Bão, lũ lụt ở Mozambique: Hơn 1.000 người thiệt mạng, ảnh hưởng nặng đến các nước láng giềng

Đăng ngày: 19-03-2019 | Lượt xem: 1067
(TN&MT) - Ngày 18/3, Tổng thống Mozambique, Filipe Nyusi cho biết số người thiệt mạng trong cơn bão và lũ lụt lớn ở Mozambique có thể vượt quá 1.000 người. Con số này khiến dự báo về số người thiệt mạng lớn hơn rất nhiều so với số liệu hiện tại.

84 trường hợp được xác định đã thiệt mạng cho đến nay tại Mozambique do bão Idai. Cơn bão cũng đã để lại dấu vết của sự chết chóc và hủy diệt trên khắp Zimbabwe và Malawi, với những vùng đất rộng lớn bị ngập lụt, những con đường bị phá hủy và cắt đứt thông tin liên lạc.

Phát biểu trên Đài phát thanh Mocambique, Tổng thống Filipe Nyusi cho biết ông đã bay qua khu vực bị ảnh hưởng, nơi 2 con sông ngập nước. Ông cho biết các ngôi làng đã biến mất và nhiều thi thể đang trôi nổi trên nước.

“Tất cả mọi thứ cho thấy dự báo có hơn 1.000 người chết”, Tổng thống Filipe Nyusi nói.

Chính phủ cho biết ngày 18/3 rằng bão Idai cũng đã làm chết 98 người và hơn 200 người mất tích ở Zimbabwe, trong khi số người chết ở Malawi do mưa lớn và lũ lụt là 56 người vào tuần trước. Không có con số mới nào được công bố sau khi bão ập đến nước này.

 Bà Caroline Haga, một giới chức cao cấp của Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế hiện có mặt ở Beira cho biết tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều ở các khu vực xung quanh, nơi vẫn bị cắt đứt hoàn toàn bởi đường bộ và nơi mà những ngôi nhà không còn vững chắc.

Cảnh quay trực thăng cho thấy lũ lụt và thiệt hại sau bão Idai ở Beira, Mozambique vào ngày 17/3/2019
Cảnh quay trực thăng cho thấy lũ lụt và thiệt hại sau bão Idai ở Beira, Mozambique vào ngày 17/3/2019

Tổng thống Nyusi bay qua các khu vực có thể tiếp cận, và một số khu vực trong đó đã bị ngập lụt trước khi bão Idai đổ bộ.

Nỗ lực cứu hộ

Tại Beira, thành phố lớn thứ tư Mozambique và là nơi cư trú của 500.000 người, một con đập lớn đã vỡ, gây khó khăn hơn cho các nỗ lực cứu hộ.

Những dải đất rộng lớn đã bị nhấn chìm hoàn toàn, và ở một số đường phố, người dân lội qua vùng nước cao đến đầu gối xung quanh đống kim loại và các mảnh vụn khác.

Vào đầu giờ sáng 18/3, lực lượng cứu hộ đã dung những chiếc thuyền xuống vùng nước cao ngang ngực, di chuyển qua đám lau sậy và cây cối để giải cứu những người bị mắc kẹt trong trận lụt.

Trong khi đó, các nhân viên cứu hộ đang vật lộn để tiếp cận người dân ở quận Chimweimani của Zimbabwe, nơi những cơn mưa xối xả chia cắt khỏi khu vực còn lại của đất nước và gió mạnh lên tới 170 km/h đã cuốn trôi những con đường, nhà cửa, cầu cống và đánh sập đường điện và thông tin liên lạc.

Kho bạc quốc gia Zimbabwe đã phân bổ 18 triệu USD để xây dựng lại đường sá và cầu, cung cấp nước, vệ sinh và điện. Các gia đình bắt đầu chôn cất nạn nhân thiệt mạng trong khi theo dự báo số người chết vẫn còn tăng.

Nhiều người đã ngủ trên núi kể từ hôm 15/3 sau khi nhà của họ bị những tảng đá và lở đất san phẳng hoặc bị cuốn trôi bởi những cơn mưa xối xả.

Chính quyền Harare, thủ đô của Zimbabwe đã tuyên bố tình trạng thảm họa tại các khu vực bị ảnh hưởng do bão. Zimbabwe, một đất nước có 15 triệu dân đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng tàn phá mùa màng.

“Cửa ngõ” Đông Nam Phi

Beira, nằm ở cửa sông Pungwe cũng là nơi có cảng lớn thứ hai ở Mozambique đóng vai trò là “cửa ngõ” cho hàng nhập khẩu vào các quốc gia không giáp biển ở Đông Nam châu Phi.

Giám đốc của một công ty cùng quản lý cảng, Cornelder có trụ sở tại Hà Lan (giấu tên) cho biết cảng đã đóng cửa từ hôm 13/3 nhưng dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động vào ngày 19/3.

Giám đốc này cho biết hai cần cẩu sẽ làm việc và công ty có hai máy phát điện lớn và đủ nhiên liệu cho đến hiện tại, tuy nhiên, thiệt hại cho các tuyến đường và đường bộ vào sâu trong đất liền có thể gây ra vấn đề.

Theo giám đốc này, đường ống nhiên liệu chạy từ Beira đến Zimbabwe được cho là còn nguyên vẹn trong khi thông tin liên lạc vẫn rất chắp vá và do đó tình hình tại cảng vẫn không chắc chắn.

Hồi tháng 2/2000, bão Eline đã tấn công Mozambique khi đất nước bị tàn phá bởi trận lụt tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ. Cơn bão đã làm 350 người chết và khiến 650.000 người vô gia cư trên khắp miền Nam châu Phi, và bão cũng đổ bộ Zimbabwe.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: