Tổng cục Khí tượng Thủy văn họp thảo luận về cơn bão số 7

Đăng ngày: 10-11-2024 | Lượt xem: 797
Sáng ngày 10/11, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã có cuộc họp thảo luận về nhận định tình hình của cơn bão số 7 dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường

Toàn cảnh cuộc họp

Tham dự cuộc họp có đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Trung Trung Bộ, Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Trung Bộ và các đài địa phương trực thuộc 2 khu vực trên.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trình bày về cơn bão số 7

Chia sẻ diễn biến bão số 7 trên biển Đông (YINXING), ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: Bão đã đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15 vào chiều qua 9/11, đến sáng sớm nay 10/11, bão đổi hướng di chuyển xuống phía Nam.

ường độ bão đang giảm nhanh do đang di chuyển vào khu vực có điều kiện môi trường không thuận lợi. Nhiệt độ mặt nước biển hiện tại ở khu vực phía Tây của quần đảo Hoàng Sa dưới mức tối ưu (dưới 26 độ C), làm giảm nguồn năng lượng cung cấp cho bão, góp phần làm suy yếu dần. Bên cạnh đó, khối không khí lạnh và khô vẫn bao trùm, vì thế, độ ẩm tương đối trong lớp khí quyển từ mặt đất đến độ cao 1.500m rất thấp, làm hạn chế sự phát triển của mây bão.

Ngoài ra, hiện tại ở khu vực phía Đông của Philippin đang có một cơn bão mới, có tên quốc tế là TORAJI đang hoạt động. Dự báo sáng mai, khi bão TORAJI di chuyển vào khu vực phía Đông của đảo Lu-Dông (Philippin), khoảng cách giữa bão số 7 và bão TORAJI vào khoảng 1.200-1.400km - là khoảng cách mà tương tác bão đôi xuất hiện. Do đó, bão TORAJI sẽ làm cho bão số 7 (YINXING) lệch nhiều hơn xuống phía Nam.

Dự báo đường đi và cường độ 2 cơn bão trong những ngày tới

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 7 gây tác động nguy hiểm nhất là tình trạng gió mạnh trên biển. Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-13, giật cấp 16, sóng biển cao 4 - 6m. Vùng gần tâm 6 - 8m; biển động dữ dội.

Từ gần sáng mai 11/11, vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi khả năng có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2 - 4m, vùng gần tâm bão 3 - 5m; biển động mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Trên đất liền, từ tối và đêm mai đến hết ngày 12/11, khu vực Trung và Nam Trung Bộ sẽ có mưa nhưng rất ít khả năng có mưa cực đoan gây lũ trên các trên các sông ở miền Trung.

Đây là những cảnh báo tác động theo dữ hiệu hiện tại, người dân các vùng ven biển miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, cần theo dõi sát tình hình bão và chuẩn bị các phương án ứng phó để giảm thiểu rủi ro.

“Dự báo từ thời điểm 11h hôm nay 10/11, trong vòng 24-48 giờ tới, bão dự kiến tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Nam và cường độ bão sẽ suy giảm nhanh xuống dưới cấp 10 do các điều kiện không thuận lợi từ nhiệt độ và độ ẩm không khí” – ông Hưởng khẳng định.

Cơn bão TORAJI nhiều khả năng sẽ di chuyển vào Biển Đông trong khoảng chiều tối đến đêm mai 11/11 và trở thành cơn bão số 8 trên biển Đông năm 2024. Dưới tác động của bão số 7 rồi đến lượt bão số 8, trong tuần tới, khu vực phía Bắc và Giữa của Biển Đông liên tục có gió mạnh, sóng cao và biển động mạnh. Khả năng cũng có thể xuất hiện bão số 9.

Hình ảnh 3 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới trên cùng một dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua phía Bắc của biển Đông

Các chuyên gia nhận định, biển Đông chuẩn bị đón một cơn gió mùa Đông Bắc lạnh. Ngoài các cơn bão, trong khoảng 5 – 10 ngày tới còn xuất hiện một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh nữa cũng góp phần gây gió lớn, sóng mạnh trên biển. Các địa phương cần hết sức lưu ý để cảnh báo tàu thuyền hoạt động trên biển, nếu có thể nên hạn chế ra khơi

Tại cuộc họp, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu đồng tình với các nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và cho rằng, với xu thế hiện nay, khoảng chiều tối và đêm nay, bão số 7 có thể giảm xuống cấp 11, khi tiến sát bờ khả năng chỉ còn khoảng cấp 5- 6. Sự tương tác với bão số 8 vẫn có nhưng không nhiều, và thời điểm này các điều kiện cũng không thuận lợi để bão phát triển mạnh thêm.

Trung tâm Hải văn đưa ra cảnh báo sóng lớn tại vùng biển các tỉnh miền Trung, tập trung tại khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại cuộc họp, các Đài KTTV khu vực cũng thông tin thêm về tình hình công tác chuẩn bị ứng phó bão tại các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ nơi có khả năng chịu tác động của hoàn lưu bão số 7.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đề nghị các Đài Khu vực, Đài tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến bão, thông tin trực tiếp cho lực lượng phòng chống thiên tai địa phương nếu có thay đổi bất thường. Trong vòng 48 giờ tới cần lưu ý tình hình tàu thuyền và gió mạnh trên đất liền.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cùng với Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, tiếp tục nghiên cứu 3 cơn bão và 1 áp thấp trên biển hiện nay để có thêm thông tin về khả năng tương tác giữa các hệ thống thời tiết này. Cùng với gió mạnh do bão cần lưu ý tình hình gió mùa Đông Bắc để đưa ra dự báo kịp thời, bởi trong một số trường hợp, gió mùa có thể mạnh hơn cả gió bão

Phó Tổng cục trưởng cũng yêu cầu Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia tập trung theo dõi, phân tích thông tin ra đa, vệ tinh phục vụ công tác dự báo bão; Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV duy trì và bảo đảm đường truyền, thông tin liên lạc; các đài khu vực và đài tỉnh theo dõi sát diễn biến thiên tai và cung cấp thông tin cho cơ quan phòng chống thiên tai, cơ quan truyền thông để cộng đồng, người dân chủ động không chủ quan.

Tạp chí KTTV

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: