24 người chết và bị thương do thiên tai trong 5 tháng đầu năm nay

Đăng ngày: 03-06-2019 | Lượt xem: 1160
Thiên tai trong 5 tháng đầu năm nay ở các tỉnh phía Bắc đã làm 18 người chết, 6 người bị thương và gây thiệt hại về vật chất lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và các đại biểu tham quan lớp dạy bơi cho trẻ em tại thành phố Hoà Bình. Ảnh Hoàng Phan

Sáng nay, 3.6, tại Hoà Bình, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị phòng chống thiên tai khu vực phía Bắc năm 2019.
Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho thấy, ngay từ những tháng đầu năm, hiện tượng mưa cực đoan, mưa đá, giông lốc cũng đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại người và tài sản.
Qua thống kê, ở các tỉnh phía Bắc đã xảy ra 63 trận giông, lốc kèm theo mưa đá. Trong đó, mưa giông, lốc và mưa đá xảy ra từ 13 - 15.4 gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Thái Nguyên, khoảng 46,4 tỉ đồng. Mưa giông, lốc xoáy xảy ra tại Thanh Hoá từ ngày 21 - 28.4 cũng gây thiệt hại ước tính 82,6 tỉ đồng.
Gần đây nhất, từ 25 - 29.5, miền núi phía Bắc có mưa to đến rất to gây ra lũ quét, sạt lở đất ở khắp các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng và Yên Bái.
Cũng theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, thiên tai xảy ra ở các tỉnh phía Bắc trong 5 tháng đầu năm nay đã làm 18 người chết và mất tích và 6 người bị thương.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Hoà Bình phát động chương trình Phòng ngừa rủi ro thiên tai do đuối nước cho trẻ em, học sinh trong vùng mưa lũ năm 2019.
Chia sẻ tại lễ phát động, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết giai đoạn 2010 - 2013, trung bình mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em bị thiệt mạng do các rủi ro liên quan đến nước. Đến giai đoạn 2015 - 2017, con số trên đã có xu hướng giảm, còn trung bình khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.
Ông Hoài cũng nhấn mạnh, chương trình nhằm kêu gọi sự quan tâm của các cấp, các ngành và chung tay của toàn xã hội nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em; khuyến khích các địa phương đưa các nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục trong nhà trường.
Đối với các vùng vào mùa mưa lũ kéo dài, chính quyền địa phương tổ chức nhân rộng các mô hình đưa rước trẻ, nơi trông giữ trẻ tập trung, bố trí ngân sách và huy động sự tham gia của toàn xã hội để đầu tư, hỗ trợ cho công tác rèn luyện kỹ năng bơi, nâng cao môi trường sống an toàn cho trẻ nhỏ, giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh vùng mưa lũ.
Theo thanhnien.vn
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: