Tham dự cuộc họp có Các Vụ: Quản lý mạng lưới, Quản lý Dự báo, Kế hoạch tài chính; Văn phòng Tổng cục; các Trung tâm: Quan trắc Khí tượng Thủy văn, Dự báo KTTV quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Công Thành chủ trì cuộc họp
Cuộc họp nhằm đánh giá lại mạng lưới trạm thủy văn quốc gia trên toàn quốc. Từ đó tập chung đổi mới lĩnh vực thủy văn về thông tin khảo sát; Quy trình nhiệm vụ; Tổ chức bộ máy.
Tổng cục trưởng, Tổng cục KTTV, ông Trần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục KTTV, ông La Đức Dũng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, mạng lưới trạm thủy văn quốc gia hiện có 406 trạm, trong đó số trạm thủy văn truyền thống, có quan trắc viên là 242 trạm; số trạm thủy văn tự động độc lập là 164 trạm.
Báo cáo nêu rõ cụ thể hiện trạng mạng lưới trạm với các nội dung về hệ thống trạm truyền thống, có quan trắc viên; hệ thống trạm tự động; công tác duy tu, bảo dưỡng, bảo trì PTĐ thủy văn; Về mật độ trạm thủy văn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề tồn tại trên mạng lưới quan trắc thủy văn quốc gia về vấn đề ảnh hưởng của các nhà máy thủy điện đến các trạm thủy văn; Vấn đề vi phạm hành lang kỹ thuật công trình; Vấn đề về giảm một số yếu tố quan trắc không thật cần thiết ở các trạm thủy văn hạng III.
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục KTTV, ông La Đức Dũng báo cáo tại cuộc họp
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới trạm thủy văn, đáp ứng các nhu cầu dự báo, cảnh báo KTTV, phát triển KTXH đồng thời từng bước tiến tới mạng lưới trạm quan trắc tự động, hiện đại, tinh gọn về bộ máy tổ chức, trong thời gian tới. Tổng cục KTTV cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị sau:
1. Nghiên cứu, xây dựng các quy định kỹ thuật lắp đặt và quan trắc lưu lượng nước bằng thiết bị tự động theo nguyên lý không tiếp xúc (RQ30, RQ50,...); công nghệ quan trắc mực nước bằng camera ứng dụng AI và các công nghệ hiện đại khác để có thể ứng dụng rộng rãi trên mạng lưới nhằm thay thế dần các phương tiện đo thủ công và phát triển mạng lưới quan trắc mới đảm bảo tính tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu số liệu phục vụ dự báo số và đẩy nhanh tiến trình tự động hóa mạng lưới trạm.
2. Nghiên cứu định hướng cho đơn vị tư vấn lập quy hoạch xây dựng quy hoạch mạng lưới trạm với mật độ phù hợp đảm bảo đáp ứng các nhu cầu phục vụ điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo và phát triển kinh tế - xã hội; hướng tới mạng lưới trạm có tính tự động hóa cao theo các lộ trình cụ thể. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất được hình thức phân loại trạm và mô hình quản lý trạm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
3. Xây dựng cơ chế thu hút và tái đào tạo đối với nguồn nhân lực có chuyên ngành điện tử viễn thông, công nghệ thông tin để đáp ứng được nhu cầu quản lý, vận hành mạng lưới trạm trong tiến trình tự động hóa và mở rộng mạng lưới quan trắc.
4. Rà soát, đánh giá cụ thể khả năng di chuyển của từng trạm thủy văn trong diện bị tác động do quy hoạch thủy điện và phát triển KTXH của địa phương để kịp thời tham mưu cho Bộ quyết định trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành và hài hòa với lợi ích của địa phương, cụ thể:
- Đối với các trạm quan trọng, cốt lõi, không thể di chuyển, kịp thời tham mưu để Bộ có biện pháp phù hợp với địa phương nhằm bảo toàn vị trí trí trạm hiện có.
- Đối với các trạm Bộ đã có chủ trương đồng ý di chuyển, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương làm việc với địa phương để sớm di chuyển trạm để đảm bảo điều kiện hoạt động ổn định, lâu dài đáp ứng yêu cầu chuyên môn.
- Thực hiện rà soát đối với các trạm có số liệu quan trắc bị ảnh hưởng lớn, không còn giá trị sử dụng để đề xuất giảm yếu tố quan trắc hoặc giải thể trạm.
5. Nghiên cứu đề xuất để Bộ có trao đổi với Bộ Tài chính về kinh phí xây dựng, phê duyệt, thực hiện phương án cắm mốc giới, công khai mốc giới hành lang an toàn kỹ thuật trạm theo đúng tinh thần nghị định 48 góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn hành lang kỹ thuật công trình.
6. Nghiên cứu đề xuất giảm một số yếu tố quan trắc không thật cần thiết ở các trạm thủy văn hạng III nói riêng và các trạm khí tượng thủy văn nói chung trình Bộ xem xét quyết định để có nguồn kinh phí đầu tư cho các nội dung cấp bách và nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường, ông Lê Công Thành đánh giá cao bản báo cáo Tổng cục KTTV chuẩn bị. Bên cạnh đó, ông đề nghị cần phát triển thêm yếu tố đo, thêm các trạm KTTV; Cập nhật thiết bị đo mới; Nghiên cứu các công nghệ tự động cho thời gian nhanh, chính xác; Phân loại các loại hình trạm; Đánh giá lại phương thức đo; Đổi mới sản phẩm dự báo thủy văn để công tác dự báo, cảnh báo ngày càng nhanh, chính xác, hiệu quả.
Bài và ảnh: Mỹ Linh