Theo dõi sát, thông tin cảnh báo kịp thời để chủ động ứng phó Bão số 3

Đăng ngày: 04-09-2024 | Lượt xem: 984
Sáng 04/9, tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp kiểm tra công tác dự báo bão số 03 YAGI.

Cùng tham dự họp có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ TN&MT, các đơn vị trực thuộc Bộ; các đơn vị trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (KTTV) cùng các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh tại các điểm cầu trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Báo cáo về tình hình diễn biến bão số 03, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Hồi 10h ngày 3/9/2024, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19 độ vĩ bắc; 117,8 độ kinh Đông; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14.

Ông Khiêm nhấn mạnh: Đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Bắc Bộ, mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương cơn bão số 3 năm 2014 và cơn bão số 1 năm 2016 và cho biết, từ 7 - 9/9 sẽ xảy ra một đợt mưa to đến rất to trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trường hợp ít khả năng hơn là bão lệch hơn lên phía bắc, đi dọc ven biển Quảng Tây, Trung Quốc thì những tác động về mưa, gió sẽ giảm hơn.

Nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất lúc này là gió rất to, sóng rất lớn trên biển dọc theo 19 vĩ độ 19 Bắc, là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 14-15, gió giật cấp 17, sóng cao 8-10 m, có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn. Các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh do bão số 3.

Khoảng đêm 06, ngày 07/9, bão sẽ vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 15 hướng về phía Bắc Bộ. Vùng ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12. Bão số 03 có thể gây ra các đợt mưa lớn, thời gian mưa tập trung từ ngày 07-09/9. Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa dự báo đến 200-300 mm, có nơi trên 500 mm, nguy cơ rất cao gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Các đảo Bạch long Vĩ, Cô Tô: Chịu tác động của sóng lớn và nước dâng (bắt đầu từ chiều ngày 6/9); vùng biển ven bờ (Quảng Ninh - Nghệ An) mặc dù thuỷ triều thấp nhưng nước dâng do bão và sóng cao nên vẫn còn nguy cơ ngập ở vùng trũng/thấp ven biển, ven sông, khu neo đậu tàu/thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản,…

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tình hình diễn biến cơn bão số 03 YAGI.

Bà Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu thảo luận tại cuộc họp

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn La Đức Dũng, ngay từ khi vùng áp thấp xuất hiện ngoài khơi Phi-lip-pin, Tổng cục KTTV đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo kịp thời diễn biến từ khi có dấu hiệu cho đến khi vùng áp thấp phát triển thành bão. Ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 86/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo phân công.

Để đôn đốc tăng cường công tác dự báo, cảnh báo bão số 3, Tổng cục KTTV đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Vụ Quản lý mạng lưới KTTV phối hợp với Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Đài KTTV khu vực đảm bảo hệ thống mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia hoạt động ổn định trong tình huống khi có thiên tai xảy ra. Công tác thông tin dữ liệu đảm bảo hệ thống đường truyền, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV, xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp có sự cố.

Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia tập trung cao độ để theo dõi chặt chẽ diễn biến, tác động của bão như: gió mạnh, sóng lớn, nước dâng, mưa lớn, dông lốc trước bão, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá…sau bão; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động, không để bị động, bất ngờ nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống, giảm thiểu và khắc phục hậu quả của thiên tai đến các cấp và nhân dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Lê Công Thành đánh giá cao việc Tổng cục KTTV theo dõi sát sao cơn bão số 3. Ông đề nghị Tổng cục KTTV tiếp tục cập nhật các thông tin mới nhất, tiếp tục cảnh báo, theo dõi về tình hình cơn bão số 3, đồng thời sử dụng các hệ thống cảnh báo dông, sét, hệ thống cảnh báo nguy cơ lũ quét sạt lở đất để đánh giá nguy cơ bất ổn định trong đất liền. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Quản lý Tài nguyên nước theo dõi sát sao, cập nhật lưu lượng xả lũ tại các hồ chứa để đảm bảo công tác dự báo cho hạ du được chính xác, kịp thời hơn, trao đổi thường xuyên tình hình với Tổng cục KTTV và Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quốc gia.

Phát biểu chỉ đạo tổng kết tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy ghi nhận, đánh giá cao việc Tổng cục KTTV, Cục Quản lý Tài nguyên nước và các đơn vị liên quan của Bộ đã rất chủ động theo dõi, quan sát, cập nhật thông tin, đưa ra dự báo, cảnh báo từ sớm về cơn bão số 3. Đến thời điểm này, những dự báo trong 2 ngày qua đến bây giờ cơ bản là chính xác, dựa theo số liệu quan trắc, số liệu đo đạc, dự báo đối chứng của các cơ quan Khí tượng quốc gia. Đồng thời Bộ trưởng nhận định cơn bão số 03 có tốc độ di chuyển nhanh, cường độ cao và có khả năng nâng lên mức siêu bão, sức ảnh hưởng rất lớn trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ, các tỉnh miền núi phía Bắc, một số tỉnh thuộc duyên hải miền Trung, phải có biện pháp để giảm thiểu thiệt hại cho đất liền.

Với những giải pháp trước mắt, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ chú trọng việc ưu tiên cho công tác dự báo, cảnh báo và cung cấp các thông tin nhanh, kịp thời và chính xác về cơn bão số 3. Đưa ra các kiến nghị, đặc biệt là kiến nghị với ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương liên quan đến việc vận hành liên hồ chứa, xả lũ.

Với đặc điểm của cơn bão số 3 có tốc độ di chuyển nhanh, vùng ảnh hưởng của bão lớn, có cường độ cao, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị cần ban hành kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ứng phó với cơn bão số 3 trong đó những nhận định tình hình từ các cơ quan chuyên môn của Bộ như: Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Cục quản lý tài nguyên nước, Cục địa chất khoáng sản, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu… từ đó đưa ra những kế hoạch với các kịch bản ứng phó khác nhau, có những đầu mối kỹ thuật của từng lĩnh vực chuyên môn để các địa phương theo dõi và chủ động ứng phó với bão.

Tổng cục KTTV tiếp tục tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực, công nghệ với quyết tâm cao nhất để theo dõi, dự báo cơn bão số 3 góp phần giảm thiểu thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV La Đức Dũng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Thứ trưởng Lê Công Thành

Toàn cảnh cuộc họp

Tin ngắn: Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: