Thảo luận trực tuyến bão số 3 và hệ quả do bão gây ra

Đăng ngày: 25-08-2022 | Lượt xem: 1911
Chiều tối ngày 25/8, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục tổ chức thảo luận trực tuyến về diễn biến tiếp theo của cơn bão số 3 và mưa lũ. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường chủ trì cuộc họp thảo luận.

Tham dự cuộc họp có đại diện một số đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị của Tổng cục KTTV và các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh tại các điểm cầu trực tuyến.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hiện nay, bão số 3 đã gây mưa lớn ở Bắc Bộ. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Phù Liễn (Hải Phòng) và đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật cấp 7, Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật cấp 6.

Hồi 16 giờ ngày 25/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 170 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên), phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Hòn Dấu) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 9 - 10, sóng biển cao từ 2,5 - 3,5m. Biển động mạnh.

Từ nay đến sáng ngày 26/8, khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh khả năng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; khu vực Hải Phòng, Lạng Sơn khả năng có gió giật cấp 6 - 7.

Cảnh báo, từ nay đến đêm 26/8, ở khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, tổng lượng mưa tích lũy phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 250mm; Thanh Hóa 50 - 100mm, có nơi trên 150mm.

Khu vực Hà Nội từ nay đến ngày 26/8 có mưa to đến rất to và dông, tổng lượng mưa tích lũy phổ biến 100 - 150mm, có nơi trên 180mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Thanh Hóa; ngập úng cục bộ tại các khu dân cư, vùng trũng thấp.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Thông tin thêm về tác động của bão số 3, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, từ tối 25/8 đến khoảng ngày 27/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Từ tối 25/8-7h/26/8, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, vùng đồng bằng, Thanh Hóa lượng mưa có thể đạt 70-150mm; Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai đạt 10-30mm. Tiếp đó, từ 7h/26/8-7h27/8: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái đạt 40-60mm, các nơi khác Bắc Bộ, Thanh Hóa đạt 10-20mm.

Dự báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đại diện Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, giá trị độ ẩm đất tại khu vực Bắc Bộ phổ biến từ 0,85-0,90; riêng một số huyện tại tỉnh Sơn La, Lào Cai, Hà Giang Lạng Sơn, Thanh Hóa độ ẩm đất đạt từ 0,9-0,95. Lượng mưa dự báo trong 24 giờ tới theo mô hình WRF cho khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa dao động từ 70-240mm.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất được cảnh báo diễn ra tại các khu vực: Mường Tè (Lai Châu); Mường Ảng, Mường Chà (Điện Biên); Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn (Lào Cai); Văn Chấn, TX Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Trạm Tấu (Yên Bái); Xín Mần, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phi (Hà Giang); Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng (Lạng Sơn); Ba Chẽ, Bình Liêu (Quảng Ninh); Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa).

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV tiếp tục theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo của cơn bão số 3, tập trung vào những hệ quả do bão gây ra đó là mưa lớn, gió giật, nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất. Cập nhật tình hình thực tế tại các địa phương để đưa ra các bản tin cảnh bão lũ quét, sạt lở đất chi tiết, chính xác và hiệu quả cao nhất. Ông nhấn mạnh: Bão có thể thay đổi phức tạp nhưng bản tin phải luôn bám sát tình hình, đáp ứng công tác phòng chống thiên tai.

Quang cảnh cuộc họp

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: