 tại Quảng Bình và Quảng Ngãi phổ biến 15 - 30mm, trong đó TP Đà Nẵng và Quảng Nam phổ biến 30 - 70mm, một số nơi cao hơn như TP Tam Kỳ (Quảng Nam) 80mm, Cẩm Lệ (Đà Nẵng 72.4mm). Do tiếp tục ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên từ 15-10 đến ngày 19-10, tại các tỉnh Trung Trung Bộ vẫn có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa dự báo sẽ phổ biến từ 100 - 250mm, có nơi trên 300mm. Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cảnh báo người dân trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Riêng tại Đà Nẵng và Quảng Nam, trong 24 giờ tới, lượng mưa phổ biến 60 - 120mm, có nơi trên 150mm.

 

Đường phố thành... sông, nước thải tràn ra biển

Theo ghi nhận của phóng viên, hàng trăm mét đường ven tuyến biển Võ Nguyên Giáp nước lênh láng như "sông" sau trận mưa lớn đổ xuống chiều và tối 14-10. Đây là tuyến đường du lịch nên lượng xe lưu thông qua lại dày đặc, nhất là chiều tối và đêm. Nhiều đoạn, nước ngập sâu 30-50cm. Tình trạng ô-tô, mô- tô chết máy cũng đã xảy ra, nhất là đoạn qua địa bàn P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn (ngã 3 đường Nguyễn Đức Thuận - Võ Nguyên Giáp đến phía trước sòng bài Crown). Về đêm, đối mặt với cảnh ngập nước nên những phương tiện mô-tô người dân phải dắt bộ lên lề tránh gặp nạn chết máy và nước té ướt khi xe khách cỡ lớn chạy qua. Tài xế Taxi Tiên Sa - anh Lê Dũng cho hay, đã nhiều năm qua lái xe chở khách trên tuyến du lịch này, nhưng lần đầu tiên thấy tuyến đường ngập sâu đến vậy. Lo sợ xe chết máy, gây thiệt hại, khuya 14-10, anh Dũng không dám điều khiển xe qua tuyến, nhất là những vị trí có công trình, dự án đang thi công, hệ thống cống thoát nước bị ảnh hưởng. 

... gây khó khăn cho các phương tiện qua lại.

Cũng tại tuyến đường ven biển này, nhiều khu vực của Q. Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, dòng nước thải đen ngòm, bốc mùi xé toạc bờ cát chảy cuồn cuộn ra biển. Ở khu vực cống xả Mỹ An, dòng nước thải chảy ào ào ngay cạnh điểm thành phố đang đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải về khu vực Ngũ Hành Sơn để xử lý, nhưng chưa hoàn thành. Có nơi, nước thải phá nắp van tự động tại các cống xả xé bờ cát trôi ra sông như một con mương lớn. Đây cũng là tình trạng xảy ra kéo dài nhiều năm qua mỗi khi mưa lớn do hệ thống nước mưa và nước thải chưa được tách riêng, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch. Sau mỗi trận mưa dứt, các cấp ngành phải huy động lực lượng, phương tiện dùng xe múc cào cát để tạo lại cảnh quan cho bờ biển.

Không chỉ tuyến biển, mưa lớn cũng làm nhiều tuyến phố trung tâm của Đà Nẵng ngập cục bộ từ 20-30cm, có nơi ngập tới nửa mét, như tuyến Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đống Đa, Lý Tự Trọng, Hải Hồ, Hàm Nghi... Nhiều người dân cho biết, những trận mưa lớn 2 ngày qua khiến đường ngập lụt chẳng khác gì trận mưa lịch sử xảy ra hồi đầu tháng 12-2018., Ông Mai Mã - Giám đốc Cty Cổ phần Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng thừa nhận rằng, thời điểm những cơn mưa lớn đêm 14-10 qua đi, có rất nhiều điểm ngập cục bộ, trong đó một số vị trí ngập sâu nhất như tuyến đường Bà Bang Nhãn, Lê Văn Hiến, Núi Thành - 30-4, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Phước Thuận. Đây là những nơi đang có công trình, dự án thi công xây dựng, đường bị đào bới khiến nhiều đoạn nước đọng sâu do thoát không kịp. Tuy nhiên, đến cuối ngày 15-10 cơ bản cũng đã ổn trở lại. "Sau mỗi trận mưa, Cty đã huy động trên dưới 100 công nhân dùng xà beng dỡ nắp cống để khơi thông hố ga do rác gây tắc ngẽn. Riêng các quận huyện cũng chưa có khu vực nào nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Riêng các vị trí ngập do có công trình xây dựng đang thi công, hiện Cty đang tích cực phối hợp để xử lý, khơi thông" - ông Mã nói.

Dang dở dự án thu gom nước thải bờ biển

Để giải quyết thực trạng ngập lụt, cải thiện môi trường tại TP, giữa năm 2019, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đã triển khai dự án thu gom nước thải tại bờ biển với nhiều gói thầu, tuy nhiên tiến độ dự án còn dang dở nên nước thải vẫn tuồn ra biển khi xuất hiện những cơn mưa lớn. Cuối tháng 8-2019, thành phố cũng đã ban hành phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Cải thiện môi trường nước phía Đông (Q. Sơn Trà) với tổng mức đầu tư 1.447 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018 - 2020. Trong đó, sẽ xây dựng hệ thống cống bao đảm bảo thu gom được toàn bộ nước thải và một phần nước mưa cho toàn bộ lưu vực, hạn chế nước mưa chảy tràn ra các bãi tắm trong mùa khô nhằm bảo vệ môi trường. Trong khi đó, Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (giai đoạn 2) có công suất xử lý mùa khô 40.000m3/ngày cũng đang được nâng cấp, đảm bảo xử lý nước thải tập trung về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà đến năm 2030. Dự án sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước và trạm bơm nước mưa, nước thải đảm bảo thu gom 2,5 lần lưu lượng nước thải trung bình về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà và bơm thoát nước mưa về Âu thuyền Thọ Quang. Hiện tại, các cửa xả cũng đang được cải tạo nhằm ngăn không cho nước biển và cát chảy ngược vào hệ thống thoát nước...

Tình trạng nước thải xả ra môi trường biển thường xuất hiện sau mỗi cơn mưa lớn.

Máy bay không thể hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng

Trong khi các phương tiện giao thông đường bộ bị "hành hạ" bởi biển nước trên phố, nhiều hành khách cũng khóc dở mếu dở khi những chuyến bay đến các sân bay miền trung khó khăn khi hạ cánh. Điển hình, một máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines sau 2 lần hạ cánh bất thành xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã phải đáp xuống sân bay Phú Bài do thời tiết xấu, khiến khách hoảng loạn. Nguồn tin từ sân bay quốc tế Đà Nẵng cho biết, chuyến bay mang số hiệu VN.138 từ TP.HCM đi Đà Nẵng cất cánh lúc 18 giờ 30 ngày 14-10, khi đến Đà Nẵng gặp thời tiết xấu đã phải bay lòng vòng hơn 1 tiếng đồng hồ sau đó buộc đáp xuống Sân bay Phú Bài tiếp nhiên liệu lúc 20 giờ 30. Đến khoảng 21 giờ 30 cùng ngày, chuyến bay tiếp tục bay vào Đà Nẵng. Do máy bay nhiều lần không thể hạ cánh, số hành khách trên máy bay ai cũng hoảng sợ. "Ai cũng lo lắng cả. Mọi người cứ như vừa trải qua một chuyến bay "bão táp". Thời điểm từ Huế bay vào lại Đà Nẵng, do thời tiết xấu nên máy bay rung lắc mạnh, mọi người ớn lạnh sống lưng. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, ai cũng thở phào. Cơ trưởng và phi hành đoàn cũng vậy, họ đã đứng ngay cửa ra máy bay xin lỗi hàng trăm hành khách vì sự cố bất khả kháng này" - một hành khách khi xuống máy bay kể lại.

Theo cadn.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: