An toàn hồ, đập - Nỗi lo thường trực mùa mưa bão

Đăng ngày: 22-04-2022 | Lượt xem: 1689
Bước vào mùa mưa bão, các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan như: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất… xảy ra bất thường, ảnh hưởng đến sự an toàn của các đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc chủ động kiểm tra, sửa chữa các hồ, đập bị xuống cấp và xây dựng phương án ứng phó, bảo vệ công trình trong mùa mưa bão luôn được Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, cán bộ quản lý, vận hành hồ Phượng Hoàng, xã Cù Vân (Đại Từ) đã hạ thấp mực nước hồ để tăng dung tích phòng lũ.

Trạm Khai thác thủy lợi huyện Phú Lương (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) hiện đang quản lý 21 công trình, trong đó có 18 hồ chứa và 3 đập dâng. Để đảm bảo an toàn cho các hồ, đập, trước mùa mưa bão, Trạm đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình và xây dựng phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của từng hồ chứa. Đồng thời, đề xuất Công ty cùng các cấp, ngành liên quan đầu tư nâng cấp, cải tạo một số hạng mục bị hư hỏng.

Ông Ma Đình Bộ, Trạm phó Trạm Khai thác thủy lợi huyện Phú Lương, chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 hồ chứa đang được sửa chữa, gồm: Hồ Núi Mủn, xã Cổ Lũng; hồ Thâm Quang, xã Hợp Thành; hồ Tuông Lập, xã Ôn Lương; hồ Nậm Dất, xã Yên Trạch và hồ Khe Ván, xã Phủ Lý, với tổng số vốn hơn 9,7 tỷ đồng. Đối với các hồ, đập còn lại, chúng tôi triển khai phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Đồng thời, cử cán bộ trực 24/24 giờ, cập nhật tình hình thời tiết, lượng mưa để có kế hoạch vận hành tràn xả lũ nhằm hạ thấp mực nước, tăng dung tích phòng lũ, giảm nguy cơ lượng nước vượt quá khả năng điều tiết của hồ chứa.

Cán bộ Trạm Khai thác thủy lợi huyện Phú Lương kiểm tra vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Không chỉ riêng ở huyện Phú Lương, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên hiện đang quản lý, vận hành 197 hồ, đập lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, hằng năm, Công ty đều tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng. Từ đó, tiến hành cải tạo, nâng cấp một số hạng mục, công trình cấp bách để đảm bảo an toàn và cấp nước phục vụ sản xuất.

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có một số công trình được nâng cấp, như: Hồ Đồng Tâm, xã Phúc Lương và hồ Cây Nhừ, xã Phú Lạc (Đại Từ); hồ Bảo Linh, xã Bảo Linh và hồ Thẩm Ngược, xã Tân Dương (Định Hóa); hồ Đèo Khê, hồ Bạch Thạch, hồ La Đao, xã Tân Kim và hồ Đồng Đình, xã Bảo Lý (Phú Bình)... Ngoài ra, trong năm 2022, Công ty đã có kế hoạch sửa chữa 14 công trình hồ, đập bị hư hỏng.

Mặc dù vậy, việc nâng cấp các hồ, đập cũng gặp nhiều khó khăn vì nguồn kinh phí còn hạn hẹp, số lượng hồ chứa nhiều. Thực tế cho thấy, việc sửa chữa mới chỉ được thực hiện ở những công trình cấp bách, xung yếu. Vì thế, vẫn còn một số công trình bị xuống cấp, hư hỏng.

Đơn cử như tại huyện Định Hóa, mố đập Vai Cái, xã Bảo Cường bị rò rỉ, sụt lún; đập Pác Lỳ, xã Linh Thông đang bị xuống cấp, thân đập và bể tiêu năng hư hỏng. Hay tại hồ Thâm Phá, xã Kim Phượng đã bị xói lở thượng lưu, hạ lưu và đỉnh đập, xuất hiện mạch đùn mạch sủi dưới chân đập.

Còn tại huyện Đại Từ, mái hạ lưu hồ Kim Tào, xã Phú Thịnh bị sạt trượt nhỏ, tràn xả lũ có hiện tượng thấm bên mang tràn; đường quản lý là đường đất dài khoảng 150m đã xuống cấp, gây khó khăn trong việc kiểm tra, theo dõi. Tại huyện Đồng Hỷ, hồ xóm 8, thị trấn Sông Cầu có mái thượng lưu, hạ lưu sạt lở, không đảm bảo an toàn cho công tác quản lý trong mùa mưa bão và công tác tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Trước thực trạng trên, cùng với việc duy tu, sửa chữa, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ quản lý, vận hành hồ chứa cho cán bộ nhân viên; tăng cường giám sát, theo dõi diễn biến thời tiết để điều tiết lượng nước trong hồ hợp lý; thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ về vật tư, nhân lực, trang thiết bị để chủ động ứng phó trong mọi tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra. Cùng với đó, Công ty phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi, không lấn chiếm hành lang, không tự ý thay đổi kết cấu của kênh mương thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất và thoát lũ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, cho biết: Trước mùa mưa bão, Công ty thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi để phát hiện sự cố sớm nhằm đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời. Hiện nay, cơ bản các công trình thủy lợi do Công ty quản lý chỉ đảm bảo an toàn trong điều kiện diễn biến thời tiết mưa lũ bình thường, nhưng nếu xảy ra diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, mưa lũ dồn dập vượt tần suất thiết kế sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các công trình chứa nước bị xuống cấp, xây dựng dữ liệu về đập, hồ chứa thủy lợi và bản đồ ngập vùng hạ du...

Theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết trong mùa mưa năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, việc chủ động các giải pháp nhằm sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giữ an toàn hệ thống hồ, đập sẽ góp phần hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Lương Hạnh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/an-toan-ho-dap-noi-lo-thuong-truc-mua-mua-bao-300158-205.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: