Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp
Tham dự cuộc họp về phía Việt Nam có Ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia; cùng đại diện một số đơn vị chức năng trực thuộc Trung tâm. Về phía Tổ chức Khí tượng Thế giới có Ông Abdoulaye Harou, Ông Paul Joseph Pilon, Ông Jochen Luther, Đại diện của Tổ chức Khí tượng thế giới, và các thành viên đến từ các tổ chức và các nước: Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn Hoa Kỳ, các đại diện của các nước: Campuchia, Lào, Philippin, Thái Lan , Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ…
Cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án Đông Nam Á lần thứ nhất (SEA-PSC-1) Dự án: “Xây dựng khả năng thích ứng các hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) có những tác động mạnh thông qua việc xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho các khu vực Đông Nam Á và các quốc đảo nhỏ đang phát triển” là một trong bốn cuộc họp của Tổ chức Khí tượng thế giới tổ chức từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 11 năm 2017 mà Việt Nam có vinh dự đăng cai tổ chức các sự kiện quan trọng này.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã gửi lời cảm ơn đối với Cơ quan Môi trường và Biến đổi Khí hậu Canada (ECCC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ tổ chức Diễn đàn Nhận định Khí hậu ASEAN, được tổ chức tại tòa nhà Trung tâm Điều hành tác nghiệp Khí tượng Thủy văn vào tuần trước từ 15-17 tháng 11 năm 2017 và hỗ trợ thực hiện dự án MHEW ở Đông Nam Á.
Thứ trưởng cho biết: Như Tổ chức Khí tượng thế giới đã đề cập trong Chương trình Giảm thiểu Rủi ro do Thiên tai “Từ xa xưa, rất nhiều quốc gia đã ứng phó với những thảm họa thiên tai gây ra những tổn thất rất lớn về cuộc sống và sinh kế của người dân nước mình. Việc thông qua Khung Hành động Hyogo (HFA) 2005-2015 của 168 quốc gia đã dẫn tới một sự thay đổi mô hình trong quản lý rủi ro thiên tai từ phản ứng khẩn cấp tới một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm cả các chiến lược chuẩn bị ứng phó và phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro”. Hệ thống cảnh báo sớm (EWS) được công nhận là công cụ cứu hộ quan trọng cho lũ lụt, hạn hán, bão, cháy rừng và các mối nguy hiểm khác. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh: Dự án: “Xây dựng khả năng thích ứng các hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) có những tác động mạnh thông qua việc xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho các khu vực Đông Nam Á và các quốc đảo nhỏ đang phát triển” sẽ góp phần giảm thiểu những thiệt hại về người và của do các thiên tai liên quan đến khí hậu và khí tượng thủy văn gây ra cho khu vực Đông Nam Á và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng tin tưởng rằng Dự án sẽ tiếp tục tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các quốc gia cũng như khu vực để đưa ra các bản tin dự báo dựa trên tác dộng và các cảnh báo rủi ro cho các hiện tượng khí tượng thủy văn tác động mạnh, các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan.
Xem thêm "Tin tức về diễn đàn ASEAN và các Cuộc họp của WMO tổ chức tại Việt Nam từ ngày 15 - 23/11/2017" được đăng tải trên Website của WMO qua đường link:
//public.wmo.int/en/media/news/southeast-asia-strengthens-multi-hazard-early-warning-systems
Bài và ảnh: Mỹ Linh