Chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2020 các tỉnh miền núi phía Bắc

Đăng ngày: 18-07-2020 | Lượt xem: 866
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn số 4793/BNN-PCTT về việc triển khai công tác phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020

Nội dung công văn yêu cầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư; tham mưu đưa nội dung phòng chống thiên tai vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Đối với các tỉnh chưa ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động bám sát nội dung và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, có phân công đối với các thành viên Ban Chỉ huy, hoàn thành và gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai trước ngày 25/7/2020.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác của Ban Chỉ huy các cấp, phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn khu dân cư ven sông, suối; Kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tránh để xảy ra sạt lở, sập hầm cũng như việc người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ dẫn đến các sự cố đáng tiếc như đã xảy ra trong một số năm vừa qua.

Cùng với rà soát kịch bản, phương án ứng phó, sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, cần chỉ đạo triển khai lực lượng xung kích cấp xã trong việc kiểm tra các công trình công cộng, nơi ở, các ao hồ, đập không an toàn, kiểm soát, hướng dẫn giao thông. Các chủ hồ thủy điện cùng cơ quan chức năng, chính quyền trên địa bàn rà soát, kiểm tra; phương án, vật tư trang thiết bị đảm bảo an toàn công trình, đồng thời thường xuyên theo dõi giám sát, bố trí lực lượng thường trực tại hồ để xử kịp thời các tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, trích quỹ  phòng, chống thiên tai và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đảm bảo các hoạt động phòng, chống thiên tai.

Khu vực miền núi phía Bắc, nơi sinh sống của hơn 10 triệu dân với trên 30 dân tộc thiểu số thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất.

Ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai với những chỉ đạo hết sức cụ thể; ngày 13/7/2020 tại Lào Cai, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020.

Báo cáo đã chỉ ra thời gian qua với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, với nỗ lực tập trung trong chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng được tăng cường và triền khai khá đồng bộ các giải pháp ở địa phương, nên trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp, dân số và các hoạt động kinh tế - xã hội gia tăng nhưng thiệt hại đã được giảm thiểu.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc vẫn đứng trước các thách thức do dân số gia tăng, thiếu nơi ở, nơi sản xuất an toàn; một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, nhất là trong việc quản lý đất, rừng và hỗ trợ sắp xếp, bố trí dân cư vùng thiên tai; tiếp nhận thông tin không được thường xuyên; hiểu biết, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng còn hạn chế. Việc quản lý, vận hành hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ còn nhiều bất cập, nguy cơ làm gia tăng rủi ro khi có mưa lũ lớn. Thiếu các thiết bị chuyên dùng để nắm bắt tình hình, tiếp cận nhanh chóng địa điểm xảy ra thiên tai và phát hiện, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người bị ảnh hưởng. Các tình huống chưa phát hiện kịp thời các khu dân cư, công trình có nguy cơ sạt lở, các ao hồ không an toàn, các khe suối đang tắc nghẽn, tích tụ nước nguy cơ gây lũ ống, lũ quét hoặc ứng phó kịp thời khi chưa có lực lượng chi viện của cấp trên đang phổ biến ở nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, Văn phòng thường trực bất cập cả về tổ chức, chức năng nhiện vụ, trang thiết bị, trình độ của cán bộ dẫn đến tình trạng: theo dõi giám sát thiên tai, tích hợp, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ tham mưu từ giai đoạn phòng ngừa đến ứng phó, khắc phục hậu quả nhiều tình huống chưa được kịp thời, lúng túng, thiếu bài bản, hiệu quả thấp.

Bùi Dịu

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: