Công việc của những người “bắt mạch ông trời”

Đăng ngày: 20-05-2024 | Lượt xem: 2921
Hằng ngày, mọi người đều quan tâm và cập nhật tình hình thời tiết, thế những làm sao để ra được một bản tin dự báo thời tiết và cán bộ khí tượng thuỷ văn làm những gì thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là chùm ảnh về một số hoạt động của cán bộ khí tượng thủy văn tại Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Bắc Trung Bộ.

 

 

Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Bắc Trung Bộ là đơn vị công lập trực thuộc Tổng Cục Khí tượng Thủy văn, có chức năng nhiệm vụ thực hiện các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng thuỷ văn, hải văn; lưu trữ dữ liệu, dự báo khí tượng thuỷ văn; quan trắc môi trường không khí và môi trường nước phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đơn vị này có gần 300 nhân viên hoạt động tại 22 Trạm khí tượng, 33 Trạm thuỷ văn, 1 trạm Ra đa, 1 trạm thám không vô tuyến và 1 trạm Ra đa biển, địa bàn hoạt động trải dài trên 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Hằng ngày, nhân viên các trạm khí tượng quan trắc nhiệt độ không khí, lượng bốc hơi nước, là một trong những dữ liệu phục vụ ra các bản tin dự báo thời tiết. Tần suất quan trắc là 8 lần/ngày khi thời tiết bình thường và tăng lên từ 30 phút đến 01 giờ/lần vào khoảng thời gian có thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới,… Đội ngũ quan trắc viên liên tục cập nhật và truyền về các đơn vị kịp thời phục vụ ra các bản tin dự báo.

 

Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Máy đo số giờ nắng và công tác quan trắc thu thập dữ liệu số giờ nắng phục vụ dự báo khí tượng hằng ngày tại các trạm khí tượng bề mặt.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Nhân viên quan trắc hiệu chỉnh thông số máy đo các yếu tố bức xạ mặt trời nhằm thu thập dữ liệu phù hợp với quy luật chuyển động của mặt trời - trái đất phục vụ dự báo.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Mây là điều kiện cụ thể, trực tiếp cho mưa trong tự nhiên. Các quan trắc viên quan trắc, xác định các đặc trưng, vân lượng mây tại các trạm khí tượng bề mặt để phục vụ công tác dự báo thời tiết hằng ngày.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Quan trắc viên trạm thủy văn thực hiện quan trắc, đo đạc, xác định giá trị của mực nước phục vụ dự báo thủy văn, với tần suất 4 lần/ngày khi dòng chảy trên sông ổn định, ít biết đổi và thay đổi từ 8 đến 24 lần/ngày khi trong sông có lũ. Dù trong trường hợp khó khăn, vất vả do mưa to, lũ lớn, các quan trắc viên vẫn cập nhật và cung cấp đầy đủ dữ liệu để bản tin dự báo lũ đảm bảo độ chính xác.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Quan trắc viên xử lý mẫu nước, là một trong các bước xác định giá trị hàm lượng chất lơ lửng trong sông tại trạm thủy văn cơ bản. Đây là cơ sở để dự báo sạt lở bờ, bồi lắng trong sông thiên nhiên, góp phần vào kế hoạch chỉnh trị sông, phục vụ đời sống của nhân dân.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Lưu lượng nước qua mặt cắt ngang sông của trạm thủy văn là một yếu tố thay đổi liện tục theo thời gian, việc đo đạc lưu lượng chỉ được thực hiện tại các mốc thời gian nhất định, tạo được chuỗi giá trị rời rạc tương ứng các lần đo trong năm. Để có được chuỗi giá trị liên tục, phải ánh đúng sự thay đổi trong sông theo thời gian thì bước tiếp theo sau đo đạc tại thực địa là tính toán, hiệu chỉnh, chỉnh biên tài liệu nhằm tạo được quá trình liên tục, phản ánh đầy đủ, chi tiết quá trình diễn biến theo thời gian, phục vụ công tác dự báo lũ và quốc kế dân sinh.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Trạm Ra đa thời tiết Vinh. Một trong những dữ liệu phục vụ ra các bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm, dự báo thời tiết là giá trị các yếu tố khí tượng trên cao được đo đạc bằng thiết bị ra đa thời tiết. Việc cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, tố, lốc, dông, mưa đá… khi kết hợp được các sản phẩm từ vệ tinh và các sản phẩm của trạm ra đa thời tiết thì mức độ chính xác tăng lên rất nhiều. Hệ thống ra đa Đốp-le ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến để cung cấp cho các nhà dự báo những thông tin mới về cấu trúc của gió môi trường, cấu trúc giông và các dấu hiệu thời tiết nguy hiểm, với tầm quan sát trên một vùng rộng lớn lên đến hàng trăm km. Ra đa thời tiết được ví như đôi mắt thứ hai dùng để quan sát các hiện tượng khí tượng trên cao của đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo thời tiết.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Một trong những công việc hằng ngày, hàng tuần để đảm bảo thiết bị ra đa hoạt động liên tục, an toàn là công tác bảo dưỡng, bảo trì. Công việc này đòi hỏi kỹ thuật viên phải nắm vững nguyên lý cấu tạo, thuần thục trong các bước thực hiện và đặc biệt phải đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thực hiện. Các kết quả bảo trì phải được ghi chép theo hướng dẫn của nhà sản xuất và lưu trữ trong suốt thời gian dài để xây dựng một hồ sơ thiết bị. Công tác bảo dưỡng, bảo trì thiết bị được đánh giá là then chốt cho việc hệ thống hoạt động được hoàn hảo, có hiệu quả
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Quan trắc viên tại Trạm Ra đa thời tiết Vinh theo dõi hiện tượng thời tiết trong một ca làm việc. Thành công của việc sử dụng các chương trình ứng dụng là nhận dạng được các đặc điểm của dông để cảnh báo, điều đó phụ thuộc cốt yếu vào: Chất lượng số liệu, độ phân giải theo không gian, thời gian của số liệu và khả năng hiệu chỉnh tốc độ Đốp-le. Khi vấn đề trở nên phức tạp, các phép tính toán không phân tích số liệu được chính xác, lúc đó ra đa cần phải theo dõi liên tục để biết được sự phát triển và di chuyển của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Trong mọi điều kiện thì nguồn cung cấp năng lượng là vấn đề tiên quyết. Để hệ thống ra đa hoạt động liên tục, không bị gián đoạn dữ liệu thì việc bảo đảm nguồn năng lượng đó phải được đưa lên hàng đầu. Nhân viên Trạm Ra đa thời tiết Vinh kiểm tra, đối chiếu để đảm bảo nguồn điện dự phòng sẵn sàng được kết nối vào hệ thống chỉ tính bằng giây trong tình huống bị mất điện lưới.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Cán bộ Trạm Thủy văn Mường Lát (Thanh Hóa) bảo dưỡng công trình cáp treo thuyền đo lưu lượng nước. Bảo dưỡng công trình đo lưu lượng nước là một trong nhũng nội dung phải thực hiện trước mùa mưa lũ hằng năm nhằm đảm bảo tính ổn định, độ an toàn cho công trình trong mọi tình huống thời tiết và khi vận hành, đặc biệt là vận hành thu thập dữ liệu trong thời kỳ trên sông có lũ.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Một ca đo lưu lượng nước sông, lưu lượng chất lửng tại Trạm Thủy văn Mường Lát. Các mô hình thủy văn dùng để mô phỏng quá trình dòng chảy trong sông thiên nhiên theo một quy luật nhất định và sử dụng để dự báo thủy văn trên sông. Một trong các biên vào cho mô hình này là lưu lượng nước sông thực đo tại các trạm thủy văn cơ bản. Kết quả dự báo càng chính xác khi giá trị tại biên đầu vào càng chi tiết và đạt độ chính xác cao, để lưu lượng nước phù hợp với quá trình thay đổi theo thời gian thì công tác đo đạc các yếu tố thủy văn phải được thực hiện liên tục, đặc biệt là bố trí đo đạc tại các điểm đặc trưng lũ như chân, đỉnh làm cơ sở cho các mô hình đem vào tính toán, tạo được bộ kết quả có chất lượng cao để các dự báo viên sử dụng trong các bản tin cảnh báo, dự báo lũ trên các lưu vực sông.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Quan trắc viên thực hiện đo đạc các yếu tố khí tượng tại Trạm Khí tượng hải văn trên đảo Hòn Ngư (thị xã Cửa Lò). Ở đây các yếu tố được quan trắc 8 ốp/ngày, khi có thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới có thể 30 phút đến 1 tiếng/1 lần. Dù làm việc ở vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhưng nhân viên các Trạm vẫn luôn yêu nghề, làm việc trách nhiệm, nỗ lực phục vụ nhân dân.
Công việc của những người “bắt mạch ông trời”
Bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn là sản phẩm trí tuệ của tập thể những người làm công tác dự báo. Đội ngũ dự báo viên tại Phòng dự báo khí tượng thuỷ văn trao đổi, hội chẩn khả năng xuất hiện các giá trị dự báo trước khi xuất bản tin dự báo thời tiết, thủy văn. Phòng này thường trực 24/24h để theo dõi, cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất,...

Mai Liễu

Nguồnhttps://laodongthudo.vn/cong-viec-cua-nhung-nguoi-bat-mach-ong-troi-170778.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: