Hội thảo “Công nghệ và định hướng giải pháp đo lưu tốc, phù sa lơ lửng trên mạng lưới thủy văn”

Đăng ngày: 21-06-2017 | Lượt xem: 4585
Sáng ngày 20/6/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn và Môi trường chủ trì phối hợp cùng Hãng JFE – Nhật Bản và Công ty CPCN Hải Âu tổ chức chương trình Hội thảo “Công...

Tổng giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia, Ông Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi Hội thảo

Tham dự buổi Hội thảo có Ông Lê Công Thành, Tổng giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia; Ông Toshiaki Take, Chuyên gia Hãng JFE – Nhật Bản; Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Công ty CPCN Hải Âu; Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa; cùng đại diện một số đơn vị trực thuộc Trung tâm KTTV quốc gia tại Hà Nội: Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn và Môi trường; Ban Khoa học, Công nghệ và hợp tác quốc tế; Ban Kế hoạch – Tài chính; Văn phòng; Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ; Liên đoàn Khảo sát KTTV.

Giám đốc Trung tâm Mạng lưới KTTV, Ông Dương Văn Khánh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo Ông Dương Văn Khánh – Giám đốc Trung tâm Mạng lưới KTTV và Môi trường cho biết Trung tâm KTTV quốc gia có gần 15 năm qua tập chung vào hướng hiện đại hóa, tự động hóa. Thiết bị máy móc tại các trạm KTTV ngày càng được nâng cấp nhưng vẫn còn những hạn chế so với nhu cầu, công nghệ và định hướng giải pháp đo lưu tốc, phù sa lơ lửng trên mạng lưới thủy văn là vấn đề đang rất được quan tâm. Ông hy vọng thông qua Hội thảo này, các đơn vị sẽ rà soát, đánh giá thực trạng mạng lưới quan trắc thủy văn tại Việt Nam, từ đó trao đổi, thảo luận đóng góp vào sự phát triển của ngành.

Tại buổi Hội thảo, Ông Quách Cao Thanh – Trưởng phòng Thủy văn -  Trung tâm Mạng lưới KTTV và Môi trường trình bày báo cáo thực trạng mạng lưới quan trắc thủy văn và định hướng công nghệ quan trắc trong tương lai.

Đại diện Hãng JFE Advantech giới thiệu đến Hội thảo các thiết bị đo, công nghệ mới trong chế tạo sensor: Đo lưu tốc nguyên lý điện tử, đo độ đục và độ điệp lục chỉ bằng 1 sensor, đo độ đục 100,000 ppm, đo độ dẫn (độ mặn) chỉ ở bên trong sensor, đo DO thời gian đáp ứng nhanh, đo COD phương pháp quang.

Cùng trong buổi Hội thảo, đại diện Công ty CPCN Hải Âu giới thiệu về công nghệ, giải pháp đo lưu tốc và phù sa lơ lửng và những kinh nghiệm triển khai ở Việt Nam.

Các đại biểu của các đơn vị đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các câu hỏi về thiết bị đo của Nhật Bản để định hướng ra công nghệ đo, phương pháp đo nhằm xem xét, đánh giá chọn lựa thiết bị đo phù hợp trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Hội thảo, Tổng giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia, ông Lê Công Thành đánh giá cao sự hợp tác lần này. Ông mong muốn qua buổi Hội thảo hôm nay, 2 bên sẽ hợp tác đưa ra những sản phẩm cụ thể. Đề nghị Trung tâm Mạng lưới KTTV và Môi trường phối hợp cùng các các đơn vị tổ chức thêm nhiều buổi Hội thảo giúp ngành KTTV ngày càng phát triển.  

Tổng giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia, Ông Lê Công Thành cùng các đại biểu tham quan thí nghiệm các thiết bị đo 

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Bài và ảnh: Mỹ Linh

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: