Triển khai các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành liên quan đến lĩnh vực khí tượng thủy văn

Đăng ngày: 23-04-2020 | Lượt xem: 2097
Chiều ngày 22/4/2020 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) ông Trần Hồng Thái và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục đã có buổi làm việc trực tuyến về “Định hướng phát triển ngành giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch triển khai các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng chính phủ mới ban hành về Khí tượng Thủy văn”. Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham dự và chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Trong 10 năm vừa qua, ngành KTTV đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công cuộc phát triển ngành KTTV đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới: được đầu tư hệ thống các trạm tự động, hệ thống thu thập dữ liệu, hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin ở cả địa phương, Đài khu vực và trung ương. Tuy nhiên, các hoạt động của ngành KTTV giai đoạn 2016-2019 còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Hệ thống thể chế, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về Khí tượng Thủy văn (KTTV) cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Trong đó cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, triển khai các nhiệm vụ, hoạt động KTTV của địa phương, chuyên dùng của tổ chức, cá nhân. Tổng cục chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành nên chưa đạt hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu công tác. Công tác dự báo, cảnh báo KTTV,đặc biệt là dự báo bão, lũ còn chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của xã hội trong điều kiện mạng lưới trạm KTTV hiện có, trang thiết bị, công nghệ dự báo hiện nay và diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường, hiện chưa có mô hình dự báo chuyên dùng của Việt Nam; mô hình tổ chức dự báo còn tồn tại nhiều bất cập giữa cấp Trung ương, Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh, trong đó Đài KTTV tỉnh còn hạn chế về chuyên môn.

Việc thành lập mới, nâng cấp theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 còn hạn chế (mật độ thưa và chưa hợp lý, đặc biệt là ở những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai như bão, lũ, lũ quét); chưa đáp ứng được nhu cầu công tác quản lý nhà nước. Thiết bị công nghệ quan trắc thay đổi, nhiều chủng loại thiết bị của các hãng sản xuất khác nhau cần được đồng bộ hóa. Thiết bị được đầu tư sử dụng chưa được hiệu quả, còn chồng chéo và trùng lặp giữa quan trắc thủ công và tự động; chưa sử dụng hết công năng các sản phẩm đã được đầu tư từ các dự án trong giai đoạn vừa qua. Công tác điều tra khảo sát KTTV chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin cho phòng chống thiên tai, bão lũ và cung cấp số liệu KTTV nhất là ở những vùng chưa có hoặc mật độ trạm KTTV thưa”.

Thông tin, dữ liệu KTTV chưa được tổ chức lưu trữ, quản lý tập trung hóa tốt, hệ thống tích hợp dữ liệu KTTV chưa hoàn thiện, các hạ tầng và công nghệ thực hiện truyền dẫn, lưu trữ, quản lý, chia sẻ, khai thác thông tin dữ liệu còn hạn chế.

Hoạt động khoa học công nghệ đã được đẩy mạnh thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch khoa học công nghê hàng năm, tăng cường nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ cấp địa phương, ứng dụng kết quả nghiên cứu nhằm giải quyết các khó khăn trong công tác chuyên môn tại địa phương. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ từ các đề tài các cấp chưa đáp ứng được nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng cao nhằm tăng cường chất lượng công tác chuyên môn, trong bối cảnh cách mạng 4.0. Hoạt động hợp tác quốc tế đa phương và song phương giai đoạn 2016- 2019 chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của sự phát triển lĩnh vực KTTV trên toàn thế giới. Những vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đặt ra nhiều thách thức trong công tác đối ngoại của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, trong đó có lĩnh vực KTTV. Những thành công trong lĩnh vực hợp tác quốc tế của ngành KTTV Việt Nam trong giai đoan 2016-2019 trong khuôn khổ hợp tác đa phương với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Ủy ban Bão (TC) đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi hoạt động hợp tác quốc tế của ngành KTTV Việt Nam phải được thực hiện hiệu quả hơn, sâu hơn trong các hợp tác chuyên ngành, góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo cáo Thứ trưởng tại cuộc họp, ông Trần Hồng Thái đã đưa ra mục tiêu cụ thể, chi tiết về phát triển ngành KTTV toàn diện đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa, có đủ năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật KTTV trong phạm vi cả nước, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, cấp báo động lũ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trong tình hình mới. Cụ thể một số ý chính là:

Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và xây mới các Văn bản Quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của mạng lưới KTTV; hoàn thiện và xây dựng mới hệ thống văn bản quản lý kỹ thuật KTTV, quy trình, quy định về dự báo, cảnh báo và thông tin, dữ liệu KTTV.

Hoàn thiện hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV; Nâng cao chất lượng, tăng thời hạn dự báo, cảnh báo KTTV nhằm đáp ứng các yêu cầu phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và truyền tin KTTV phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV. Khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng về thông tin, dữ liệu KTTV đang được đầu tư. Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu thông suốt, thu nhận đầy đủ, thống nhất; tích hợp các công cụ, phần mềm trong khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu KTTV đảm bảo phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng bộ và hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV, nâng cao chất lượng dịch vụ, thời hạn cảnh báo và dự báo; Tự động hóa quá trình tác nghiệp dự báo KTTV. Thực hiện dự báo và cung cấp thông tin dự báo chi tiết đến các đơn vị hành chính cấp xã/phường. Đa dạng hóa các hình thức truyền tải thông tin cảnh báo, dự báo. Xây dựng hệ thống dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro; Đổi mới tổ chức hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực tế trong công tác dự báo phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao năng lực của Đài KTTV tỉnh, đảm bảo đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ dự báo theo hướng tác động, rủi ro phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai ở địa phương; Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đảm bảo đủ năng lực tiếp nhận, khai thác, ứng dụng công nghệ hiện đại, cung cấp thông tin, dữ liệu dự báo KTTV cho các Trung tâm khu vực và Trung tâm dự báo chuyên dùng.

Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo công tác quản lý và vận hành hệ thống quan trắc KTTV tự động tiên tiến, hiện đại đáp ứng việc cung cấp số liệu, thông tin điều tra cơ bản về KTTV phục vụ công tác quản lý ngành tài nguyên và môi trường.

Tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 trong các hoạt động thu nhận, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin dữ liệu KTTV. Tăng cường giám sát biến đổi khí hậu; tăng cường dịch vụ KTTV, dịch vụ khí hậu.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao những thành tựu mà ngành KTTV đạt được trong những năm qua. Tuy nhiên trong giai đoạn mới Tổng cục KTTV cần tập trung vào 2 công việc chính: Định hướng phát triển ngành KTTV theo các nhiệm vụ được giao, xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025, tập chung vào những vấn đề dựa trên quá trình phát triển của ngành KTTV trong những giai đoạn trước, tồn tại ở thời điểm hiện nay và định hướng tiếp theo phù hợp với thời cuộc. Tăng cường hoạt động KTTV trong nội bộ ngành Tài nguyên và Môi trường, ở từng địa phương, ở các bộ-ngành, tăng cường việc thực hiện các quy định pháp luật về KTTV xuyên suốt, đó là xu thế mà ngành KTTV đã tập trung phát triển trong 5 năm qua, xây dựng nên vị thế của ngành KTTV.

Trong từng mảng công việc, trong báo cáo đã chỉ ra chiến lược phát triển: Mạng lưới tự động hóa toàn bộ hệ thống, cung cấp thông tin trong thời gian thực phục vụ công tác dự báo. Xây dựng chiến lược, định hướng trọng tâm trong giai đoạn 5 năm tới: phát triển mạng lưới quan trắc dự báo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm dự báo hướng ra biển. Vì vậy, cần tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu về KTTV thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành sớm việc thu nhận, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin dữ liệu KTTV.

Công tác dự báo cần thay đổi hệ thống trạm, hệ thống thông tin, thay đổi về công nghệ, thay đổi về tổ chức công việc, tổ chức công tác dự báo tiến tới dự báo tự động. Sản phẩm dự báo nền đưa ra sẽ là sản phẩm chung để sử dụng tiếp tục cho các dự báo, cảnh báo thiên tai, dự báo đích đối tượng, đích sử dụng…chuyên nghiệp trong các bản tin dự báo, hệ thống dự báo cần phải được đầu tư, nghiên cứu và đổi mới giúp cho ngành KTTV có vị thế tốt hơn, có nhiều sản phẩm hướng đối tượng sử dụng, khai thác để tạo thành nhiều nguồn thu khác nhau. Toàn thể lãnh đạo Tổng cục thống nhất về tư tưởng, hành động, tập trung vào những vấn đề trọng điểm, tạo hiệu quả và sức bật cho ngành KTTV. Với nguồn lực hiện nay còn hạn chế, ngành KTTV cần xây dựng lộ trình, tổng hợp, đặt ra thời hạn cho từng nhiệm vụ để tạo thành nguồn lực cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Bài và ảnh: Thu Hằng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: