Tọa đàm thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường, khốc liệt

Đăng ngày: 22-10-2024 | Lượt xem: 315
Sáng ngày 22/10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) Hoàng Đức Cường tham dự Tọa đảm thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường, khốc liệt tại Tòa báo Tiền phong.

Tọa đàm có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn Hoàng Đức Cường;  PGS.TS Phạm Quý Nhân, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; TS Vũ Anh Tuân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Hải;  TS. Nguyễn Đại Trung, Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước – WATEC Văn Phú Chính và Đại diện UBND thành phố Hải Phòng

Tại tọa đàm, các diễn biến, hậu quả của cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) mới tàn phá miền Bắc được nhiều chuyên gia phân tích, đánh giá.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV trao đổi tại tọa đàm

Tại tọa đàm, Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, đầu tháng 9, áp thấp nhiệt đới hình thành ngoài biển Đông và mạnh lên thành bão.

Đến ngày 3/9, khi vào biển Đông, bão có tên quốc tế là Yagi và là cơn bão số 3 trong năm. Vào biển Đông khoảng 2 ngày sau, bão Yagi đã tăng từ cấp 8 lên cấp 16 (cấp siêu bão).

"Đây là kỷ lục đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận về cơn bão tăng cấp nhanh nhất trên biển Đông. Lúc đó, quan sát trên hình ảnh vệ tinh cơn bão có hoàn lưu rất rộng, mắt bão sắc nét và chúng tôi luôn khẳng định đây là cơn bão cực kỳ nguy hiểm trước khi ảnh hưởng đến đất liền nước ta”.

Khi đổ bộ vào bán đảo Hải Nam (Trung Quốc) bão Yagi vẫn giữ cấp siêu bão (cấp 16). Bão Yagi khi tiến vào vịnh Bắc Bộ rồi sau đó đổ bộ vùng Quảng Ninh, Hải Phòng có hoàn lưu rất rộng với sức gió mạnh cấp 14.

Ngày 7/9, bão Yagi ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Các vị trí tiền tiêu là Vân Đồn, Bãi Cháy (Quảng Ninh) ghi nhận gió cấp 13, 14 giật cấp 17. Hải Phòng ghi nhận gió cấp 12, 13 giật cấp 15. Sau khi vào đất liền, bão Yagi gây mưa rất lớn, phủ khắp Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Lượng mưa phổ biến do ảnh hưởng của bão số 3 ở mức 400-500mm, nhiều nơi lên đến 700mm.

Toàn cảnh tọa đàm

Tổng kết về các đặc điểm bất thường, kỷ lục của bão Yagi, ông Cường cho biết, đây là cơn bão tăng cấp thành siêu bão nhanh nhất từ trước đến nay trên biển Đông (48 giờ tăng 8 cấp, từ cấp 8 lên cấp 16 - cấp siêu bão).

Đặc biệt, lần đầu tiên Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia ghi nhận và dự báo siêu bão trên biển Đông, kể từ khi chúng ta có phân định về mức siêu bão từ năm 2014.

"Gió giật mạnh nhất ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 17 và đây là lần đầu tiên ở Việt Nam đo được cấp gió này", ông Cường nhấn mạnh và đánh giá, với tác động của biến đổi khí hậu hiện nay thì thiên tai còn nhiều diễn biến bất thường hơn nữa.

Các hiện tượng cực đoan như nắng hạn, nước biển dâng sẽ trầm trọng hơn trước. Các cơn bão dù chưa có dấu hiệu rõ ràng nhưng số lượng bão mạnh tăng lên gần đây là một xu hướng. Đây là điều dễ hiểu vì biến đổi khí hậu sẽ tạo nhiều điều kiện hình thành các cơn bão mạnh.

Minh chứng những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều cơn bão mạnh. Chỉ 5-6 năm gần đây, chúng ta đã hứng chịu đến 6 cơn bão mạnh. Dưới tác động của biến đổi khí hậu ngoài bão mạnh còn là mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở đất.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV trao đổi tại tọa đàm

Để chủ động ứng phó với thiên tai ở Việt Nam thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Khí tượng Thuỷ văn Hoàng Đức Cường cho rằng: Nhà nước cần tập trung đầu tư hệ thống công nghệ cảnh báo sớm, nhất là phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên. Tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu ở các nước. Tận dụng công nghệ tiên tiến các nước song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới. Đồng thời, ứng dụng các phương tiện, hiện đại trong việc truyền tin trong đó truyền tin dễ hiểu, nhanh nhất dễ nhất đến các đối tượng người dân; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành ngành khí tượng thủy văn.

Đồng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Đại Trung, Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) cho rằng, để nâng cao năng lực phòng tránh lũ quét, sạt lở đất cho người dân ở những vùng có nguy cơ cao sau khi có hệ thống các bản đồ hiện trạng, phân vùng nguy cơ, hiện trạng và khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đầy đủ ở tỉ lệ 1:50.000 và chi tiết hơn.

Đồng thời đề xuất, công tác chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, tập huấn phải đến được ở cấp xã, cấp thôn bản và đến được người dân sống trong những vùng có nguy cơ về sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét; phương pháp và tài liệu chuyển giao phải được phổ thông, dễ hiểu với chính quyền và người dân; hệ thống thông tin phải được cập nhật các cấp và có địa chỉ xử lý, ra quyết định ứng phó kịp thời, dự báo, cảnh bảo sớm về sạt lở đất, lũ quét.

Tạp chí KTTV

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: